Hà Tĩnh:
Thêm một nữ dân công hỏa tuyến hơn 10 năm đi đòi quyền lợi
(Dân trí) - Cống hiến tuổi thanh xuân cho Tổ quốc trong những năm tháng mưa bom bão đạn, ngày trở về bà mang bao vết thương, tủi hờn. Hơn 10 năm qua bà cùng người chồng già yếu thay nhau đi đòi quyền lợi chính đáng của mình...
Biết chúng tôi đang tìm hiểu về những người từng đi thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến nhưng chưa được hưởng bất kỳ chế độ chính sách nào của Nhà nước, bà Nguyễn Thị Nhu ở thôn Châu Nội, xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh không giấu được những giọt nước mắt tủi hờn đã kìm nén hơn 10 năm qua.
Bà Nhu kể, ngày 04/12/1971, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, bà cùng những đoàn viên trong xã đã tình nguyện gia nhập lực lượng dân công hỏa tuyến và được phân công nhiệm vụ ở mặt trận Phôlykhămxay thuộc Trung Lào. Bà thuộc đơn vị C1, mặt trận 972 thuộc Trung Lào cùng với 5 đồng chí khác ở trong thôn là Phạm Văn Thuận (Trung đội trưởng) Phạm Văn Hiền, Phan Thị Dần, Trần Thị Liên và Nguyễn Huy Tứ.
Đơn vị của bà Nhu được giao nhiệm vụ trọng yếu và gian khổ là vừa tham gia vận chuyển lương thực thực phẩm, thuốc men, đạn dược cho tiền tuyến vừa phải đảm bảo thông đường cho xe cộ, bộ đội di chuyển phục vụ tác chiến.
Dù khó khăn, hiểm nguy, có những thời điểm cái chết và sự sống chỉ kề nhau trong gang tấc nhưng bằng lòng dũng cảm, nguyện hy sinh cho đất nước, cả đơn vị đã cùng động viên nhau hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Có thời điểm do chưa quen với thời tiết khí hậu nên bà Nhu nhiều lần bị sốt rét, tưởng chừng phải bỏ mạng không mong có ngày về.
“Có nhiều lúc chúng tôi chỉ cách tiền tuyến vài trăm mét. Không chỉ có bom đạn mà bệnh tật, nhất là căn bệnh sốt rét ác tính cũng đã cướp đi rất nhiều người đồng đội của tôi”, bà Nhu tâm sự.
Tháng 5/1972, sau gần một năm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bà Nhu được trở về quê hương. Vài năm sau bà lập gia đình, sinh con đẻ cái và không màng đến quyền lợi cho những tháng năm cống hiến cho đất nước.
Đến năm 1995, khi Chính phủ ra Nghị định số 28/CP ngày 29/4/1995 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi đối với những người có công. Như bao người dân công hỏa tuyến khác, bà Nhu đã làm và gửi toàn bộ hồ sơ liên quan mong được ghi nhận những ngày tháng bà cống hiến bên đất nước Lào.
Thế nhưng niềm vui chưa thấy đâu thì bà đã phải chịu bao nỗi buồn tủi khi hồ sơ của bà không được công nhận.
Bà Nhu cho biết: “Từ năm 2002 là tôi bắt đầu làm hồ sơ và đã được chuyển lên huyện Đức Thọ rồi lên Sở Lao động - Thương binh & Xã hội Hà Tĩnh. Tuy nhiên hồ sơ của tôi có một chút sai sót theo hướng dẫn. Đến năm 2005, sau khi được bổ sung, hồ sơ của tôi đã được Bộ LĐ-TB&XH duyệt và trả về xã để niêm yết công khai”.
Tưởng rằng vậy là được đền đáp, nhưng nào ngờ đến nay bà vẫn không nhận được bất kỳ một chế độ đãi ngộ nào.
“Khi danh sách những người hưởng chế độ được niêm yết thì cũng là lúc Hà Tĩnh xảy ra tiêu cực trong vấn đề làm chính sách nên hồ sơ của tôi và những người cùng thời điểm đó bị dừng lại và cho tới bây giờ vẫn không thể giải quyết được”, bà Nhu cho biết.
Từ đó đến nay đã hơn 10 năm, vợ chồng bà Nhu thay phiên nhau đi gõ cửa các cơ quan chức năng nhưng đều nhận được cái lắc đầu. Lý do duy nhất khiến bà không được hưởng chế độ ưu đãi dân công hỏa tuyến như những người trong xã cùng đi với bà là do hồ sơ của 2 người làm chứng (Trần Nam Trung và Nguyễn Huy Tứ) trong lý lịch chỉ nêu công tác dân công hỏa tuyến tại Trung Lào và Y sỹ dân công chiến trường Lào mà không ghi cụ thể tên đơn vị. Dựa vào đó các cơ quan làm chính sách của Hà Tĩnh kết luận là 2 người này không cùng đơn vị với bà.
Trong khi đó, bà Phan Thị Dần cùng đi một đợt với bà, cùng đơn vị và cùng được 2 người trên làm chứng thì đã được hưởng chế độ chính sách.
“Khi Tổ quốc cần thì chúng tôi lên đường. Chúng tôi chỉ biết cống hiến không hề màng đến tư lợi cho nên những giấy tờ, bằng khen do vấn đề thời gian và chiến tranh đã bị thất lạc. Bà Nhu là người thật, việc thật mà không được công nhận thì thật là bất công”, ông Nguyễn Huy Tứ, người cùng đơn vị dân công hỏa tuyến với bà Nhu, bất bình.
Bà Cù Thị Bích Hiệp, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Đức Thọ cho biết: “Những hồ sơ nếu không được hưởng chế độ thì đã được trả về hết rồi. Còn trường hợp của bà Nhu thì Sở đã trả lời là do 2 người làm chứng không thuộc cùng đơn vị nên không được công nhận. Còn những hồ sơ hay có những sai sót gì thì thời điểm đó tôi chưa làm nên tôi không biết”.
Để tìm hiểu rõ hơn về những bất công đối với những cựu TNXP và dân công hỏa tuyến, đặc biệt là trường hợp của bà Nguyễn Thị Nhu, chúng tôi đã có buổi làm việc với Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh.
Ông Phạm Văn Công, Phòng Người có công thuộc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hà Tĩnh cho biết, hồ sơ của bà Nhu nằm trong số 1817 hồ sơ mà Bộ LĐ-TB&XH duyệt không đạt và trả lại cho các đối tượng để tiếp tục bổ sung, hoàn thiện; cấp nào sai cấp đó phải sửa. Đã hạ chỉ tiêu từ 2 người làm chứng cùng đơn vị xuống chỉ còn 1 người cùng đơn vị, 1 người cùng vùng là cũng được xem xét duyệt.
Lý do bà Nhu không được xét duyệt là do người làm chứng không ghi rõ đơn vị cụ thể. Đến khi yêu cầu bổ sung người làm chứng thì bà Nhu không bổ sung được nên không chuyển hồ sơ lên Sở xem xét. Bây giờ hồ sơ đang nằm ở xã hoặc huyện chứ không ở Sở.
PV Dân trí hỏi: Tại sao cùng là 2 người làm chứng nhưng bà Phan Thị Dần thì được hưởng chế độ chính sách còn bà Nhu thì không? Ông Công trả lời: “Để phải xem lại hồ sơ”.
Cũng theo ông Công, quy định hiện nay là không cho phép người làm chứng. Đối với các đối tượng làm hồ sơ hưởng chính sách như bà Nhu, phải xác định còn vết thương mà có mảnh đạn trong cơ thể là có thể làm được!
Trước đó, báo Dân trí đã có loạt bài phản ánh rất nhiều TNXP và dân công hỏa tuyến trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh bao nhiêu năm không được hưởng bất kỳ chế độ chính sách nào, dù họ đều là những "người thật việc thật", đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho Tổ quốc.