1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

“Thanh tra giao thông không có thẩm quyền ra đường chặn xe, xử phạt”

(Dân trí) - Trao đổi với PV Dân trí, TS. Trần Thế Quân - Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp (Bộ Công an) - khẳng định như vậy xung quanh việc xuất hiện tình trạng thanh tra giao thông ra đường chặn xe, xử phạt thời gian gần đây.

“Thanh tra giao thông không có thẩm quyền ra đường chặn xe, xử phạt”
Dù phối hợp kiểm tra, xử lý xe quá tải thì lực lượng được phép chặn xe đang lưu thông trên đường là CSGT (Ảnh: Tuấn Hợp).

Phóng viên: Theo các quy định hiện hành lực lượng thanh tra giao thông có thể ra đường dừng xe đang lưu thông để kiểm tra, xử phạt không, thưa ông?

TS. Trần Thế Quân: Về nguyên tắc thanh tra giao thông xử lý về giao thông tĩnh. Thanh tra giao thông không có quyền ra đường chặn xe để xử phạt vi phạm.

Nhưng đại diện ngành giao thông nói rằng việc thanh tra giao thông ra đường dừng xe, kiểm tra, xử phạt nằm trong kế hoạch công tác xử lý xe chở quá tải trọng, quá khổ, tự ý thay đổi kích thước thùng chở hàng của xe ô tô và việc đều có kế hoạch phối hợp với lực lượng công an, CSGT?

Vừa rồi do có cao điểm chống xe quá tải có thể có chỉ đạo phối hợp giữa CSGT và thanh tra giao thông trong việc dừng xe, cân trọng tải kiểm tra, xử lý vi phạm (nếu có), nhưng việc này chỉ là tình thế thôi, cũng chưa đúng luật lắm. Về nguyên tắc chung của pháp luật hiện hành thì thanh tra giao thông không được dừng xe đang lưu thông trên đường.

Trước những xung đột trong quá trình thực thi công vụ giữa lực lượng CSGT và thanh tra giao thông mà báo chí, mạng xã hội đã phản ánh liên tục trong thời gian qua, các ông có kiến nghị Bộ Công an trao đổi với Bộ Giao thông vận tải để làm rõ hơn về vấn đề này?

Nếu thực hiện đúng theo Luật Giao thông đường bộ và các quy định liên quan đến chức năng, thẩm quyền của lực lượng CSGT và thanh tra giao thông thì không có xung đột gì cả.

Đối với các lực lượng trong ngành công an thì đều đã có quy định cả rồi, có thẩm quyền xử phạt đấy nhưng phải thực hiện theo kế hoạch, chứ không thể cứ kéo ra đường xử phạt được đâu. Còn thanh tra giao thông cứ kéo ra đường xử phạt là xung đột đấy, bởi việc đó không phải của các ông ấy. Làm gì có hành vi nào vi phạm giao thông trên đường mà cho phép thanh tra giao thông xử phạt đâu, họ chỉ làm về vi phạm hạ tầng giao thông thôi.

Từ thực tế đó, Bộ Giao thông vận tải cần có những đợt rà soát để chấn chỉnh về chuyên môn, nghiệp vụ đối với lực lượng thanh tra giao thông?

Với trách nhiệm của mình, Vụ Pháp chế, Thanh tra Bộ, Tổng cục Đường bộ Việt Nam phải có trách nhiệm tư vấn cho lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải đôn đốc, nhắc nhở lực lượng thực hiện theo đúng quy định hiện hành. Công an không can thiệp vào công việc của thanh tra giao thông, nhưng nếu họ cứ ra đường thì chắc chắn sẽ xung đột, chưa nói tới xung đột với lực lượng CSGT mà trước hết xung đột ngay với người dân điều khiển phương tiện. Người dân bây giờ hiểu biết pháp luật lắm, không phải không biết đâu, họ biết rõ thẩm quyền của thanh tra giao thông đến đâu cả đấy. Động cơ, mục đích thì không đánh giá được, nhưng cứ ra đường như thế thì không hay lắm.

Xin cảm ơn ông !

       CSGT chỉ được dừng xe trong 5 trường hợp

Theo quy định tại Điều 14 Thông tư 65/2012 của Bộ Công an quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát của CSGT đường bộ, cán bộ thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát chỉ được dừng phương tiện giao thông để kiểm soát trong 5 trường hợp sau:

1. Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi nhận được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ.

2. Thực hiện kế hoạch, mệnh lệnh tổng kiểm soát của Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông hoặc giám đốc công an cấp tỉnh trở lên.

3. Thực hiện kế hoạch, phương án công tác của Trưởng phòng Hướng dẫn và Tổ chức tuần tra, kiểm soát giao thông thuộc Cục Cảnh sát giao thông, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông hoặc Trưởng Công an cấp huyện trở lên về việc kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ theo chuyên đề.

4. Có văn bản của thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra từ cấp huyện trở lên; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự.

5. Tin báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông.

Đồng thời, Thông tư 65 còn yêu cầu việc dừng phương tiện phải đảm bảo các yêu cầu về an toàn, đúng quy định của pháp luật; không làm cản trở đến hoạt động giao thông; khi đã dừng phương tiện phải thực hiện việc kiểm soát, nếu phát hiện vi phạm phải xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Thế Kha (thực hiện)