1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Thanh tra Nhà nước đã nhiều lần “cứu" PMU18?

Trong khi tiến hành thanh tra một số dự án do PMU 18 quản lý, bằng chiêu thức biến dấu chấm (.) thành dấu phẩy (,) Thanh tra Nhà nước (nay là Thanh tra Chính phủ) đã cứu một số quan chức của PMU18 không dưới 2 lần. Nhờ sự "nhầm lẫn" đó, kết quả báo cáo giảm đi so với con số thực tới... 1.000 lần!

Ông Trần Quốc Trượng "thương" Bộ GTVT ?

Năm 2002, theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Nhà nước (TTNN) đã vào cuộc thanh tra dự án cầu Hoàng Long.

Sau hơn 2 tháng thanh tra, ông Trần Quốc Trượng, Phó tổng TTNN ký bản kết luận thanh tra số 584/BC-VI-TTNN nêu rõ: "Do công tác thẩm định Bộ GTVT tiến hành không đầy đủ và thiếu sự tham gia góp ý của các bộ, ngành liên quan dẫn đến quyết định đầu tư phải thay đổi hai lần. Nội dung thay đổi trong các quyết định đầu tư là rất lớn”. Theo đó, vốn đầu tư từ 83,5 tỉ lên 224,4 tỉ đồng.

Như vậy, từ sự chủ quan của lãnh đạo Bộ GTVT dẫn đến việc khảo sát thiết kế không đến nơi đến chốn, công trình đã thiết kế lại phải thay đổi, Nhà nước phải chi thêm tới 140,9 tỉ đồng cho công trình này.

Kết luận thanh tra là vậy, nhưng không hiểu sao, trong báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ số 1698/TTNN- V1 lại nêu: "...Các tài liệu cơ lý của lớp đất trong báo cáo không được phản ánh đầy đủ, không có số liệu kết quả thí nghiệm từng mẫu đất mà chỉ có bảng tổng hợp các chỉ tiêu cơ lý. Do vậy khó đánh giá được độ tin cậy các đặc trưng cơ lý nêu trong bảng tổng hợp. Báo cáo khảo sát đơn giản, còn nhiều sai sót và không đánh giá hết được mức độ nghiêm trọng của công trình về mặt địa kỹ thuật. Hậu quả là phải thay đổi thiết kế, bổ sung khối lượng, bổ sung hạng mục, bổ sung kinh phí với tổng giá trị là 36,3 tỉ đồng và kéo dài thêm 9 tháng làm tăng chi phí cho tư vấn giám sát...".

Cũng trong báo cáo này, ông Trượng cũng chỉ nêu con số: "...Bộ GTVT có phê duyệt thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán công trình cầu Hàm Rồng với 229,5 tỉ đồng...".

Cả hai đoạn trích dẫn trên cho thấy, ông Trượng đã chỉ nêu các con số bị đội lên mà không hề có thông tin so sánh với con số thực tế theo dự toán. Một dự án phải điều chỉnh vốn gấp 3 lần mà trong báo cáo, ông Trượng cũng không phân tích, mổ xẻ nguyên nhân, quy trách nhiệm rõ ràng theo chức năng nhiệm vụ của đoàn thanh tra được giao phó.

Một cán bộ thanh tra nhiều kinh nghiệm phân tích: "Nhiệm vụ của đoàn thanh tra là phân tích, tìm ra nguyên nhân sai phạm của các dự án được thanh tra chứ không phải là người làm báo cáo với những con số khô khốc gửi lên lãnh đạo.

Ở đây, ông Trượng đã rất khéo léo khi vẫn đề cập đến sai phạm, vẫn có những thông tin như "bổ sung kinh phí mất 36,3 tỉ đồng" hay Bộ GTVT có phê duyệt thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán công trình cầu Hàm Rồng với 229,5 tỉ đồng..." mà không phân tích những căn cứ cho thấy sai phạm tại Bộ GTVT.

Sở dĩ trong báo cáo nêu những con số có vẻ khách quan như vậy để nếu có chuyện gì xảy ra, ông Trượng vẫn có thể lập luận rằng cơ quan TTNN đã đề cập đến những thông tin sai phạm. Tuy nhiên, nếu chỉ đọc báo cáo với những dòng chữ như vậy thì rõ ràng Bộ GTVT dường như vô can trong vụ này, và việc chi thêm tiền Nhà nước bổ sung cho dự án chỉ là chuyện "lấy đồ trong túi", không ảnh hưởng đến ai. Cách viết báo cáo kiểu này, ông Trượng đã "thương" Bộ GTVT".

Cũng trong bản báo cáo thứ 2 gửi Thủ tướng, ông Trượng đã "bỏ qua" hàng loạt thông tin có giá trị mà trong kết luận thanh tra đã được làm rõ. Đó là các thông tin như: ông Nguyễn Việt Tiến chi sai 468 triệu đồng; ông Dương Danh Dũng, Cục trưởng Cục Giám định và quản lý chất lượng công trình giao thông (GĐ&QLCLCTGT) phê duyệt sai 236,033 triệu đồng; ông Vũ Bảy, Phó cục trưởng Cục GĐ&QLCLCTGT chi sai hơn 47 triệu đồng; ông Ngô Ngọc Bội, Phó cục trưởng Cục GĐ&QLCLCTGT chi sai hơn 120 triệu đồng...

Làm giảm 1.000 lần số tiền phải xuất toán ?

Kết luận thanh tra dự án cầu Hoàng Long cũng nêu rõ Bộ GTVT và UBND tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện đền bù sai chế độ, chính sách làm thất thoát 1,2 tỉ đồng; quá trình đánh giá chi tiết hồ sơ mời thầu, Tổ chuyên gia đấu thầu của PMU 18 xem xét giá dự thầu để hiệu chỉnh, sửa lỗi số học có sai sót dẫn đến xác định giá bỏ thầu của nhà thầu cao hơn gần 87 triệu đồng.

Theo dự toán đã được phê duyệt, chi phí cho lễ khởi công, khánh thành và thử tải công trình là 350 triệu đồng. Tuy nhiên, sau đó chi phí này đã phát sinh thành gần 925 triệu đồng.

Trong văn bản số 584/TTNN-V1 của TTNN nêu: "Việc tổ chức thực hiện dự án đã để lãng phí vốn, sử dụng vốn sai mục đích và thất thoát ở cả ba giai đoạn đầu tư là 4.529.076.489 đ...".

Tuy nhiên, không hiểu sao trong văn bản số 1698 mà ông Trần Quốc Trượng báo cáo Thủ tướng lại nêu: "Việc tổ chức thực hiện dự án, chủ đầu tư, tư vấn, các nhà thầu đã để lãng phí, thất thoát và sử dụng vốn sai mục đích ở cả ba giai đoạn đầu tư là 4,526 triệu đồng  (4 triệu 526 nghìn đồng - PV) ...". Ông Phạm Văn Đa, Trưởng đoàn Thanh tra dự án này giải thích: Đó chỉ là sự nhầm lẫn triệu đồng thành tỉ đồng dù con số 4,5 triệu được nhắc lại 2 lần trong báo cáo.

Chưa hết, không chỉ thay "tỉ đồng" thành "triệu đồng", TTNN còn có bài phù phép biến dấu chấm (.) thành dấu (,). Tại bản kết luận số 584/BC-V1-TTNN, ông Trần Quốc Trượng ký, TTNN quyết định thu hồi về tài khoản tạm giữ chờ xử lý 277.692.452 đồng bao gồm hơn 122 triệu đồng chi phí chưa hết số tiền kiểm tra chất lượng khoan cọc nhồi, hơn 27 triệu chi phí chưa hết số tiền khảo sát để xử lý nền đất yếu...

Đề nghị Bộ Tài chính khi phê duyệt quyết toán xuất toán 1.960.700.219 đồng gồm các khoản: Sử dụng vốn sai mục đích chi phí vào các việc xây dựng định mức... Tuy nhiên, trong báo cáo số 1698/TTNN-V1 lại nêu: "...Đề nghị Bộ Tài chính khi phê duyệt quyết toán xuất toán 1,960 triệu đồng (1 triệu 960 nghìn đồng - PV). Chỉ bằng cách thay dấu (.) bằng dấu (,) giữa hai văn bản, số tiền đề nghị bị xuất toán đã giảm đi... một nghìn lần!

Dư luận đang đặt câu hỏi liệu những sai phạm có tính hệ thống của một số cán bộ TTNN có phải chỉ là cá biệt trong trường hợp này, hay những sai phạm của PMU 18 và của một số cơ quan khác đã được phát hiện nhưng chỉ với những trò phù phép đơn giản bằng câu chữ trên bản báo cáo mà các đối tượng bị thanh tra đã được làm nhẹ tội?

Dấu (.) thành dấu (,), "tỉ đồng" thành "triệu đồng", đó là sự vô tình hay có khuất tất nào? Và  sự "nhầm lẫn" kỳ quặc này đã có ảnh hưởng như thế nào đến kết quả xử lý vụ việc của cấp có thẩm quyền đối với những sai phạm của PMU18?

Theo Nguyễn Bình - Thanh Phong
Báo Thanh niên