Quảng Bình:
Theo chân thợ lặn tìm kiếm hải sản chết dưới đáy biển
(Dân trí) - Sáng 7/5, PV Dân trí đã cùng nhóm thợ lặn có thâm niên hơn 30 năm mưu sinh trên biển trực tiếp xuống vùng “biển chết”, cách cửa sông Nhật Lệ (TP Đồng Hới, Quảng Bình) khoảng 3 hải lý và thật hãi hùng khi chứng kiến từng rạn san hô đổi màu, hải sản chết la liệt tại đây...
Sở dĩ các ngư dân gọi là “biển chết” bởi nơi đây vốn là nguồn cung cấp tôm cá, hải sản giúp ngư dân có cuộc sống no ấm; nhưng giờ từng đàn tôm cá, hải sản chết dưới đáy biển.
Khoảng 10 giờ sáng, chiếc tàu cá 33CV của ngư dân Đặng Thế Dĩ (48 tuổi) ở xã Quang Phú, TP Đồng Hới cùng 2 thợ lặn có tiếng ở đất Quảng Bình là “kình ngư” Lê Xuân Hòa (36 tuổi) và Phạm Văn Trị (37 tuổi) thả neo xuôi dòng Nhật Lệ và thẳng tiến ra biển.
Giữa tiếng gầm rú của con tàu khi băng qua những con sóng đánh mạnh vào mạn thuyền, ngư dân Dĩ thở dài: “Nói thật với nhà báo, là ngư dân chúng tôi chỉ biết sống nhờ biển, tuy nhiên khoảng hơn một tháng nay, cá tôm, hải sản… chết dưới đáy biển, trôi dạt trắng bờ khiến cuộc sống của ngư dân bị đảo lộn hoàn toàn”.
Phóng tầm mắt ra phía biển khơi, ngư dân Dĩ tâm sự: “Nể nhà báo lắm nên chúng tôi mới chở đi đó. Nguyên nhân cá chết vì chất độc gì thì đến nay vẫn chưa có kết luận cuối cùng. Có điều lặn xuống dưới đáy biển nhìn thấy tôm cá, hải sản… chết mà xót xa. Hơn nữa lặn xuống đó cũng sợ chất độc hại ngấm vào người”.
Chủ tàu Dĩ (bìa phải) cùng một ngư dân khác hỗ trợ hai "kình ngư" xuống biển
Con tàu xuất phát được gần 1 giờ đồng hồ thì chủ tàu Dĩ thông báo thả neo, theo ông đây là khu vực cá và các loài hải sản khác chết nhiều. Ông Dĩ cùng một ngư dân khác chuẩn bị áo lặn và các dụng cụ cần thiết cho hai “kình ngư” Hòa và Trị xuống biển để bắt đầu cuộc tìm kiếm cá chết dưới đáy biển.
Ông Dĩ xót xa: “Tui làm nghề lặn đã hơn 30 năm nhưng đây là lần đầu tiên thấy hiện tượng cá chết trắng biển như thế này”.
Hàu, hải sâm... chết dưới đáy biển được các ngư dân vớt lên
Khoảng 30 phút ngâm mình dưới đáy biển, “chiến lợi phẩm” mà hai “kình ngư” Hòa và Trị vớt lên được chỉ là những rạn san hô đổi màu hồng thành trắng, từng con hải sâm, vẹm, sò, hàu… chết và đang trong quá trình phân hủy.
Theo các thợ lặn, số rạn san hô, hải sâm, hàu, sò... vớt lên được nằm ở độ sâu từ 15 đến 20m.
Khoảng 30 phút ngâm mình dưới đáy biển, hai "kình ngư" đã lên tàu rất vội vàng vì sợ nhiễm độc.
"Kình ngư" Phạm Văn Trị xót xa trước bao "chiến lợi phẩm" là hải sản đã chết
Vừa lên khỏi mặt nước, hai “kình ngư” này đã vội vàng vào khoang tắm nước ngọt và thay quần áo vì sợ nguồn nước biển độc hại ngấm vào người. “Phía dưới đáy chỉ còn thấy xác chết của hải sản, các rạn san hô nằm lăn lóc và đang chuyển từ màu hồng sang trắng, còn xác tôm cá không còn nhìn thấy. Nước ở dưới tầng đáy cũng đen ngùm”, ngư dân Trị cho hay.
Ông Đặng Thế Dĩ (bìa phải) nói với PV Dân trí rằng, bình thường rạn san hô này có màu đỏ, tuy nhiên khoảng một tháng trở lại nay thì nó đã chuyển thành màu trắng.
Trong một diễn biến khác, vào sáng nay, 7/5, một đoàn công tác của Trung tâm Điều tra tài nguyên – môi trường biển (MGMC) thuộc Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam (VASI) cùng một nhóm thợ lặn là ngư dân người địa phương đã phối hợp với Sở TN&MT Quảng Bình có chuyến khảo sát, tìm kiếm ở khu vực cá chết ở vùng biển cách cửa sông Nhật Lệ khoảng 3 hải lý.
Trung tâm Điều tra tài nguyên – môi trường biển (MGMC) thuộc Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam (VASI) chuẩn bị khảo sát.
Theo ghi nhận của PV Dân trí, ngay từ sáng sớm đoàn đã chuẩn bị các thiết bị, dụng cụ cần thiết cho cuộc khảo sát, tuy nhiên đến khoảng 12 giờ trưa, tàu của đoàn mới thả neo. Đến khoảng gần 13 giờ chiều cùng ngày, khi đoàn công tác này tiếp giáp với tàu của PV Dân trí đang tác nghiệp, đoàn yêu cầu chúng tôi quay vào bờ, còn họ bắt đầu cho cuộc khảo sát.
Đến khoảng gần 13h chiều 7/5, tàu của đoàn công tác tiếp giáp với tàu của PV và các thợ lặn.
Dân trí sẽ sớm thông tin kết quả chuyến khảo sát của đoàn công tác đến bạn đọc.
Đặng Tài