Nghệ An:
Thầy giáo già hiến 12.000m2 đất xây trường học
(Dân trí) - Đó là thầy Lê Công Diễn (73 tuổi) ở xóm Đô Lương, xã Tân An, huyện Tân Kỳ (Nghệ An). Thầy Diễn lý giải giản đơn cho hành động của mình: “Sống là phải biết cống hiến”.
Sống là phải biết cống hiến
Năm nay bước sang tuổi 73 nhưng trông thầy vẫn mạnh khoẻ, da dẻ hồng hào. Hơn 30 năm công tác trong ngành giáo dục, thầy Diễn rất hiểu nỗi khó khăn của công tác giảng dạy.
sinh thầy chăm sóc cây cảnh để cho thoải mái tâm can, thầy bảo chăm sóc cây
cảnh cũng như chăm sóc con người vậy, phải giáo dục từ nhỏ đến lớn (Ảnh Nguyễn Phê)
Năm 1960, rời chiếc ghế hiệu trưởng đầu tiên của trường THPT chuyên Lê Hồng Phong ở Nam Định, thầy bước vào hàng quân ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Sau ngày giải phóng đất nước, mang trên mình những vết thương chiến tranh nhưng thầy chưa muốn an hưởng tuổi già mà muốn tiếp tục nghề dạy học.
Với thầy Diễn, sống là phải biết cống hiến một cái gì đó cho xã hội, cho con người và cho tương lai; đừng bao giờ băn khoăn xã hội đã làm được gì cho mình. Từ tâm niệm đó, năm 1995, thầy Diễn đã quyết định hiến 5.000m2 đất của gia đình cho trường THCS Tân An (huyện Tân Kỳ) để xây dựng phòng học.
Năm 2007, khi ngôi trường đã được mở mang khá hoàn chỉnh, lớp học cũng tương đối đầy đủ… thầy vẫn chưa thấy vui vì thầy hàng ngày phải chứng kiến lớp học sinh không có nơi vui chơi giải trí. Và thầy Diễn đi đến quyết định tiếp tục hiến thêm 7.000m2 đất để làm khu vui chơi cho các em học sinh phía sau trường.
vợ chồng thầy Diễn đã hiến cho trường (Ảnh: Nguyễn Phê)
thầy hiến cho trường THCS Tân An năm 2007 (Ảnh Nguyễn Phê)
Thầy Diễn chia sẻ: “Tôi cũng nghe người ta xì xầm nhiều là mình “hâm” nhưng không sao, họ nói cũng có cái lý của họ. Nhưng tôi đành “hâm” để lo cho thế hệ tương lai của đất nước.Cái quan trọng bây giờ là sự nghiệp trồng người”.
Bà Chu Thị Hoa (vợ thầy Diễn) tâm sự: “Nói thật với chú tôi cũng là một công chức lâm trường về hưu, nên việc làm của chồng tôi đều ủng hộ, không toan tính dẫu biết đó là của cải quý báu. Nhưng cái quý nhất vẫn là làm sao một người vì mọi người, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, làm cho ngôi trường được khang trang là vợ chồng tôi cũng mãn nguyện lăm rồi…”.
Không chỉ hiến đất mà toàn bộ hơn 1.000 gốc cây từ 4 - 5 năm tuổi như: vải, nhãn, mơ, hồng xiêm… hàng năm có thể đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng, nằm trên mảnh đất đó vợ chồng thầy cũng không lấy một đồng tiền đền bù.
Thầy giáo già nặng lòng với học trò
Giờ đây, thầy không trực tiếp tham gia giảng dạy nhưng trong tâm niệm luôn trăn trở: “Mình không còn dạy học trò nữa thì phải giúp học trò luôn có được một môi trường học tập thật tốt. Là người giáo viên phải luôn gần gũi với học trò, còn một cán bộ thì luôn luôn phải sát với dân… lúc đó mới có thể hiểu được người ta cần gì để đáp ứng”.
Luôn mang trong mình những quan điểm đó, trong khu vườn của mình, thầy cho xây dựng một phòng học có sức chứa khoảng trên 100 học sinh dành làm nơi để các thầy cô giáo của Trường THPT Tân Kỳ 2 và trường THCS Tân An có chỗ để dạy thêm cho học sinh ngoài giờ học trên lớp. Ngoài ra, bản thân thầy cũng tham gia giảng dạy miễn phí cho hàng trăm em học sinh trong và ngoài xã.
Thầy Nguyễn Xuân Nam, Phó hiệu trưởng trường THCS Tân An cho biết: “Trường chúng tôi đang phấn đấu xây dựng thành trường chuẩn quốc gia. Trước đây, trăn trở rất nhiều vì khuôn viên của trường chưa đủ để làm trường chuẩn, thì rất may thầy Diễn là người có tâm huyết với giáo dục đã tặng cho trường đất để xây dựng. Tập thể cán bộ giáo viên, học sinh của trường cũng như người dân Tân An đều rất biết ơn thầy”.
Với số diện tích đất trên, nhà trường đã xây dựng thêm những dãy phòng học khang trang, phòng công vụ cho giáo viên, làm sân vận động cho các em rèn luyện và vui chơi thể thao. Ngoài ra, nhà trường còn tận dụng lại một phần diện tích cây cối trên đó để làm vườn sinh học cho học sinh thực hành.
Ở vào cái tuổi xế chiều, nhưng thầy Lê Công Diễn vẫn đang theo học lớp sinh học thực nghiệm ở Viện sinh học Trung Ương. Thầy bảo: “Giờ đây cũng đã già, sau khi học xong lớp học này tôi sẽ hướng dẫn những người cao tuổi trong làng, xã làm kinh tế hộ để kiếm thêm đôi đồng nuôi con ăn học”.
Giờ đây niềm vui đối với thầy Diễn và gia đình là hàng ngày được nhìn thấy lũ trẻ tung tăng đến trường và lớp thanh niên trong làng có chỗ vui chơi thể thao để không còn sa vào các tệ nạn xã hội… Nhìn ngôi trường khang trang rộng rãi, thầy Diễn hy vọng từ mái trường này ngày càng có nhiều em học sinh trưởng thành và trở về xây dựng quê hương giàu đẹp.
Nguyễn Phê - Duy Tuyên