Quảng Nam:
Thấp thỏm lo làng trôi sông
(Dân trí) - Mỗi năm, dòng nước lũ hung dữ sông Thu Bồn lại ăn vào làng hàng chục mét. Trước đây làng là một bãi bồi phù sa, trù phú giờ đây không biết khi nào sông “ăn” mất làng, người dân thấp thỏm lo lắng làng sẽ trôi sông.
Theo chân ông Nguyễn Văn Ngạnh (79 tuổi) ra bờ sông Thu Bồn ở làng Giao Thủy (xã Đại Hòa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) chỉ những bụi tre đã nằm giữa sông, ông cho biết từ những năm 1988-1989, làng Giao Thủy này ở giữa sông Thu Bồn, bờ sông hiện giờ trước đây cách cả trăm mét, qua nhiều cơn lũ lịch sử, bờ sông hiện chỉ cách nhà dân chỉ vài chục mét. Gần 2 trăm hộ dân ở đây không biết trôi xuống sông bất cứ lúc nào.
Sự lo lắng của ông Ngạnh cũng như những hộ dân khác ở làng Giao Thủy này khi mỗi năm, sông ăn sâu vào làng hàng chục mét. Nhà của bà Lê Thị Bấc (59 tuổi) hiện chỉ còn cách bờ sông khoảng 20m. Bà Bấc cho biết, trước đây nhà bà cách bờ sộng Thu Bồn cả trăm mét, qua nhiều trận lụt lịch sử, đất đai, vườn tược đã trôi hết xuống sông. Giờ mỗi khi nghe mưa lớn là ngủ không yên…
“Sạt lở kiểu này chắc sau vài trận lũ nữa cũng chẳng còn nhà mà ở. Người dân chúng tôi đã nhiều lần đề nghị, mong nhà nước xây kè giữ làng để cho dân yên tâm”, bà Lê Thị Bấc nói.
Sự lo lắng của người dân Giao Thủy ngày càng rõ ràng khi hàng tre ven sông bảo vệ cho làng cũng bị “thất thủ”, dòng sông đã nuốt chửng trong cơn lũ lịch sử vào đầu tháng 11 vừa qua, những nơi từng là đất sản xuất của người dân thì nay trở thành lòng sông sâu hoắm, tạo nên những bờ vực cao 4-5 mét.
Ông Huỳnh Văn Cát – một người dân ở đây cho biết, trước đây Giao Thủy là một ngôi làng trù phú. Khu dân cư cách bờ sông Thu Bồn cả km với một bãi đất phì nhiêu hơn170ha và một bãi sùi mênh mông xanh tốt, đây là vành đai giữ đất giữ làng. Bây giờ làng Giao Thủy xơ xác, khu dân cư nằm chơ vơ bên bờ sông Thu Bồn lở lói, bãi sùi giữ đất “lặng lẽ” ra đi.
Sạt lở nặng ở bờ sông Thu Bồn làng Giao Thủy (Đại Hòa, Đại Lộc, Quảng Nam)
Theo người dân Giao Thủy, nguyên nhân đầu tiên làng bị xói lở là do những năm 1988-1989, làng có một bãi bói để bảo vệ đất và làng, sau này khi địa phương cho phá bãi bói này lấy đất sản xuất thì đất của làng bắt đầu lở. Mỗi năm làng bị mất cả chục ha đất và đến cơn lũ vừa qua, làng Giao Thủy này cũng bị xói lở nghiêm trọng.
Không phải đến bây giờ, chuyện sạt lở ở làng Giao Thủy đã được cảnh báo từ nhiều năm trước. Sau những cơn lũ của các năm 1999, 2009, lần lượt đất sản xuất nông nghiệp rồi đến nhà cửa của người dân bị sông nhấn chìm. Rất nhiều hộ dân ở làng Giao Thủy buộc phải di dời đến nơi khác sinh sống vì “hà bá” uy hiếp.
Từ một làng chuyên về sản xuất hoa màu thì nay người dân phải tìm nhiều nghề khác nhau để sinh sống, bởi đất đai đã bị cuốn trôi gần hết.
Người dân Giao Thủy lo lắng với tốc độ xói lở như vừa rồi, chẳng bao lâu nữa sẽ không còn ngôi làng trú phú mà hàng trăm hộ dân đã gắn bó lâu đời ở mảnh đất này.
Bà Nguyễn Thị Thuận – Chủ tịch xã Đại Hòa – cho biết, từ trận lụt năm 1988-1989, làng Giao Thủy đã sạt lở 150ha đất xản xuất. Từ năm 1998 đến nay, mỗi trận lụt làng đều bị sạt lở hàng chục ha. Địa phương cũng đã nhận được nhiều ý kiến cử tri về việc làm kè để bảo vệ làng.
Bà Thuận cũng cho biết, năm 2011, Trung ương cũng đã phê duyệt dự án làm kè nhưng không có nguồn. Đến trận lụt đầu tháng 11 vừa qua, làng Giao Thủy sạt lở thêm vào 20m, kéo dài 100m.
Không riêng gì ở thôn Giao Thủy, trận lũ vừa qua cũng làm nhiều khu vực khác ở huyện Đại Lộc bị sạt lở. Theo thống kê của ngành nông nghiệp huyện Đại Lộc, tình trạng sạt lở bờ sông Vu Gia, Thu Bồn trên địa bàn huyện xảy ra rất nghiêm trọng, làm xói lở, mất đất sản xuất, nhà cửa, đất ở của hàng trăm hộ dân sống tại các khu vực gần bờ sông.
Người dân Giao Thủy lo lắng về tình trạng sạt lở nghiêm trọng bờ sông
Như tại khu vực thôn Mỹ Hảo (xã Đại Phong) bị sạt lở hơn 600m, thôn Đại Phú (xã Đại Nghĩa) bị sạt lở hơn 100m, tại khu vực thôn Đông Phước (xã Đại Hồng) sạt lở 300m, tại khu Ấp Bắc (xã Đại Minh) sạt lở hơn 500m…
Trao đổi với PV Dân trí, ông Hồ Ngọc Mẫn – Phó Chủ tịch huyện Đại Lộc – cho hay, sau đợt lũ vừa qua, huyện cũng đã tổng hợp các điểm sạt để kiến nghị các ngành chức năng của tỉnh giúp cho địa phương, nhất là việc xây kè để bảo vệ các khu vực sạt lở, đặc biệt là làng Giao Thủy.
Theo lãnh đạo huyện Đại Lộc, giải pháp trước mắt là huyện sẽ vận động người dân trồng tre chống sạt lở, tuy nhiên để đảm bảo an toàn lâu dài thì rất cần sự quan tâm bố trí vốn đầu tư xây dựng tuyến kè chống sạt lở của tỉnh và Trung ương.
Công Bính