1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

TPHCM:

Thành phố thông minh phải giải quyết được bức xúc của người dân

(Dân trí) - Theo các đại biểu HĐND TPHCM, khi xây dựng đô thị thông minh thì trước hết phải chọn những vấn đề “sát sườn” với đời sống, người dân bức xúc để triển khai như y tế, thủ tục hành chính...

Chiều 8/11, HĐND TPHCM tổ chức hội nghị chuyên đề về đề án “Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến 2025”.

Tại đây, đại biểu Nguyễn Mạnh Trí cho rằng khi xây dựng đô thị thông minh thì thành phố phải chọn những vấn đề “sát sườn”, bức xúc của người dân để triển khai.

Người dân chờ đợi khám chữa bệnh (ảnh Vân Sơn)
Người dân chờ đợi khám chữa bệnh (ảnh Vân Sơn)

Ông Trí dẫn chứng, hiện nay trong ngành y tế còn rất nhiều bất cập, hạn chế do chưa ứng dụng đồng bộ công nghệ thông tin. Nhiều bác sĩ phải thức đến 11 giờ đêm để tải dữ liệu lên hệ thống.

Bên cạnh đó, vấn đề bức xúc của người khám chữa bệnh là thủ tục tốn nhiều thời gian. Trước mắt, phải ứng dụng công nghệ để giảm thủ tục, góp phần giảm tải cho bệnh viện.

Đại biểu Trí cho rằng thành phố thông minh thì phải làm sao để bệnh nhân chỉ cần cầm một cái thẻ chứa mã vạch. Chỉ cần kiểm tra mã vạch thì bác sĩ có thể biết được thông tin bệnh án của bệnh nhân.

Trong khi đó, đại biểu Tăng Hữu Phong cho rằng, triển khai đề án đô thị thông minh mạnh mẽ cỡ nào thì chắc chắn cũng có bộ phận người dân không tham gia. Do đó, thành phố cũng cần tính tới phương án phục vụ cho bộ phận này.

Ông Phong cũng lưu ý một vấn đề đặc biệt quan trọng khác là đào tạo nguồn nhân lực vận hành đề án đô thị thông minh. Ngoài ra, cần làm rõ trách nhiệm của các quận, huyện trong quá trình tham gia xây dựng đô thị thông minh.

Đại biểu Lê Trương Hải Hiếu cho rằng khi xây dựng trung tâm dữ liệu thì phải thống nhất tiêu chuẩn dữ liệu đầu vào. Theo ông, có thể mỗi địa phương sử dụng phần mềm khác nhau nhưng khi nhập vào trung tâm dữ liệu thì phải thống nhất theo tiêu chuẩn đề ra.

Ông Hiếu cho rằng sản phẩm sử dụng cho việc xây dựng chính quyền điện tử cần phải đặt hàng riêng và ưu tiên sử dụng sản phẩm trong nước. Điều này giúp đảm bảo hiệu quả sử dụng và cả vấn đề an ninh thông tin. Đồng thời, cơ quan chức năng cần có chế tài đối với việc lấy dữ liệu chung phục vụ thương mại hóa.

Theo đại biểu Hiếu, ngành ngân hàng cũng phải nhận thức được vai trò và tầm quan trọng trong việc xây dựng trung tâm dữ liệu của thành phố.

Người dân đến làm thủ tục hành chính tại UBND quận 1 (TPHCM)
Người dân đến làm thủ tục hành chính tại UBND quận 1 (TPHCM)

Ông Nguyễn Hoàng Minh – Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM – cho biết, hiện nay trên địa bàn thành phố có 104 tổ chức tín dụng, phi tín dụng, với hơn 8 triệu khách hàng, trong đó có khoảng 1 triệu tổ chức.

Theo ông Minh, hiện nay quy trình quản lý dữ liệu khách hàng rất chặt chẽ đảm bảo tránh rủi ro. Với số chứng minh nhân dân, ngân hàng có thể biết được khách hàng ở đâu, nợ bao nhiêu, đã vay ngân hàng nào… Thông tin thì có nhưng ngân hàng không công bố vì để đảm bảo bí mật.

Ông Nguyễn Hoàng Minh nhấn mạnh rằng ngành ngân hàng nhận thức được vai trò của mình trong việc tham gia xây dựng đề án thành phố thông minh. Ông cho biết, trong thời gian ngắn nhất sẽ có nhất góp ý gửi lên Ban điều hành đề án.

Trên lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, đại biểu Nguyễn Thị Thanh Thúy cũng mong muốn TP xây dựng được dữ liệu về lĩnh vực này để khách du lịch đến TP có thể tra cứu để tìm hiểu, tiếp cận dễ dàng, đầy đủ.

Tại hội nghị, các đại biểu HĐND TPHCM cũng đóng góp ý kiến về cách thức tuyên truyền cho người dân và điều tra xã hội học khi triển khai đề án xây dựng thành phố thông minh. Người dân cần những vấn đề gần gũi với cuộc sống như y tế, giải quyết thủ tục hành chính, nộp phạt khi vi phạm hành chính.... Ngoài ra, đô thị thông minh cũng góp phần xây dựng bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu quả.

Ông Trần Vĩnh Tuyến – Phó Chủ tịch UBND TPHCM (Phó Ban điều hành đề án) - cho biết việc xây dựng thành phố thông minh gắn liền với ứng dụng công nghệ thông tin. Do đó, trong quá trình xây dựng, triển khai đề án sẽ liên tục cập nhật và lắng nghe đóng góp ý kiến từ chuyên gia, người dân như phản biện, hiến kế…

“Nếu chúng ta chủ quan không cập nhật, sử dụng công nghệ lạc hậu thì sẽ có lỗi với người dân”, ông Tuyến nhấn mạnh.

Kết thúc hội nghị, ông Phạm Đức Hải – Phó Chủ tịch HĐND TPHCM – cho rằng Ban điều hành xây dựng đề án xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh cần chú trọng công tác tuyên truyền cho người dân được biết họ là trung tâm đô thị. Người dân thấy mình được phục vụ tốt hơn và tham gia giám sát xây dựng thành phố.

Bên cạnh đó, TPHCM cần phải có sự liên kết, kết nối với các cơ quan Trung ương, đồng thời phải phân cấp trong quá trình triển khai đề án.

Để xây dựng đô thị thông minh thì cần chú trọng công tác đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực trong nước và sử dụng hạ tầng sẵn có để phát huy hiệu quả và tiết kiệm.

Quốc Anh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm