1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

“Thắt” tiền chi mua ô tô, điều hòa để giảm lạm phát

(Dân trí) - Đề ra mục tiêu tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên của 9 tháng còn lại trong dự toán năm 2011, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu tạm dừng trang bị mới ô tô, điều hòa… của các đơn vị thụ hưởng ngân sách và tiền rót cho khối DNNN.

Lãnh đạo Chính phủ đã yêu cầu thực hiện ngay những giải pháp thiết thực nhất nhằm kiềm chế lạm phát trong giao ban trực tuyến toàn quốc do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì hôm nay, 24/2.
 
“Thắt” tiền chi mua ô tô, điều hòa để giảm lạm phát - 1
Các khoản chi đầu tư sẽ được giám sát chặt chẽ.

Việc triển khai Nghị quyết của Chính phủ về các giải pháp tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội đối mặt với không ít khó khăn khi việc tăng giá nhiều mặt hàng chủ chốt là việc bất khả kháng. Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh phân trần nhiều nỗi “khó”: buộc phải tăng giá điện từ ngày 1/3 tới, tăng giá xăng lên gần 3.000đ/lít sáng nay.

Ông Ninh làm phép tính, nếu không tăng giá, năm 2011 ngành điện sẽ lỗ tiếp 29,5 ngàn tỷ đồng sau khi đã bị lỗ tổng cộng 28 ngàn tỷ đồng trong năm 2010. Nền kinh tế sẽ không thể chịu đựng nổi số lỗ lớn như vậy.

“Đến thời điểm này, nếu muốn cắt lỗ, giá bán điện sẽ phải tăng tới 668 đồng/kWh, tức là tăng thêm 62% so với hiện nay. Tuy nhiên, để không gây “sốc” cho nền kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội, giá điện tăng như vậy là chưa tới 1/3 mức đó. Để giữ giá như thế, Nhà nước phải chấp nhận lùi chi phí khấu hao, lùi giá bán than cho ngành điện, tạm thời không thu phí bảo vệ môi trường và khoanh lỗ cũ để xử lý dần. Ngành điện cũng phải chấp nhận không có lãi” - Bộ trưởng Tài chính giải thích.

Tương tự việc tăng giá xăng lên mức 19.300 đồng/lít từ 10 giờ sáng 24/2 cũng là do tất cả các nguồn lực không thể gánh tiếp mức lỗ “khủng” đang đội lên từng ngày.

Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu tất cả các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo, điều hành về tiền tệ và tài khóa, nhất định kiểm soát chặt chẽ để “khuôn” tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2011 dưới 20%; tổng phương tiện thanh toán vào khoảng 15 - 16%. Vốn tín dụng sẽ được ưu tiên phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh; nông nghiệp, nông thôn; xuất khẩu; công nghiệp hỗ trợ; doanh nghịêp nhỏ và vừa. Giảm tốc độ và tỷ trọng vay vốn của khu vực phi sản xuất, nhất là lĩnh vực bất động sản và chứng khoán.

Vấn đề tỷ giá và thị trường ngoại hối, ông Hùng khẳng định sẽ điều hành linh hoạt để củng cố lòng tin của người dân vào đồng nội tệ. Phó Thủ tướng cũng “trấn an”: cân đối ngoại tệ hiện vẫn có số dư, hoàn toàn có thể bảo đảm thanh khoản, bình ổn tỷ giá, đáp ứng yêu cầu ổn định, phát triển sản xuất kinh doanh và tăng dự trữ ngoại hối.

Chính phủ cũng tự đề ra những chỉ tiêu cao như phấn đấu tăng thu ngân sách 7-8% so với dự toán năm 2011 đã được QH thông qua; sắp xếp lại các nhiệm vụ chi để tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên của 9 tháng còn lại trong dự toán năm 2011. Chỉ tiêu giảm bội chi ngân sách được đặt ra mức xuống dưới 5% GDP (thấp hơn cả mục tiêu đã được QH thông qua là dưới 5,3%); giám sát chặt chẽ việc vay, trả nợ nước ngoài của các doanh nghiệp, nhất là vay ngắn hạn…

Việc tiết giảm chi tiêu sẽ nhắm vào các đơn vị thụ hưởng ngân sách và các doanh nghiệp nhà nước, không “lạm” đến khoản chi lương, chế độ chính sách mà tiết kiệm chi thường xuyên cũng nhằm tạo nguồn cải cách tiền lương theo kế hoạch.

Phó Thủ tướng chỉ rõ: “Sẽ tạm dừng trang bị mới xe ô tô, điều hòa nhiệt độ, thiết bị văn phòng; giảm tối đa chi phí điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm, không bố trí kinh phí cho những việc chưa thật sự cấp bách… Không bổ sung ngân sách ngoài dự toán trừ các trường hợp hết sức đặc biệt đã được quy định rõ và tiến tới chấm dứt việc tạm ứng vốn ngân sách cho các địa phương”.

P.Thảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm