Nghệ An:
Thêm một hoàn cảnh nhân ái bị kẻ xấu lừa tiền
(Dân trí) - Sau khi hỏi thăm tình hình sức khỏe, người đàn ông tự xưng tên Luân bảo chị L. làm hồ sơ để nhận tiền hỗ trợ và gợi ý bồi dưỡng cho nhóm làm hồ sơ. Tin người, chị L. đã mất gần chục triệu bạc cho chiêu lừa đảo không mới này.
Sau khi hỏi thăm tình hình sức khỏe của con tôi (con gái chị L. mắc bệnh máu huyết tán), anh ta cho biết, chương trình nhân đạo giữa Ngân hàng và Báo Nghệ An đã trao được 3 trên tổng số 6 suất quà tại Nghệ An. Do một hoàn cảnh ở huyện Anh Sơn đã mất nên hiện tại suất hỗ trợ đó chưa biết trao cho ai và bảo tôi làm hồ sơ để trao số tiền đó cho con gái tôi.
Do ngày kết thúc chương trình hỗ trợ đã cận kề nên việc làm hồ sơ hơi khó, phải bỏ ra 4,5 triệu đồng để làm cho kịp. Sau đó anh ta gợi ý là trong nhóm làm hồ sơ có 4 người và đề nghị tôi bồi dưỡng cho họ. Thấy tôi lưỡng lự, anh ta bảo, số tiền hỗ trợ đợt này là 85 triệu đồng, bỏ ra một số tiền nhỏ để lấy gần 100 triệu đồng cũng đáng nên tôi xuôi xuôi. Anh ta hẹn tôi sáng ngày 21/11 xuống trụ sở Báo Nghệ An để hoàn thành hồ sơ, nhớ mang theo CMT, sổ hộ khẩu và giấy xác nhận hoàn cảnh”.
Sau khi nhờ người nhà vay mượn được hơn 10 triệu đồng, theo lời hẹn của người đàn ông tên Luân, chị L. đến trụ sở Báo Nghệ An. Tới nơi, chị nhận được điện thoại, hướng dẫn ra hai gốc cây phía bên cạnh tòa nhà của báo lấy hồ sơ đã được để sẵn ở đó và ghi theo hướng dẫn. Sau khi điền đầy đủ thông tin, để hồ sơ và tiền ở gốc cây, sẽ có người phụ nữ tên Minh ra lấy.
“Tôi thắc mắc thì anh ta bảo là trong này đang họp, chị cứ điền hồ sơ rồi để dưới gốc cây, tý nữa em xác nhận vào hồ sơ rồi chị sang ngân hàng lấy tiền về. Dù rất nghi ngờ nhưng không hiểu sao tôi cứ như người mộng du, răm rắp làm theo lời hướng dẫn của anh ta. Sau đó anh ta hướng dẫn tôi đi ra phía cầu thang đăng sau tòa báo để lên phòng làm việc. Bảo vệ tòa nhà hỏi và hướng dẫn tôi đi cầu thang trước báo thì anh ta gọi điện bảo không phải lên nữa, giờ chị sang ngân hàng nhận tiền. Tôi đến trụ sở ngân hàng gọi lại thì số máy đó không liên lạc được nữa. Sau cả chục lần gọi không thành tôi mới biết mình bị lừa”, chị L. uất ức kể.
Cả số tiền chạy hồ sơ và tiền bồi dưỡng cho nhóm làm hồ sơ, chị L. đã đưa cho đối tượng trên 9.500.000 đồng. Tiếc tiền nhưng chị L. không dám kể với ai vì sợ nếu con gái biết sẽ suy sụp, việc điều trị sẽ gặp khó khăn.
Nhận thấy đây có khả năng là hình thức lừa đảo tương tự như trường hợp của chị L. chúng tôi đã tìm cách hoãn thời gian gặp mặt đến 15h chiều, đồng thời bố trí phương tiện nghiệp vụ và sự hỗ trợ của các đồng nghiệp để phục bắt. Trong vai chị Đào, tôi và một đồng nghiệp có mặt tại cổng bến xe Vinh và nhờ chị Đào liên lạc với kẻ lừa đảo (trước đó, người này cho biết chỉ tin tưởng nhận liên lạc qua điện thoại chị Đào).
Đối tượng này không tới Bến xe Vinh mà hướng dẫn chị Đào đi theo đường Nguyễn Sỹ Sách, ra khu vực bán hoa, cây cảnh trên đường 3-2. Khi chúng tôi có mặt tại một điểm bán cây cảnh sát trụ sở Báo Nghệ An và bố trí lực lượng phục kích thì đối tượng trên lại điện thoại cho chị Đào, hẹn tới số nhà 36, đường 3-2. Chúng tôi có mặt tại địa chỉ trên, có lẽ do đánh hơi được việc bị bại lộ, số điện thoại 01636263823 không liên lạc được nữa.
Đây là thủ đoạn lừa đảo không mới, kẻ xấu nhằm vào các hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo đang cần tiền chữa trị. Chúng thường tìm hiểu thông tin trên báo, lấy số điện thoại liên lạc tìm cách lừa đảo. Bởi vậy, đề nghị các hoàn cảnh nhân ái cần đề cao cảnh giác, khi nhận được những cuộc điện thoại đề nghị đưa tiền để làm hồ sơ nhận hỗ trợ cần báo ngay cho cơ quan chức năng hoặc liên lạc với đơn vị mà đối tượng tự xưng để kiếm chứng thông tin.
Hoàng Lam