Thay đổi ở huyện thuộc diện nghèo nhất nước

Năm 2014, huyện Mường Lát (một địa danh nổi tiếng trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng) không còn đề nghị cứu đói từ Trung ương. Một trong những huyện nghèo nhất cả nước đã có những thay đổi rõ rệt.

Với gia đình anh Hà Văn Hòa, con bò giống
là một sinh kế mới.

Với gia đình anh Hà Văn Hòa, con bò giống là một sinh kế mới.

Chỉ 2 năm trước đây, người ta muốn đến bản Poọng (Tam Chung, Mường Lát, Thanh Hóa) thì chỉ có thể đi bằng xe máy hoặc đi bộ. Con đường từ trung tâm huyện Mường Lát đến bản chỉ khoảng 7km, nhưng đi xe máy cũng mất hơn 1 giờ đồng hồ nếu trời khô ráo. Còn trời mưa thì chịu vì lầy lội. Không có điện lưới, người nghiện đầy xóm, và người lớn trẻ con vẫn còn tắm ở suối nước bên đường. Không chỉ cái nghèo đeo đuổi người dân bản Poọng. Ma túy, lạc hậu, bệnh tật cũng bám riết người dân. Đã có thời gian bản Poọng được gọi một cái tên khá sốc “bản Sida” vì tỷ lệ người nhiễm HIV quá cao.

Bây giờ, con đường lầy lội vào bản đã được rải đá cấp phối, ô tô có thể vào bản. Những căn nhà lúp xúp trước đã được thay mới bằng sự trợ giúp của Chương trình 30A của Chính phủ, doanh nghiệp với những đồng bào còn nhiều khó khăn. Trước đây, nhà cửa ở bản Poọng hoàn toàn là tranh tre nứa lá và chưa có điện lưới quốc gia. Cùng với việc Chính phủ đưa điện đến với bản nghèo, Viettel cũng đầu tư hỗ trợ các hộ nghèo theo chương trình 30A để giúp người dân cải thiện cuộc sống bền vững. Theo đó, 30 hộ nghèo tại đây được hỗ trợ tiền sửa nhà.

Ông Hoàng Thanh Tâm - trưởng bản Poọng, xã Tam Chung cho biết, đến nay, 17 hộ đã thoát nghèo, có nhà cửa chắc chắn. Từ khi nhà cửa được sửa chữa vững chãi bà con phấn khởi, đua nhau làm kinh tế, quyết tâm thoát cái nghèo, cái đói.

Bên cạnh việc được hỗ trợ sửa chữa nhà ở, xóa nhà tranh tre nứa lá, những hộ đặc biệt nghèo còn được tặng bò giống lai Sind giúp họ có sinh kế mới. Tính đến tháng 4/2015, tổng số bò mà Viettel hỗ trợ bà con Mường Lát là 352 con (52 con hỗ trợ theo chương trình 30A, 250 con theo Chương trình Bò giống giúp người nghèo biên giới).

Gia đình anh Hà Văn Hòa (39 tuổi) bản Poọng là một trong những hộ được hỗ trợ bò giống lai Sind vào tháng 11/2014. Trước đây gia đình anh (5 khẩu) còn có ruộng để trồng trọt, nhưng sau trận lũ cuốn vài năm trước đã mất trắng. Vợ anh ốm bệnh lâu năm, người cứ béo bệu ra mà không làm được việc gì nặng. Hồi đầu có tiền còn chạy chữa thuốc men, rồi sau thì chỉ làm vài nắm lá uống cho qua ngày.

“Từ hồi có bò, gia đình tôi ai cũng vui. Ai cũng thích chăm bò”, anh Hòa chia sẻ. Anh cho biết trước khi nhận bò, anh làm riêng khu chuồng trại theo hướng dẫn của “cán bộ” công ty viễn thông. Cái gì anh cũng nhất nhất nghe theo, duy chỉ có số đeo tai của bò thì anh tháo ra cất đi vì “sợ nó đau tai”. Với gia đình anh, con bò bây giờ là tài sản lớn nhất.

Với gia đình anh Hà Văn Hòa, con bò giống
là một sinh kế mới.

Trước đây, đường vào bản Poọng thường lầy lội và khó đi, nhưng giờ đã khác. Con đường được rải đá khiến việc đi lại của bà con dễ dàng hơn.

Và tại bản Poọng, anh Hoà không phải là người duy nhất hào hứng và phấn khởi với sinh kế mới. Khi chúng tôi đến thăm một gia đình được nhận hỗ trợ ở bản Poọng (nhà ông Vi Văn Én, 62 tuổi), niềm vui hiện rõ khi hỏi về… con bò. “Cô chú muốn xem bò giống nhà tôi hả. Đợi tôi lát nhé!”. Nói rồi, ông thoăn thoắt chạy qua mấy bờ ruộng…

“Từ hôm nhận bò giống tới giờ, tôi thấy người khỏe hơn hẳn,hàng ngàyđi tìm lá sắn, lá duối, rồi cắt cỏ và nấu cám cho bò. Vùng này mà được trao con bò giốngnhư tôi là mơ ước của nhiều người lắm. Cứ bốc thăm là nhận bò theo mã số đeo trên tai nó thôi. Vui thật là vui chú ơi!”, ông Én tươi tỉnh.

Ở một xã nghèo vùng cao, việc các hộ nghèo hăng say và hào hứng nuôi bò, trồng trọt nhìn tưởng không có gì đặc biệt. Thế nhưng, với một địa danh nổi tiếng về tệ nạn ma tuý, HIV (bị gắn tên bản Siđa) thì đây là một bước thay đổi rất lớn. Họ đã thực sự mong muốn thoát nghèo bằng chính đôi tay của mình chứ không chờ chờ cứu đói từ Chính phủ như trước đây nữa. Bản Poọng bây giờ không chỉ “sạch bóng” con nghiện, mà chỉ có 1 người nghiện ở nơi khác đến gần, mọi người cũng cảnh giác.

Thực tế, không chỉ giúp bà con dựng nhà cửa chắc chắn, đem đến một số hộ nghèo sinh kế với bò lai Sind, chương trình 30A mà Viettel thực hiện tại Mường Lát còn giúp bà con thay đổi tập quán canh tác.

Từ bao đời nay, người dân vùng cao chủ yếu dựa vào thiên nhiên, giờ chuyển sang canh tác trồng trọt hai vụ/năm, biết trồng và chăm sóc lúa lai. Việc hỗ trợ 22 tấn giống ngô lai, 23 tấn giống lúa lai, lúa thuần không đơn thuần là vật chất về giống. Hỗ trợ kèm theo tư vấn trồng trọt giúp người dân nơi đây dần thay đổi nhận thức, thi nhau làm kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững.

Trước đây, người ta chỉ thấy bản Poọng với những khoang màu xám thì giờ đã thấy những mảng màu sáng nhờ người dân đua nhau làm kinh tế, chăn nuôi, trồng trọt và tìm sinh kế thoát nghèo, thoát nạn ma tuý…

Nguyễn Hòa