Thanh tra Chính phủ: Nguy cơ lớn từ rác thải ở Phú Quốc!
(Dân trí) - Thanh tra Chính phủ khẳng định, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường từ rác thải trên địa bàn huyện Phú Quốc trong thời gian tới là rất lớn.
Kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật trong công tác quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai, quản lý và khai thác tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2011-2017 của Thanh tra Chính phủ cho biết, hàng năm Sở Tài nguyên và Môi trường Kiên Giang đều tổ chức các đoàn kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các dự án sau khi được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Từ năm 2001 đến hết năm 2017 đã triển khai 20 đoàn kiểm tra với 231 cơ sở.
Tuy nhiên việc xử lý các sai phạm được phát hiện qua thanh tra, kiểm tra chưa nghiêm, dẫn đến hiệu quả công tác thanh tra chưa cao, thiếu tính răn đe đối với đối tượng vi phạm.
Kết quả kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường tại Nhà máy xi măng Hà Tiên do Công ty cổ phần Xi măng Hà Tiên 1 làm chủ đầu tư một số dự án du lịch trên địa bàn huyện Phú Quốc đều chưa thực hiện tốt các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường như: thiếu hệ thống quan trắc online kết nối với Sở Tài nguyên và Môi trường; thay đổi quy mô đầu tư của dự án nhưng chậm lập và trình duyệt bổ sung ĐTM; dự án đi vào hoạt động khi chưa đầu tư hoàn thiện các hạng mục bảo vệ môi trường theo ĐTM được duyệt,…
Năm 2017, đoàn thanh tra của địa phương đã phát hiện nhiều sai phạm của hàng chục cơ sở sản xuất kinh doanh trong việc thực hiện quy định về bảo vệ môi trường nhưng Chủ tịch UBND thành phố Rạch Giá không ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Điều này, theo Thanh tra Chính phủ, đã vi phạm Nghị định 155/2016 của Chính phủ và Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012.
Cơ quan thanh tra cũng đánh giá, UBND tỉnh Kiên Giang chưa quan tâm đúng mức đến công tác xử lý chất thải rắn, 12/13 bãi rác chưa có biện pháp xử lý đúng kỹ thuật gây ô nhiễm môi trường nhưng UBND tỉnh chưa chú trọng đầu tư hoặc kêu gọi đầu tư để xây dựng các khu xử lý chất thải rắn có công nghệ phù hợp.
Điển hình trên địa bàn huyện Phú Quốc, chỉ tính riêng các dự án du lịch được phê duyệt hiện nay đã có tổng lượng rác thải cần xử lý 2.550 tấn/ngày, trong khi chỉ thực hiện xây dựng 1 nhà máy với công suất 200 tấn/ngày tại xã Hàm Nghi. Điều này dẫn tới nguy cơ gây ô nhiễm môi trường từ rác thải trên địa bàn huyện Phú Quốc trong thời gian tới là rất lớn.
Toàn bộ nước thải sinh hoạt… xả xuống sông
Về xử lý nước thải, đặc biệt là nước thải trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, Thanh tra Chính phủ khẳng định “chưa được chính quyền các cấp quan tâm đúng mức”.
Thời điểm thanh tra, huyện Phú Quốc chưa có hệ thống thu gom và xử lý nước thải ở các khu vực tập trung đông dân cư, đặc biệt tại thị trấn Dương Đông toàn bộ toàn nước thải sinh hoạt của dân cư xung quanh sông Dương Đông đều xả trực tiếp xuống sông gây nguy cơ ô nhiễm nguồn nước ngọt, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại khu vực sông.
Đến tháng 4/2018 tỉnh Kiên Giang mới phê duyệt chương trình quản lý tổng hợp lưu vực sông Dương Đông giai đoạn đến năm 2025, dẫn đến việc chưa kiểm soát được mức độ ô nhiễm môi trường tại lưu vực sông này.
Tại Khu công nghiệp Thạnh Lộc, nhà máy xử lý nước thải tập trung đang trong quá trình xây dựng, chưa hoàn thiện nhưng đã có 3 nhà đầu tư thứ cấp xây dựng xong nhà xưởng và đi vào hoạt động (Nhà máy Bia Sài Gòn thuộc Công ty cổ phần bia Sài Gòn Kiên Giang; Nhà máy gỗ MDF VRG Kiên Giang thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và Nhà máy sản xuất giày dép xuất khẩu TBS Kiên Giang thuộc Công ty cổ phần Thái Bình Kiên Giang), đều là các ngành nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.
Thanh tra Chính phủ cho rằng, việc 3 nhà máy này đi vào hoạt động khi nhà máy xử lý nước thải tập trung của khu công nghiệp chưa hoàn thành đưa vào sử dụng là vi phạm Thông tư số 35/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về bảo vệ môi trường khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, công nghệ cao.
Ngoài ra, theo báo cáo của Cục Thuế tỉnh Kiên Giang, tổng số tiền phí bảo vệ môi trường phải thu trong thời kỳ thanh tra là 224,7 tỷ đồng, trong đó đã nộp ngân sách nhà nước trên 223,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, quan thanh tra tại Nhà máy xi măng Hòn Chông do Công ty TNHH Siam City Cement Việt Nam làm chủ đầu tư, đã phát hiện công ty kê khai khối lượng đá vôi để tính phí bảo vệ môi trường chưa đúng với khối lượng thực tế khai thác.
Đoàn thanh tra của Thanh tra Chính phủ đã căn cứ vào hộ chiếu nổ mìn phá đá và số lượng ca máy của búa thuỷ lực đập đá để tính toán lại khối lượng đá vôi đã khai thác từ năm 2011-2017 để làm căn cứ tính phí bảo vệ môi trường, số tiền phí bảo vệ môi trường phải truy thu của Công ty TNHH Siam City Cement Việt Nam là trên 1,6 tỷ đồng.
“Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2011-2017 chịu trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành chung; Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc Ban quản lý các Khu kinh tế tỉnh Kiên Giang và Giám đốc Công ty Phát triển hạ tầng Khu kinh tế, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Kiên Giang, Chủ tịch UBND thành phố Rạch Giá chịu trách nhiệm chính đối với các vi phạm, thiếu sót nêu trên”- Thanh tra Chính phủ nêu rõ trách nhiệm.
Thế Kha