1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

“Thầy lang” 9 tuổi chữa bách bệnh (!?)

Từ đầu năm 2007, ở xã Sơn Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) bỗng xuất hiện một “thầy lang nhí” có tài chữa được tất cả các loại bệnh trên đời như ung thư giai đoạn cuối, AIDS, mù mắt cho đến ghẻ lở, đau chân… chỉ bằng nước nấu lá cây dại.

Được Đức Mẹ ban phép?

 

“Thầy lang” tên là Thân Văn Lĩnh, sinh năm 1998, tại xóm 4 xã Sơn Lộc, huyện Can Lộc, học sinh lớp 3B trường Tiểu học Sơn Lộc, trong một gia đình có hoàn cảnh hết sức khó khăn. Cha Lĩnh bị bệnh tâm thần, mẹ là nông dân trình độ văn hoá thấp; bà nội đã già.

 

Từ nhỏ Lĩnh cũng giống như bao đứa trẻ khác. Tuy nhiên, tháng 2/2007, sau một đêm ngủ dậy, người nhà của Lĩnh bỗng tuyên bố với mọi người là: đêm qua thằng Lĩnh đã được Đức Mẹ hiện về ban phép chữa được bách bệnh.

 

Không biết bằng cách nào nhưng chỉ sau vài thang thuốc của “thầy Lĩnh” thì nghe nói bệnh tâm thần của ông bố đã gần khỏi, tiếp theo là bà hàng xóm sát cạnh nhà bị bệnh thấp khớp kinh niên cũng “hết bệnh” sau khi được “thầy” chữa giúp. Tiếng “lành” đồn xa, chẳng mấy chốc tin “thầy” Lĩnh có phép chữa được bách bệnh đã loan đi nhanh chóng, người từ khắp nơi đổ xô về chữa bệnh.

 

Về xã Sơn Lộc, một bà cụ vẫy tay ra hiệu chúng tôi dừng lại, dặn dò vẻ bí mật: “Các chú đi lấy thuốc chữa bệnh à? Để được việc thì khi gặp bé Lĩnh các chú phải cúi xuống chào và gọi nó bằng mẹ thì mới mong chữa lành được bệnh”.

 

Mặc dù mới sáng tinh mơ nhưng trước nhà của Lĩnh đã có nhiều ô tô, xe máy đậu ngổn ngang, hàng chục người đứng chen chúc nhau đợi đến lượt mình vào lấy thuốc. Có những người già, trẻ em đang bị các bệnh như đau chân, tâm thần được người nhà thuê xe chở đến nằm vật vạ rên khóc nghe thật não lòng.

 

Những người có mặt ở đây đến từ nhiều địa phương như Nghệ An, Hà Nội, TPHCM. Nhiều nhất vẫn là từ huyện Kỳ Anh - Hà Tĩnh. Chị Nguyễn Thị Châu ở Kỳ Hải - Kỳ Anh kể: “Chồng tôi bị bệnh tiểu đường đã 10 năm nay, chữa khắp nơi nhưng vẫn không được. Vừa rồi nghe người ta đồn về tài chữa bách bệnh của “thầy Lĩnh” nên tôi cùng hơn 30 người có chung hoàn cảnh đã góp tiền thuê xe chở ra đây từ sáng nay, vẫn chưa được gặp “thầy”.

 

Trong khoảng sân nhà rộng chừng 15m2, 5 người đàn bà đang ngồi miệt mài cắt lá thuốc để phơi trên những tấm ván gỗ sần sùi; 2 người khác đóng thuốc vào bao để phát cho khách. Điều làm chúng tôi sửng sốt là những gói thuốc có thể chữa được bách bệnh này lại chỉ là những lá cây dại như lá bơm bớp, bò bò, bông trang, lá sim... do mẹ và bà của Lĩnh lên núi hoặc ra đồng cắt về, rửa qua loa rồi… làm thuốc.

 

Những người khi đến đây lấy thuốc thường không phải trực tiếp trả tiền nhưng lại được bà nội của Lĩnh hướng dẫn là bỏ tiền vào hòm công đức treo ngay trước cửa nhà, mức độ là... tuỳ tâm. Theo quan sát của chúng tôi thì người ít nhất cũng phải là 20 ngàn đồng cho hai bao thuốc.

 

Chúng tôi định vào xin thuốc thì một chị kéo áo lại nhắc: “Trước khi vào lấy thuốc các em phải lên chùa Lưu Ly ở phía sau thắp hương và dâng lễ xong thì “thầy” mới cắt thuốc cho”.

 

Đức Mẹ ở chùa?

 

Quán gửi xe và bán đồ lễ đông nghịt người, khoảng chục gian lều vừa mới được người dân dựng lên để trông xe đã không còn một chỗ trống. Anh chủ quán chẳng hề giấu giếm: “Hôm nay không phải là ngày nghỉ nên khách đến lấy thuốc ít chứ vào thứ bảy và chủ nhật thì một ngày phải có hàng trăm người đến lấy thuốc. Cứ mỗi xe máy vào đây gửi là 2.000 đồng. Ngày kiếm tiền trăm nghìn là chuyện thường”.

 

Chùa Lưu Ly nằm trên một ngọn đồi sát ngay nhà của Lĩnh, trước đây chùa này vắng ngắt vắng ngơ nhưng từ mấy tháng nay người đi lễ đông nghịt. Con đường lên chùa mấy hôm nay đã được gia đình Lĩnh cho người thuê làm lại. Trên bàn thờ nghi ngút khói hương đã có dán thêm một tờ giấy viết vội về cách hướng dẫn khi dùng thuốc của “thầy Lĩnh” và một hòm công đức đặt ngay bên cạnh.

 

Ông Nguyễn Văn Hạnh (người trông chùa) cho biết: “Thật may mắn là Đức Mẹ (?) đã chọn Lĩnh để ứng vào, trước đây Mẹ (Lĩnh) thường hay lên đây chơi nên bây giờ trước khi lấy thuốc từ nhà Mẹ thì khách phải lên đây trình bày bệnh trước đã. Thuốc của thầy có thể chữa được tất cả các loại bệnh trên đời này”.

 

Không biết những lời ông Hạnh nói đúng đến mức nào nhưng bà Nguyễn Thị Đường xã Hậu Lộc - huyện Can Lộc (người đã khám bệnh và uống thuốc của thầy Lĩnh) thì khiếp đảm nói: “Tôi bị bệnh đau xương chữa mãi không khỏi, cũng vì theo tin đồn thổi nên đã đến khám và lấy thuốc nhưng càng uống thứ lá quái quỷ đó xương lại càng đau”.

 

Còn bà Trần Thị Tân ở xã Kỳ Thịnh, huyện Kỳ Anh thì bức xúc: “Tôi lặn lội gần 100km cùng chiếc chân què ra lấy thuốc về uống nhưng chẳng thấy đỡ chút nào cả. Đúng là tiền mất tật mang”.

 

“Thầy lang” 9 tuổi chữa bách bệnh (!?) - 1

Quanh nhà "thầy lang nhí", các loại dịch vụ mọc lên như nấm.

 

Để biết cách thức khám bệnh của “thầy”, chúng tôi tiếp tục quay trở lại nhà Lĩnh. Vừa bước vào cửu thì chị Thân Thị Cơ (mẹ đẻ của Lĩnh) thông báo: “Các chú chịu khó ngồi chờ bởi Mẹ vừa mới đi học xong. Thuốc thì có sẵn đó nhưng nếu Mẹ không sờ vào người và thuốc thì coi như không có công hiệu”.

 

17 giờ 15, Lĩnh đi học về. Vứt xe vào xó nhà, Lĩnh mở cặp lấy cuốn sách Âm nhạc ra ngồi đọc lầm rầm ở bậc cửa. Thấy Lĩnh về, mọi người vội vàng xô đẩy, chen lấn với hy vọng mình sớm đến lượt.

 

Ông Lê Đình Huệ (75 tuổi ở xã Kỳ Lâm, huyện Kỳ Anh) được mấy người con đi theo giúp sức, cố gắng lắm mới lách khỏi đám đông chen lên phía trước. Ông Huệ phục lạy dưới chân Lĩnh run run thưa: “Lạy Mẹ! Con lặn lội đường xa đến đây mong Mẹ rủ lòng từ bi chữa lành bệnh đau cột sống cho con”.

 

Lĩnh trừng mắt trông thật dữ tợn, đáp nhát gừng: “Rứa à” và giơ tay sờ vào vai ông Huệ rồi phán: “Xong!”. Mấy người nhà của Lĩnh đứng chờ ở bên chỉ chờ có vậy vội vàng dúi vào tay ông Huệ hai gói thuốc lá gói sẵn trong bao ni lông và dặn qua quýt: “Về nhà nhớ bỏ vào nồi và cho nước lạnh vào đun sôi, khoảnh 5 phút là được. Trong nhà nếu ai có bệnh đều uống được cả. Lành tất!”.

 

Ông Huệ còn đang ngơ ngác, định hỏi thì bỗng nhiên Lĩnh trừng mắt quát to: “Câm ngay!”. Ônh Huệ và những người đứng xung quanh được một phen khiếp vía. Từ đó trở đi chẳng ai còn dám hỏi câu gì nữa, chỉ vào lấy thuốc và cúi đầu len lén bước ra.

 

Nhà trường và chính quyền làm ngơ?

 

Cô giáo Thân Thị Quỳnh Nga - Hiệu phó Trường học Tiểu học Sơn Lộc (nơi Lĩnh đang hoc) - cho biết: “Từ trước đến nay Lĩnh là một học sinh bình thường, học lực thuộc loại trung bình. Từ khi có chuyện này xảy ra, Lĩnh hay nghỉ học, nhiều hôm nhiều người còn đến tận lớp xin đem Lĩnh về nhà để khám bệnh”.

 

Khi chúng tôi hỏi ý kiến của nhà trường về chuyện này, cô Nga cho rằng: “Khi đến trường Lĩnh chẳng có biểu hiện gì khác thường cả. Mặc dù là người sống ở địa phương nhưng tôi không biết rõ về chuyện này, nhà trường chỉ quản lý và theo dõi em Lĩnh về chuyện học tập. Còn các anh muốn biết chuyện đó thì đến gia đình mà hỏi”.

 

Tuy nhiên, khi nói chuyện với chúng tôi, em Lĩnh luôn có những biểu hiện rất khác thường như hay dùng những từ khó hiểu, gọi ngang tên người lớn tuổi và tự nhận mình là Mẹ. Lĩnh kể: “Từ hồi tháng 2, tự nhiên tui thấy Mẹ hiện về và bày cho tui cách chữa bệnh, thế là tui nói lại cho mẹ tui. Nhưng những lá thuốc mà mẹ và bà đưa về nhà tui chẳng biết là thứ gì cả và tui cũng không nhủ họ lấy thứ đó”.

 

“Từ hồi đó đến nay tui vất vả hơn vì ban ngày phải khám cho rất nhiều người còn đêm về lại phải đọc kinh đến 22 giờ mới đi ngủ. Mà hỏi chi lắm rứa, bên đó hỏi tui thì tui biết hỏi ai” - nói xong Lĩnh chạy tọt vào lớp.

 

Khi đến UBND xã Sơn Lộc, mặc dù đang trong giờ làm việc nhưng toàn bộ lãnh đạo đều đi vắng. Phóng viên liên lạc qua điện thoại với ông Phan Bá Vị - Phó Chủ tịch xã (phụ trách văn hoá) thì được biết ông đang bận, không tiếp báo chí được.

 

Thay mặt UBND xã, ông Thân Văn Quốc, cán bộ văn hoá xã cho hay: “Chúng tôi thấy đây là trò mê tín dị đoan, nên ngay từ đầu đã mời chị Cơ và ông Hạnh (người coi chùa) lên quán triệt là không được tự ý khám bệnh, bán thuốc và tuyên truyền mê tín dị đoan nhưng họ vẫn không chịu nghe. Hơn nữa, xã cũng không thể cấm những người từ nơi khác về đây khám bệnh và lấy thuốc được”.

 

Mỗi ngày vẫn có hàng ngàn người tìm đến đây lấy thuốc, các dịch vụ mọc lên càng nhiều. Thiết nghĩ đã đến lúc chính quyền huyện Can Lộc phải vào cuộc để chấm dứt tình trạng này.

 

Theo Hà Vy - Văn Tuấn

VietNamnet