1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Thanh niên xung phong bao giờ mới là người có công?

Xin đừng để những bà mẹ Việt Nam đã dâng hiến chồng, con cho cuộc chiến bảo vệ độc lập, tự do của đất nước đã khuất núi, về với tổ tiên mới được truy tặng danh hiệu cao quý Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) đã có đóng góp to lớn trong kháng chiến vẫn chưa được coi là... người có công.

Đến nay, 150.000 TNXP vẫn chưa được hưởng chế độ, trong khi họ đang từng ngày đối mặt cuộc sống khó khăn, với đau yếu, bệnh tật của tuổi già.

 

Thiệt thòi... là do chiến tranh kéo dài và phức tạp

 

Phiên họp sáng 18/8 về kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về người có công tại Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội (QH) bắt đầu bằng con số 8,8 triệu người có công (NCC) trên toàn quốc được ghi nhận, trong đó 1,4 triệu người và thân nhân được hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng. Báo cáo của Bộ LĐTBXH cho thấy vẫn còn một số trường hợp chưa được xác nhận và giải quyết chế độ và lý do được giải thích là “do chiến tranh kéo dài và phức tạp”.

 

TNXP Trường Sơn những năm chống Mỹ.

TNXP Trường Sơn những năm chống Mỹ.

 

Đối với vấn đề lợi dụng chính sách để trục lợi, Bộ LĐ-TB&XH cũng cho biết, đã đình chỉ trợ cấp đối với hơn 7.000 đối tượng, trong đó có hơn 4.000 “thương binh”. Nhưng bản báo cáo này hoàn toàn không làm thỏa mãn các vị ĐBQH khi còn có quá nhiều vấn đề chưa được giải quyết.

 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH Đỗ Mạnh Hùng liệt kê những tồn tại. Nào là văn bản ban hành chậm; hồ sơ tồn đọng giải quyết chậm; vấn đề giải quyết NCC bị mất giấy tờ gốc, những người không phải là cán bộ; người hoạt động kháng chiến nhiễm chất độc hóa học; danh mục bệnh tật (tại Thông tư 41) chưa rõ cả về cơ sở thực tiễn, khoa học, vấn đề thủ tục hồ sơ; vấn đề thực hiện các đề án; nhà ở: Số lượng chênh lệch quá lớn, kinh phí mới tạm ứng được 50%; chế độ ưu đãi giáo dục...

 

Không để bỏ sót bất cứ trường hợp nào

 

Tham gia phiên họp, đại diện Ban Thi đua khen thưởng T.Ư Trần Thị Hà cho biết: Các cơ quan đã lấy Thái Bình là địa phương thực hiện làm điểm về vấn đề giải quyết chế độ cho bà mẹ Việt Nam anh hùng. Đến nay, địa phương này đã giải quyết hơn 90% số hồ sơ. "Tuy nhiên, nhiều tỉnh còn có số lượng hồ sơ tương đối lớn.

 

 

Cựu TNXP Nguyễn Thị Cúc (Vũ Thư, Thái Bình) đã hơn 30 năm mù lòa (ngồi giữa) bên mẹ già và em gái.
 

Cựu TNXP Nguyễn Thị Cúc (Vũ Thư, Thái Bình) đã hơn 30 năm mù lòa (ngồi giữa) bên mẹ già và em gái.

 

Ban đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng để hiệp y. Đến nay, có 53 tỉnh đã gửi hơn 25.000 hồ sơ, trong đó, 20.000 hồ sơ đã trình Chủ tịch Nước, còn 5.000 hồ sơ ban đang tập trung thẩm định để giải quyết vào dịp 2.9" - bà Hà cho hay.

 

Đại diện Bộ Xây dựng - ông Nguyễn Mạnh Hà - cũng cho rằng, cần tăng số lượng nhà ở cho người có công. Theo đó, đã xây dựng được 335.000 căn nhà tình nghĩa, tăng khoảng hơn 4 lần so với đợt giám sát năm 2012. Theo ông Hà, tới cuối năm 2014, cơ bản là hoàn thành xây dựng nhà cho người có công nếu Bộ Tài chính cấp đủ 800 tỉ đồng cho việc xây dựng 72.000 căn nhà.

 

Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, trong các chính sách người có công, khó nhất là vấn đề xác định danh tính hài cốt liệt sĩ. Hiện mới có 3 trung tâm có khả năng phân tích ADN, trong khi phải lấy mẫu hài cốt liệt sĩ. Cái khó thứ hai là nạn nhân nhiễm chất độc hóa học. Theo ý kiến của Bộ trưởng Bộ LĐTBXH tại phiên họp, thì TNXP cũng cần được coi như là bộ đội và đưa vào danh mục người có công.

 

Cục trưởng Cục Người có công Hoàng Công Thái cho biết, đối với những vấn đề “tồn đọng của TNXP” - tức việc công nhận thương binh, liệt sĩ - ông Thái nói “nếu đủ điều kiện thì sẽ công nhận”.

 

Cựu TNXP Nguyễn Thị Cúc (Vũ Thư, Thái Bình) đã hơn 30 năm mù lòa (ngồi giữa) bên mẹ già và em gái.
Hai chị em cựu TNXP đơn thân Nguyễn Thị Lụa và Nguyễn Thị Lược (Vũ Thư - Thái Bình) đan chổi để kiếm sống qua ngày

 

Lần đầu tiên xuất hiện trong một phiên giải trình ở nghị trường, Chủ tịch Hội Cựu TNXP Việt Nam Nguyễn Anh Liên không giấu được xúc động và cả bức xúc: “Lực lượng TNXP đã cống hiến, hy sinh cho cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, giữ nước có được coi là người có công hay không?” - vừa đặt câu hỏi thì chính ông lại tự trả lời “Không có một văn bản nào ghi nhận cả, huân-huy chương cũng không có”. 60 năm qua, lực lượng TNXP mới có 5 người được tặng danh hiệu AHLLVT.

 

Kết thúc phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH Trương Thị Mai đề nghị, trước mắt nếu tiền dự phòng còn, thì cố gắng hoàn thành trước tết 80.000 căn nhà cho người có công. Bà cũng đề nghị, phải tập trung rà soát thủ tục để không bỏ sót bất cứ trường hợp nào. Đối với mức trợ cấp, Chủ nhiệm ủy ban cho rằng có tăng nhưng tăng chậm và bà đề nghị Bộ LĐ-TB&XH rà soát lại, để mức hỗ trợ “về mức sống trung bình”. Riêng đối với vấn đề Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Chủ nhiệm Trương Thị Mai đề nghị phải sơ kết nhanh, cố gắng cuối năm nay giải quyết được 90% các trường hợp, cả ở việc trợ cấp hằng tháng cũng như việc phong tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

 

Theo Anh Đào
 Lao động