Thủ tướng:
“Thế giới 5 tỷ người phải ở nhà, Việt Nam tiếp tục làm tốt cách ly xã hội”
(Dân trí) - Đây là nội dung trước hết Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc quán triệt tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương sáng 10/4 bàn nhiệm vụ, giải pháp cấp bách đối phó, tháo gỡ khó khăn do dịch Covid-19.
Khó khăn cao hơn đợt khủng hoảng 2008-2009
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng trước hết nhắc nhở, không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trong tình hình hiện nay khi sự lây nhiễm trong cộng đồng đang diễn ra ở một số nơi.
“Cần tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị 16 về cách ly xã hội khi hiện có gần 5 tỷ người - một nửa dân số thế giới - phải cách ly tại nhà. Các thành phố lớn trên thế giới đều im ắng, vắng vẻ. Như vậy, chống dịch là nhiệm vụ chính trị hàng đầu trong giai đoạn hiện nay khi chưa bao giờ trong những thập kỷ gần đây có đại dịch tương tự” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Về tác động tới kinh tế-xã hội, Thủ tướng đánh giá, dịch Covid-19 đã và đang gây hệ lụy lớn đối với kinh tế toàn cầu. Hầu hết các nước, các đối tác lớn của Việt Nam đều bị ảnh hưởng rất trầm trọng. Nhiều nước được dự báo gặp suy thoái kinh tế, kể cả Mỹ, Nhật Bản và EU nếu dịch không sớm kết thúc. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, Tổng Giám đốc IMF, WB, các hãng xếp hạng tín nhiệm cảnh báo thế giới khó tránh khỏi một cuộc suy thoái toàn cầu. Kinh tế thế giới có thể mất tới hơn 5.000 tỷ USD.
So với cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009, lần này thế giới khó khăn hơn nhiều.
Thủ tướng nhắc lại, trong bối cảnh đó, tất cả các nước trên thế giới gần như đều đưa ra gói kích thích kinh tế lớn nhất trong lịch sử.
Với Việt Nam, Thủ tướng nêu rõ, những vấn đề cấp bách đặt ra thời gian tới rất hệ trọng, mang tính sống còn với khu vực sản xuất kinh doanh và phần lớn các loại hình doanh nghiệp Việt Nam. Nếu không có biện pháp duy trì hoạt động kinh tế xã hội bình thường và thúc đẩy mạnh mẽ việc phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh, sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy lớn về kinh tế xã hội, kể cả bất ổn xã hội.
Không có biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt thì nền kinh tế dễ bị đổ gãy, dễ bị âm trong phát triển, Thủ tướng cảnh báo.
Thủ tướng khái quát, hội nghị trực tuyến với các địa phương hôm nay được coi là “4 trong 1” hay “tất cả trong 1” nhằm huy động tổng lực các nguồn lực của đất nước với khí thế quyết tâm, tinh thần yêu nước, quật cường của nhân dân Việt Nam để chiến thắng dịch bệnh Covid-19 đồng thời nỗ lực vượt khó, vươn lên trong sản xuất và đời sống.
Nhiệm vụ của chính quyền là bảo đảm thực hiện nghiêm túc biện pháp, trước hết không để lây lan, sớm khống chế được dịch bệnh. Không chỉ có vậy, phải làm sao biến nguy thành cơ, sau dịch Covid-19, làm thế nào cho nền kinh tế tăng tốc, không chỉ bù đắp những tổn thất rất to lớn vừa qua mà còn đạt được những tầm nhìn, những quyết tâm về một Việt Nam độc lập, tự cường và thịnh vượng.
Thủ tướng yêu cầu đưa ra được các cơ chế, chính sách, giải pháp cụ thể, mạnh mẽ, đúng và trúng để duy trì, phục hồi các hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm việc làm, đời sống trong thời gian có dịch, đặc biệt thúc đẩy nền kinh tế bật mạnh sau khi kết thúc dịch, “như một chiếc lò xo bị nén lâu ngày, phải bật ra”.
Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần hành động nhanh, hành động ngay, làm càng sớm càng tốt các biện pháp khi dịch đã được ngăn chặn thì mới có thể giảm thiểu tác động của dịch bệnh đến đời sống kinh tế-xã hội.
Không loại trừ việc các nước tranh thủ tình hình làm phức tạp Biển Đông
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho rằng có nhiều vấn đề lớn cần xem xét về tác động của dịch Covid-19 đối với công tác bảo đảm an ninh trật tự, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển kinh tế.
Đầu tiên, dịch Covid-19 tác động đến nhiệm vụ chính trị, xã hội, an ninh quốc gia và đối ngoại. Điều này thể hiện rất rõ, khi năm 2020, Việt Nam đảm nhận nhiều vai trò, trách nhiệm quốc tế. Các hoạt động này đều phải giãn ra, có ảnh hưởng đến công tác chính trị, ngoại giao. Quan hệ chính trị, kinh tế giữa các nước, các khu vực trên thế giới cũng đang có biến động.
Do vậy, theo Bộ trưởng Công an, cần phải tính toán chiến lược tương quan chung giữa các nước lớn, không loại trừ khả năng các nước tranh thủ tình hình này để triển khai các hoạt động phức tạp, có liên quan đến an ninh của Việt Nam, đặc biệt là Biển Đông.
Bên cạnh đó, lợi dụng các bệnh dịch, các thế lực thù địch, phản động cũng gia tăng tuyên truyền xuyên tạc, chống phá, nếu không sớm kiểm soát bệnh dịch sẽ gia tăng tâm lý bất ổn, hỗn loạn trong xã hội, tiềm ẩn điểm nóng về an ninh trật tự và tác động tiêu cực đển ổn định chính trị, xã hội.
Sau nữa, dịch tác động trực tiếp đến kinh tế và an ninh kinh tế, sẽ tác động tiêu cực tới tăng trưởng của Việt Nam. Dịch bệnh ảnh hưởng đến đầu tư nước ngoài; các doanh nghiệp trong nước phải chịu thiệt hại kép; ảnh hưởng đến hoạt động các ngân hàng; tác động trên lĩnh vực nông nghiệp, đến công nhân, người lao động. Việc người lao động, công nhân mất việc làm, giảm thu nhập sẽ làm nảy sinh các vấn đề về an ninh trật tự.
Bộ trưởng cũng nêu khó khăn với công tác quản lý xuất nhập cảnh, quản lý biên giới, kéo theo những vấn đề phức tạp về an ninh trật tự, đặt ra những thách thức lớn đối với công tác quản lý cư trú đối với người nước ngoài và công tác bảo hộ công dân, đặc biệt là công dân Việt Nam ở nước ngoài về nước.
Hiện tại, việc quản lý tại các cửa khẩu đường hàng không có thể thực hiện tốt nhưng xử lý khó khăn hơn là tình trạng người dân, nhất là những người lao động, người nghèo trước đây đi lao động ở một số nước vùng biên giới tụ tập trở về.
Trên không gian mạng, các đối tượng cũng tăng cường lợi dụng để tuyên truyền sai sự thật liên quan đến bệnh dịch, gây tâm lý bất an, hoang mang trong dư luận, tạo tình trạng bất ổn, chia rẽ trong nội bộ, tiềm ẩn nguy cơ làm mất ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Bộ trưởng Công an lo diễn biến tội phạm có thể phức tạp, nhất là số đối tượng chống đối không thực thi các quy định của pháp luật, các quy định về phòng chống bệnh dịch, tội phạm hình sự như giết người, cướp giật tài sản, trộm cắp, gây rối, buôn lậu, sản xuất hàng giả, nhất là hàng hoá liên quan đến công tác phòng chống bệnh dịch, hoạt động đầu cơ, nâng giá trục lợi đối với các vật tư, thiết bị y tế liên quan đến phòng chống bệnh dịch…
Lực lượng công an hiện tại mỗi ngày phải huy động hàng trăm lượt tham gia chống dịch tại các tuyến đầu. Như vậy, lượng cán bộ công an có nguy cơ cao bị lây nhiễm dịch Covid-19 cũng tăng lên mỗi ngày.
Phương Thảo