1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Theo chân nhóm thợ săn đi bẫy đàn trâu hoang tấn công người

(Dân trí) - Do đã từng bị đánh bẫy trước đó, đàn trâu hoang thường tấn công người trở nên tinh khôn, không hoạt động theo khu vực cố định. Chúng tránh xa khu vực đặt bẫy. Chính vì vậy, nhóm thợ săn phải cất công di dời bẫy đi nơi khác, quyết tâm mai phục để bắt sống số trâu còn lại.

Ngày 16/8, nhóm thợ săn 4 người quê ở tỉnh Quảng Trị tiếp tục triển khai phương án đặt bẫy đàn trâu dữ ở khu vực xã Cam Tuyền. Sau nhiều lần liên hệ nhóm phóng viên chúng tôi mới có dịp theo chân nhóm thợ săn vào khu vực đồi, nơi có đàn trâu hoang hoạt động để “mục sở thị” việc bẫy trâu.

“Mục sở thị” quá trình nhóm thợ săn bẫy đàn trâu hoang tấn công người

Nhóm thợ săn được gia hạn thêm 5 ngày để bẫy hết đàn trâu hoang
Nhóm thợ săn được gia hạn thêm 5 ngày để bẫy hết đàn trâu hoang

Đàn trâu này rất hung dữ, hễ thấy người là xông tới tấn công nên nhóm thợ săn phải cẩn trọng trong việc “bài binh bố trận”, chuẩn bị hàng loạt bẫy giăng kín khắp nơi để hy vọng bắt gọn bầy trâu. Bên cạnh việc đặt bẫy, nhóm thợ săn cũng chuẩn bị khá nhiều mặt nạ nhựa hình Tôn Ngộ Không ở quanh khu vực có sự hiện diện của đàn trâu này. Theo nhóm thợ săn, việc làm này nhằm để “dọa trâu”, không để chúng đi nơi khác.

Chiếc mặt nạ được nhóm thợ săn dùng để ngăn không cho trâu đi sang khu vực khác
Chiếc mặt nạ được nhóm thợ săn dùng để ngăn không cho trâu đi sang khu vực khác

Mặc dù biết trước sẽ phải đối diện với nhiều nguy hiểm, có thể bị trâu tấn công nhưng nhóm thợ săn đã có nhiều kinh nghiệm trong việc săn trâu nên tỏ ra rất bản lĩnh. Việc đặt bẫy cũng được tiến hành một cách tỷ mỷ trên mặt đất được “ngụy trang” khá cẩn thận để trâu khỏi phát hiện.

Dù đã hết thời hạn hợp đồng 10 ngày đặt bẫy bắt đàn trâu 9 con hung dữ ở khu vực rừng trồng xã Cam Tuyền, nhưng với chiến tích bắt được 2 con trong đàn cách đây vài ngày, nhóm thợ săn này được chính quyền huyện Cam Lộ và xã Cam Tuyền gia hạn thêm 5 ngày.

Ông Lê Minh đặt thòng lọng trên bẫy trâu
Ông Lê Minh đặt thòng lọng trên bẫy trâu

Theo ông Lê Minh - trưởng nhóm thợ săn, thay vì đặt bẫy tập trung như 10 ngày trước, lần này, các anh phải dùng phương án khác là rải bẫy đều ra khắp các ngả đường đi của đàn trâu.

Trước khi di dời bẫy, nhóm thợ săn đi thăm bẫy ở những vị trí cũ và phát hiện trâu có đến địa điểm đặt bẫy, nhưng không dính bẫy. “Dấu vết chân cho thấy chỉ có một con đến khu vực này để uống nước. Bây giờ trâu ít đi thành đàn, mà con đực đầu đàn đi dò trước, thấy an toàn thì cả đàn mới kéo đến nên khó sập bẫy hơn”, ông Minh nói.

Một nhóm bẫy được neo bằng cọc sắt phi 20cm, dài khoảng 1,2m đóng sâu xuống đất. Do khu vực đặt bẫy đất nhão nên nhóm thợ săn đóng thêm cọc gỗ để giữ cọc neo. Sau đó, 3 sợi cáp phi 10 được siết chặt bằng vít vào cọc néo.

Bên trên ổ bẫy, một sợi cáp được siết thành thòng lọng, hố bẫy tròn sâu cỡ 30 cm. Ở hố bẫy còn có một bàn chông hình chóp nón đặt bên dưới sợi cáp. Bố trí xong bẫy, thợ săn dùng cây rừng, lá cây và phủ đất lên trên để ngụy trang. Khu vực đặt bẫy được lựa chọn là nơi trâu ăn nghỉ, nằm ngủ hay tắm mát.

Ban đầu, bẫy được chế bằng thòng lọng neo vào cây cao, uốn cong xuống đất, nhưng bẫy này không hiệu quả. Sau nhiều lần cải tiến, chiếc bẫy hiện dùng được cho là hiệu quả nhất.

Những chiếc bẫy này được đánh giá là hiệu quả nhất sau khi đã cải tiến
Những chiếc bẫy này được đánh giá là hiệu quả nhất sau khi đã cải tiến

Hiện tại, nhóm thợ săn này đã khoanh đàn trâu lại trong diện tích khoảng 70ha. Xung quanh diện tích này là các hào sâu, đường đi cũng được rào chắn lại nên đàn trâu không di chuyển ra ngoài được.

“Nếu sắp hết thời hạn mà đàn trâu không tự mắc bẫy, chúng tôi sẽ dùng biện pháp cuối cùng là xua đàn trâu đến nơi đã dàn bẫy từ trước”, ông Hùng, thành viên trong nhóm thợ săn nói.

Đăng Đức