1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Thanh tra Chính phủ yêu cầu kiểm điểm, xử lý trách nhiệm về xăng dầu

Thế Kha

(Dân trí) - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) phải chỉ đạo, tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo thẩm quyền đối với tập thể, cá nhân liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm về xăng dầu.

Tổng Thanh tra Chính phủ đã yêu cầu như vậy với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tại Kết luận thanh tra số 1061/KL-TTCP về việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu vừa công bố.

Thanh tra Chính phủ yêu cầu kiểm điểm, xử lý trách nhiệm về xăng dầu - 1

Trụ sở Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ở Hà Nội (Ảnh: Bích Diệp).

Theo kết luận thanh tra, nguồn cung xăng dầu trong nước hiện nay chủ yếu do 2 nhà máy lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi) và Nghi Sơn (Thanh Hóa) cung cấp, với sản lượng năm 2021 trên 14,3 triệu tấn xăng dầu, đáp ứng 63,3% thị trường tiêu thụ trong nước (năm 2021).

Nhà máy lọc dầu Dung Quất thuộc Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), trong đó PVN góp 92,12% vốn điều lệ, cung cấp bình quân khoảng 6,4 triệu tấn xăng dầu/năm.

Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn thuộc Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP), bao gồm 4 thành viên tham gia góp vốn, PVN góp 25,1% và 3 đối tác nước ngoài. Nhà máy này cung cấp khoảng 7,3 triệu tấn xăng dầu/năm (năm 2021).

Theo kết luận thanh tra, Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn và Chi nhánh phân phối sản phẩm lọc dầu Nghi Sơn nhận ủy quyền của PVN (Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với PVN) hiện tại bán xăng dầu cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu theo phương thức đàm phán và phân loại khách hàng theo các tiêu chí về tổng số vốn, tỷ lệ vốn nhà nước, tỷ lệ nợ, số lượng nhiều, tàu chở hàng lớn…

"Đây cũng là các tiêu chí để bên bán xem xét những chính sách ưu đãi về giá, điều kiện thanh toán cho từng khách hàng. Cơ chế mua bán đàm phán như trên là thiếu khách quan, dễ dẫn đến xin cho", Thanh tra Chính phủ kết luận.

Ngoài ra, theo kết luận thanh tra, ngày 6/8/2019, HĐTV Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) ban hành Quyết định số 2879/QĐ-BSR phê duyệt chính sách bán sản phẩm, theo hình thức đàm phán/hoặc đấu giá. Tuy nhiên, đến thời điểm thanh tra, công ty này chưa thực hiện việc đấu giá bán sản phẩm xăng dầu.

"Việc mua bán xăng dầu như trên là chưa khách quan, chưa đảm bảo cạnh tranh công khai, minh bạch", kết luận nhận định.

Thanh tra Chính phủ yêu cầu kiểm điểm, xử lý trách nhiệm về xăng dầu - 2

Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn (Ảnh: Phương Dung).

Vì thế, Tổng Thanh tra Chính phủ đã đề nghị PVN chỉ đạo Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn và Chi nhánh phân phối sản phẩm lọc dầu Nghi Sơn nhận ủy quyền từ PVN, triển khai thực hiện việc đấu giá bán sản phẩm xăng dầu, bảo đảm việc mua bán xăng dầu theo cơ chế thị trường, công khai, minh bạch.

Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung cơ chế điều hành giá; nguyên tắc, phương pháp tính giá, bảo đảm phù hợp với quy luật thị trường, quy luật cạnh tranh, hài hòa lợi ích của Nhà nước và doanh nghiệp.

"Xây dựng cơ chế Nhà nước can thiệp thị trường trong trường hợp giá xăng dầu có biến động lớn, ảnh hưởng đến các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng", Thanh tra Chính phủ yêu cầu với 2 Bộ Tài chính - Công Thương.

Thương nhân đầu mối nợ, nộp chậm trên 6.323 tỷ đồng thuế bảo vệ môi trường

Như Dân trí đã thông tin, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính kiểm điểm các tổ chức, cá nhân liên quan; xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân liên quan trong việc thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu nợ thuế bảo vệ môi trường trong thời gian dài, số lượng lớn.

Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Thuế, Cục Thuế các tỉnh kiểm tra, rà soát thu ngân sách nhà nước tiền thuế bảo vệ môi trường các thương nhân đầu mối còn nợ, nộp chậm trên 6.323 tỷ đồng và tính lãi chậm nộp theo quy định.

Thanh tra cũng đề nghị Bộ Tài chính rà soát, bổ sung các quy định để bảo đảm các thương nhân đầu mối khai, nộp thuế bảo vệ môi trường đúng quy định, không để xảy ra tiêu cực, thất thu thuế.