Thành phố Thủ Đức gặp khó khi sắp xếp cán bộ dôi dư

Q.Huy

(Dân trí) - Sở Nội vụ cho biết, thành phố Thủ Đức đang gặp khó khăn trong việc sắp xếp đội ngũ cán bộ dôi dư sau khi thành lập. TPHCM sẽ kiến nghị Bộ Nội vụ kéo dài thời gian sắp xếp đến năm 2025.

Chiều 26/4, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, chủ trì phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội của địa phương trong tháng 4 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 5 năm 2022. Buổi họp diễn ra trong bối cảnh, TPHCM bước đầu kiểm soát được dịch Covid-19 và bắt đầu chuyển trọng tâm sang phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Thành phố Thủ Đức gặp khó khi sắp xếp cán bộ dôi dư - 1

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, chủ trì phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội (Ảnh: HMC).

Tại buổi làm việc, ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM, nêu thực tế, thời gian qua, công tác sắp xếp lại đội ngũ cán bộ dôi dư của thành phố Thủ Đức còn gặp nhiều khó khăn. Theo Nghị quyết 1111 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị định 33 của Chính phủ, thành phố trực thuộc TPHCM có 24 tháng để sắp xếp bộ máy, cán bộ dôi dư.

"Tuy nhiên, thành phố Thủ Đức muốn kéo dài thời gian thực hiện phần việc này đến năm 2025. Thành phố sẽ đưa kiến nghị này ra tại buổi làm việc của Bộ trưởng Bộ Nội vụ với UBND TPHCM nhằm có cơ sở kéo dài thời gian thực hiện sắp xếp bộ máy của thành phố Thủ Đức", ông Huỳnh Thanh Nhân thông tin.

Thành phố Thủ Đức gặp khó khi sắp xếp cán bộ dôi dư - 2

Thành phố Thủ Đức kiến nghị kéo dài thời gian sắp xếp cán bộ dôi dư đến năm 2025 (Ảnh minh họa: Quang Huy).

Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM nêu cơ sở, Nghị quyết 653 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép, khi sắp xếp đơn vị hành chính, các địa phương có thể tổ chức bộ máy, cán bộ dôi dư trong khoảng thời gian 60 tháng. Tuy nhiên, trong quá trình thành lập thành phố Thủ Đức, dù các cấp chính quyền đã "đấu tranh", nhưng chỉ được cho 24 tháng để thực hiện phần việc này.

Liên quan đến đơn vị hành chính mới của TPHCM, lãnh đạo Sở Nội vụ chia sẻ, đến nay, đơn vị đã hoàn thiện dự thảo đề án phân cấp, ủy quyền cho thành phố Thủ Đức. Sở kiến nghị trong thời gian tới, các sở, ngành, UBND thành phố sớm cho ý kiến để hoàn thiện bản đề án.

Ngoài ra, Sở Nội vụ cũng xây dựng kế hoạch thực hiện nghị quyết về định hướng phát triển thành phố Thủ Đức của Ban Thường vụ Thành ủy. Ông Huỳnh Thanh Nhân mong muốn, UBND TPHCM sớm ban hành kế hoạch này để các sở, ngành tập trung thực hiện.

Cuối cùng, ông Huỳnh Thanh Nhân chia sẻ thêm, hiện tại, 5 đề án nhánh của đề án xây dựng 5 huyện thành quận hoặc thành phố đã được xây dựng. Các đề án nhánh cần được thực hiện sớm để các địa phương có cơ sở xây dựng đề án phát triển lên quận hoặc thành phố trực thuộc TPHCM.

Việc thành lập thành phố Thủ Đức được UBND TPHCM chính thức công bố ngày 31/12/2020. Đơn vị hành chính mới của TPHCM được thành lập trên cơ sở sáp nhập toàn bộ 49,79 km2 diện tích tự nhiên, 171.311 người của quận 2 cũ; toàn bộ 113,97 km2 diện tích tự nhiên, 310.107 người của quận 9 cũ và toàn bộ 47,80 km2 diện tích tự nhiên, 532.377 người của quận Thủ Đức cũ.

Theo Sở Nội vụ TPHCM, sau khi sáp nhập 3 quận, thành phố Thủ Đức có 399 cán bộ, công chức, viên chức chịu tác động trực tiếp.