Nghệ An:
Thắp đèn dầu sống cạnh... nhà máy thủy điện
(Dân trí) - "Huyện cũng rất muốn đưa điện vào cho người dân sử dụng nhưng tiền để xây dựng hệ thống đường dây truyền tải điện không có. Không có kinh phí nên cũng chưa biết bao giờ người dân mới có điện lưới sử dụng".
"Ốc đảo" Hữu Khuông
Từ thị trấn Hòa Bình, huyện Tương Dương men theo con đường chạy sát triền núi đi khoảng 20km, chúng tôi đến nhà máy thủy điện Bản Vẽ ở xã Yên Na. Nhà máy thủy điện lớn nhất khu vực Bắc Miền Trung nằm sừng sững ở lưng chừng núi. Tại bến Thượng Lưu (nằm cạnh nhà máy thủy điện Bản Vẽ) chúng tôi đi thuyền máy ngược theo dòng Nậm Nơn để đến xã Hữu Khuông. Thủy điện Bản Vẽ tích nước, nhiều cánh rừng, bản làng người dân ở trước đây đều chìm trong biển nước.
Sau 2 giờ đi thuyền, chúng tôi đến được bản Con Phen, bản nằm ở lừng chừng đồi. Con Phen là trung tâm của xã Hữu Khuông nhưng bản chỉ leo teo vài căn nhà, và một số công trình như trường học, trung tâm y tế, trụ sở UBND xã đang xây dựng dang dở. Người dân ở xã Hữu Khuông chủ yếu là người Thái, Mông, Khơ mú. Người dân ở đây sống theo kiểu tự cung tự cấp dựa vào việc làm nương rẫy, săn thú rừng, đánh bắt cá ở khu vực lòng hồ.
Chị Ốc Thị Phương, bản Con Phen, xã Hữu Khuông chia sẻ: "Đói thì lên rẫy trồng bắp, hái cây rừng hay xuống suối bắt cá về ăn. Ở đây không có đường, muốn đi ra trung tâm huyện hay đi các bản khác phải đi lại bằng thuyền, mỗi lần thuê thuyền họ lấy nhiều tiền lắm, mình không có tiền nên từ nhỏ tới giờ không đi mô cả, chỉ ở nhà thôi".
Ông Nguyễn Trọng Hưng, Chủ tịch UBND xã Hữu Khuông, huyện Tương Dương, cho biết: "Xã Hữu Khuông có 2.442 nhân khẩu, trong đó có tới 93,7% người dân thuộc hộ nghèo. Đời sống của ngươi dân rất khó khăn, tình trạng thiếu đói diễn ra thường xuyên. Hiện ở đây người dân chúng tôi đang phải sống trong tình trạng không có điện, không thông tin liên lạc, không đường giao thông. Người dân muốn đi đâu phải thuê thuyền, mỗi lần đi tốn cả mấy trăm ngàn nên hầu hết người dân quanh năm chủ yếu sống quanh quẩn trong bản".
Khát điện cạnh nhà máy
Qua tìm hiểu của chúng tôi thì không chỉ người dân xã Hữu Khuông phải chịu cảnh "khát điện cạnh nhà máy điện" mà người dân ở các xã Nhôn Mai, Mai Sơn (huyện Tương Dương) cũng chung tình trạng trên. Điều nghịch lý là để xây dựng thủy điện Bản Vẽ, người dân xã Nhôn Mai và Mai Sơn cũng bị thu hồi một phần diện tích đất ở, đất sản xuất. "Mong muốn được sử dụng điện của người dân là rất chính đáng. Thời gian tới bên công ty điện lực, các ngành chức năng cần quan tâm đến nguyện vọng thiết thực của người dân", ông Nguyễn Trọng Hưng, Chủ tịch UBND xã Hữu Khuông (huyện Tương Dương) tâm sự.
Nói về vấn đề này, một lãnh đạo huyện Tương Dương cho biết: "Huyện cũng rất muốn đưa điện vào cho người dân sử dụng nhưng tiền để xây dựng hệ thống đường dây truyền tải điện không có, không có kinh phí nên cũng chưa biết đến bao giờ người dân mới có điện lưới sử dụng".
18 xã chưa có điện lưới sử dụng Là tỉnh có hàng loại dự án xây dựng nhà máy thủy điện, trong đó có những nhà máy lớn đã hoàn thành và đi vào hoạt động như Bản Vẽ (320MW), Hủa Na (180MW) thế nhưng tính đến tháng 10/2013 toàn tỉnh Nghệ An có 270 thôn, bản, xóm thuộc địa bàn 58 xã chưa có điện lưới quốc gia. Trong đó có 18 xã hoàn toàn chưa có điện lưới quốc gia, gồm: huyện Kỳ Sơn có 11 xã, huyện Tương Dương có 3 xã, huyện Quế Phong có 1 xã, huyện Quỳ Châu có 3 xã. Tỷ lệ người dân được sử dụng điện trên toàn tỉnh đạt khoảng 90%. |
Nguyễn Duy - Ngọc Hiếu