1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Theo chân người bán rắn độc

(Dân trí) - Trong vòng vây của đám người hiếu kỳ xúm xít bên góc phố Hàng Da (Hà Nội), một thanh niên cầm thân con rắn hổ mang đưa lên đưa xuống biểu diễn. Con rắn liên láo đôi mắt, bạnh cổ ngóc đầu, lưỡi thụt thò rình đợp vào mấy người ngồi bu xung quanh. Người bán lập tức giật đuôi, lấy móc sắt gí chặt vào cổ. Đám đông ồ lên, có người mặt tái xanh xám...

Bán rắn như bán xôi dạo

 

Chiều chiều, trên các đường Trần Phú, đường Hoàng Hoa Thám, đoạn qua công viên Bách Thảo thường thấy một hai người đàn ông đứng lẻ loi bên chiếc xe đạp cọc cạch, đèo theo sau cái giỏ ghi vỏn vẹn hai chữ: "Bán rắn". Thảng hoặc mới có người dừng lại xem, hoạ hoằn lắm mới có người mua, nhưng những người bán rắn vẫn cặm cụi đứng nhẫn nại bên hè đường, nhìn cuộc sống vận động hối hả lúc về chiều.

 

Tôi lân la làm quen với một tay chuyên bán rắn dạo, nhà ở thôn 2 Lệ Mật, Gia Lâm. Anh giới thiệu mình tên Thăng "cụt" rồi giải thích cái biệt danh khó nghe ấy mà không chút giấu giếm: "Trước đây tôi làm thuê cho một nhà kinh doanh đặc sản rắn ở Lệ Mật. Xưa nay dân làm thuê chúng tôi toàn tay không bắt rắn, có ai sử dụng công cụ bảo hộ lao động bao giờ đâu.

 

Ở các nhà hàng tại Lệ Mật, nhân viên quán phải trình diễn màn cắt tiết rắn độc trước mặt thực khách, móc lấy quả tim rắn đang còn thoi thóp đập, cho vào cốc rượu của một VIP trong đoàn. Mọi ngày thì "xử" gọn đâu vào đấy. Hôm ấy trời xui đất khiến, không hiểu luống cuống thế nào mà bị loài bò sát máu lạnh này đợp vào đầu ngón tay trỏ. Garô rồi mà ngón tay cứ tím tái dần. Thế là phải tháo khớp cả ngón".

 

Thấy tôi rùng mình, Thăng tỉnh bơ: "Thế vẫn còn may chán, ai bị rắn hổ chúa đớp thì chỉ có nước chầu Diêm Vương".

 

Những người hành nghề bán rắn dạo như Thăng "cụt" giờ không còn nhiều. Hai ba năm nay, người ta không còn chuộng mốt ngâm rượu tam xà, ngũ xà như trước nữa. Thăng lấy que sắt gẩy gẩy mấy con rắn cuộn khoanh trong giỏ, nói: "Một số người đứng đường ế ẩm không có khách mua, phải đi bán dạo như bán xôi ấy".

 

Trước đây, nếu đi bán dạo vào các ngõ ngách, thường thì những người như Thăng mang theo một con thỏ hoặc con gà con. Đến nhà nào thực sự muốn mua, muốn thử nghiệm xem rắn có độc thật hay không, người bán sẽ cho rắn đớp con vật xấu số, khiến nó chết lập tức. "Trò ấy tuy dã man nhưng đổi được lòng tin của khách", Thăng hào hứng khoe.

 

Không biết trong phường bán rắn, anh nào đã nảy ra "sáng kiến" sử dụng phép thử ấy, nhưng hiệu quả mang lại thì rõ rệt. Khách xem xong thí nghiệm "rắn cắn gà" mà gật đầu mua thì người bán cũng hạ giỏ, rót rượu ra hành nghề luôn tại gia.

 

Mạng sống treo đầu rắn

 

Theo chân người bán rắn độc - 1

Hoạ hoằn mới có người hỏi mua, nhưng vì lợi nhuận những người bán rắn dạo vẫn không bỏ nghề.

Ngày nào may mắn, Thăng cũng bán được một đôi bộ tam xà, ngũ xà, tuy có vất vả nhưng vẫn lãi hơn nghề đi làm nhân viên nhà hàng. Chỉ có điều nếu không bán được, cho ăn uống không tốt, rắn quay ra chết là cụt vốn, hoặc nuôi nhốt không cẩn thận, để rắn đớp phải trẻ con trong nhà thì hiểm hoạ là khôn lường. "Biết nguy hiểm, nhưng đã là nghiệp, vẫn phải dấn thân", Thăng thở dài thườn thượt, giọng bùi ngùi.

 

Theo anh thì nhiều kẻ không may mắn, còn bị tháo khớp tay, thậm chí chết trong trạng thái, suy hô hấp, suy tim, người tím đen vì nọc độc. Những đứa trẻ ở làng Thăng, từ bé đã khoác lên cổ mấy con rắn ráo, rắn nước... nên chúng chẳng sợ gì loài rắn.

 

Tôi thận trọng ngó vào chiếc giỏ "tử thần" của Thăng, trong đó có một con cạp nong khoanh đen khoanh vàng, một hổ chúa đen như cột cháy và một vài con rắn khác cuộn tròn trên lớp vải mềm. Thấy nắp giỏ mở ra, ánh sáng lùa vào, mấy con rắn bắt đầu ngọ nguậy. Chỉ thoáng nhìn những loài bò sát mang nọc độc chết người ấy, tôi đã lạnh người. Chỉ cần vô phúc dính một đợp, không chạy chữa kịp là "đi" ngay.

 

Thăng than thở: "Không bán được sớm thì nuôi mấy con cạp nong, hổ chúa tốn kém lắm. Chúng toàn ăn các loại rắn khác. Bán sớm được ngày nào hay ngày nấy". Thăng tiện tay cầm lên con rắn cạp nong, miệng nói như có ý... trách rắn: "Đây, con này lấy về hơn tuần nay rồi mà vẫn chưa bán được. Cứ một hai ngày, phải kiếm cho nó con rắn ráo. Mà phải bỏ tiền ra mua, chứ giờ kiếm đâu ra". Con rắn lúc lắc ngoe nguẩy đầu khiến tôi phải tụt lùi mấy bước, ngộ nhỡ...

 

Bán rong hàng cấm trong sách đỏ

 

Làng Lệ Mật xưa nay vẫn nổi tiếng với nghề bắt rắn rồi nuôi rắn, đến khi kinh tế thị trường phát triển thì mở rộng kinh doanh đặc sản rắn, đặc sản thịt thú rừng. Nhu cầu tăng, Lệ Mật thu gom hàng từ nhiều ngả, người Lệ Mật không còn nuôi rắn nhiều như trước nữa.

 

"Làng tôi bây giờ người dân đi bán rắn khắp nơi. Bán dạo cho người ngâm rượu được giá hơn chế biến đặc sản mà đỡ tốn công. Chỉ cần can rượu treo ghi đông, lồng rắn đèo phía sau là hành nghề được. Ai cần ngũ xà, tam xà... làm mươi mười lăm phút là xong. Bộ ngũ xà bán được sáu trăm nghìn, tam xà bốn trăm nghìn. Mỗi ngày chỉ cần bán được đôi bộ là sống ngon" - Thăng khoe - "nhưng phải lấy rượu của tôi thì mới không thối rắn". Hỏi vì sao, hắn cười hề hề nói rằng "bí mật nhà nghề", không lộ được.

 

Thăng thao thao rằng nguồn hàng không thiếu, kể cả cung ứng cho nhà hàng, cần bao nhiêu "bộ" cũng lo được. Chẳng biết nguồn hàng phong phú đến đâu, chỉ thấy một điều hiển nhiên là đa phần các loại rắn cạp nong, cạp nia, hổ mang, hổ chúa... trong "lít" của Thăng, đều là sinh vật có nguy cơ bị tận diệt ở Việt Nam, nằm trong sách Đỏ, mức độ đe doạ bậc tê (T).

 

Mặc cho những tai nạn chết người thỉnh thoảng vẫn xảy ra, lệnh cấm cứ cấm, việc mua bán rắn vẫn diễn ra rôm rả hàng ngày, ngay giữa Hà Nội. Một bác sĩ công tác tại Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai than thở, những ca rắn cắn đưa vào trung tâm này toàn trường hợp "chỉ mành treo chuông", thập tử nhất sinh. Thế nhưng đó vẫn chưa đủ trở thành bài học xương máu cho những người vẫn hàng ngày đùa với tử thần.

 

Thăng chào tôi, chiếc xe đạp cọc cạch khuất lấp ngay vào dòng người buổi chiều muồn muộn trên đường. Chiếc biển "Bán rắn" mờ dần rồi mất hút. 

Án Văn Long