1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Thật - giả những phiên đấu giá tài sản công

Lâu nay, người ta không ngớt bàn ra tán vào về những cuộc bán đấu giá các tài sản tịch thu sung công quĩ nhà nước. Nào là đấu giá “chân gỗ”, đấu giá “ép buộc” hoặc dàn xếp theo kiểu... xã hội đen. Chúng tôi đã theo chân những người chuyên đi đấu giá để tìm hiểu thực hư.

Giả trong hội trường

 

Chiều 4/1/2007, tại hội trường Sở Tài chính TPHCM diễn ra cuộc bán đấu giá chín lô hàng gồm xe gắn máy, điện thoại di động, kim khí điện máy... Có 39 doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể được xét chọn tham gia đấu giá các lô hàng này.

 

Có mặt cùng anh B. - hộ kinh doanh cá thể chuyên mua bán hàng đấu giá ở Q.Tân Phú, TPHCM - chúng tôi vào phòng đấu giá với số thứ tự 18. Mặc dù chỉ có 39 đơn vị đấu giá nhưng dưới hội trường có khoảng 50 người vào dự.

 

Ở phía trên là hội đồng bán đấu giá cùng với danh sách các đơn vị tham gia đấu giá và bảng đồng hồ điện tử để tính thời gian các vòng đấu giá. Sau khi thông báo thành phần tham dự và qui chế bán đấu giá, chủ tịch hội đồng bán đấu giá tuyên bố đấu giá lô hàng đầu tiên gồm 353 xe gắn máy hai bánh các loại, với mức giá khởi điểm là 678 triệu đồng.

 

Trong vòng ba phút, 23 đơn vị tham gia đấu giá lô hàng này phải đưa ra mức giá “đấu” của mình, ai cao nhất sẽ thắng. Vòng một, một doanh nghiệp đưa ra mức giá khởi điểm 678 triệu đồng, lập tức doanh nghiệp khác “đấu” lên 685 triệu đồng và doanh nghiệp số 8 nâng mức 692 triệu đồng.

 

Vào vòng hai, ngay sau khi chủ tịch hội đồng bán đấu giá tuyên bố bắt đầu, đại diện các doanh nghiệp nhìn nhau... im lặng. Cuối cùng, hai doanh nghiệp trước xin bỏ không “đấu” lên nữa và phần thắng tất nhiên thuộc về doanh nghiệp số 8 có mức “đấu” cao nhất ở vòng một là 692 triệu đồng. “Lô hàng này đã có dàn xếp trước rồi nên mới diễn ra nhanh chóng như vậy!” - anh B. nói nhỏ với chúng tôi.

 

Lô hàng thứ hai là hàng bách hóa cũng diễn ra tương tự. Chúng tôi thấy các doanh nghiệp gật gù, đắc ý, thậm chí nói “kiếm chút tiền về xe”.

 

Tuy nhiên, lô hàng thứ ba gồm một bồn tròn, một bồn vuông và sáu phuy bằng sắt thì khác. Giá khởi điểm của lô hàng này là 8 triệu đồng, các doanh nghiệp “đấu” hơn nhau từ 100.000 -500.000 đồng.

 

Họ cứ thế “đuổi” nhau đến vòng thứ sáu mới kết thúc, với phần thắng thuộc về doanh nghiệp “đấu” lên mức 14 triệu đồng. “Lô hàng này họ đấu thật nên mới có mức giá cao và qua nhiều vòng như vậy” - anh B. nói. “Nhưng làm sao biết họ đấu thật hay đấu giả?” - chúng tôi hỏi. Anh B. nói: “Tí nữa đi theo tôi sẽ biết”.

 

Thật ở quán ăn

 

Ngay sau khi kết thúc cuộc đấu giá, chúng tôi thấy các doanh nghiệp ra ngoài hội trường thầm thì to nhỏ với nhau; có một số đại diện doanh nghiệp là phụ nữ xé tờ giấy mời tham gia đấu giá làm bốn mảnh nhỏ rồi đưa cho mỗi người một mảnh... Họ hẹn gặp nhau ở một quán ăn nằm trên đường Ba Tháng Hai (quận 10) để “đấu” lại lô xe gắn máy hai bánh nói trên, mà họ gọi là “đấu giá nội bộ”.

 

Lúc này cũng đầy đủ 23 khuôn mặt đã tham gia đấu giá chính thức trước đó, mỗi người tự ghi một mức giá của mình nhưng phải luôn cao hơn mức giá đã trúng chính thức. Một doanh nghiệp đứng ra “ôm” luôn 10% thuế (khoảng 69 triệu đồng) nên trị giá lô hàng lúc này, theo tính toán của các doanh nghiệp, đã sát với giá thị trường, do đó phần thắng thuộc về doanh nghiệp này.

 

Theo anh B., với kiểu đấu giá dàn xếp, thỏa thuận để mỗi người “kiếm chút đỉnh” nêu trên, Nhà nước thất thu số tiền không nhỏ từ các cuộc bán đấu giá. Nếu đấu giá công khai thì trị giá lô hàng có thể cao hơn nhiều lần...

 

Đấu giá kiểu xã hội đen

 

Sáng 28/12/2006, ông Huỳnh Văn Bé Năm - chủ doanh nghiệp tư nhân Năm Trung Lương ở Mỹ Tho (Tiền Giang) - lên UBND quận Phú Nhuận, TPHCM để tham gia đấu giá ba lô xe gắn máy.

 

Ông Năm kể lúc chuẩn bị vào đấu giá thì có Đặng Quốc Tuấn (tự Vân “dòm”, ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) cùng một số “đàn em” khác đến bảo ông: “Không được đấu giá lên để anh em ra ngoài kiếm sống”. Là người chuyên đi đấu giá thật để mua hàng về bán lại kiếm chút lời, ông Năm không đồng ý với đề nghị này.

 

Do không dàn xếp được với ông Năm cũng như một số doanh nghiệp “đấu” thật khác nên kết quả cuối cùng bạn của ông Năm đã trúng lô hàng thứ ba (90 xe gắn máy) với giá 272 triệu đồng (mức giá khởi điểm của lô hàng này chỉ 175 triệu đồng).

 

Ngay khi vừa bước ra khỏi phòng đấu giá, Tuấn cùng khoảng bốn đàn em ùa lại vây quanh ông Năm và bạn của ông, lớn tiếng: “Mày trúng lô xe đấu giá mà không chịu thương lượng thì phải chi tiền cho anh em tao”.

 

Ông Năm không chịu, nói: “Tôi đi đấu giá mà làm gì phải chi tiền cho các anh”. Lập tức, một đàn em của Tuấn dang tay đánh thẳng vào mặt ông Năm làm gãy hàm răng và rách cả môi. Khi thấy nhiều người xung quanh đó chạy ra, chúng mới bỏ đi và hăm dọa sẽ đâm chết ông Năm.

 

Anh B. cho biết hầu hết các phiên đấu giá đều “nhẵn mặt” các đối tượng chuyên đi dàn xếp như băng của Đặng Quốc Tuấn. Nếu đồng ý thì khi phát lên một mức giá nào đó, thường chỉ nhỉnh hơn giá khởi điểm vài ba triệu, những kẻ trong băng nhóm này (sau khi đã dàn xếp với nhiều khách hàng khác) sẽ... im lặng, không “đấu” lên nữa để anh B. thắng. Anh B. phải “thưởng công” cho chúng tùy theo giá trị lô hàng.

 

Nếu không đồng ý thì chúng khống chế, sẵn sàng ra tay đánh đập theo kiểu xã hội đen. Thông thường, sau khi dàn xếp thắng một lô hàng nào đó với giá hời, các đối tượng này lại đứng ra tổ chức “đấu giá nội bộ” với mức giá trúng cao hơn.

 

“Chúng tôi muốn đấu giá làm sao cho giá trị lô hàng trúng sát với giá thị trường nhưng ai bảo vệ chúng tôi?” - anh B. tâm sự. Các đơn vị tổ chức bán đấu giá cho rằng đó là những chuyện “bên ngoài” phòng đấu giá, không thuộc thẩm quyền nên không thể can thiệp. Còn lực lượng công an thì hầu như không bao giờ có mặt tại các phiên bán đấu giá.         

 

Theo Võ Hồng Quỳnh
Tuổi Trẻ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm