1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

TT - Huế:

Thanh lý gần hết bộ phận của máy bay chiến đấu vừa được trục vớt

(Dân trí) - Thượng tá Phạm Thành Vinh, Chỉ huy trưởng BCH quân sự huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế, trao đổi như vậy về “số phận” của chiếc máy bay nghi từ thời chiến vừa được trục lên 2 ngày qua.

Hai bộ phận còn khá nguyên vẹn là cánh quạt và bộ lốp của chiếc máy bay vừa được trục vớt sẽ được giữ lại. Các phần khác, theo thượng tá Vinh, do đã bị mục nát quá nhiều, không thể nhận dạng nữa nên sẽ được thanh lý cho 1 đơn vị doanh nghiệp trục vớt ở Đà Nẵng.

Trước đó, vào ngày 26/4, các bộ phận của chiếc máy bay thời chiến cổ, dưới sự giám sát của Ban chỉ huy quân sự huyện Phú Lộc, đã được đào bới, trục lên từ dưới bãi biển của khu du lịch Biển Ngọc, thị trấn Lăng Cô. Chiếc máy bay này người dân đã phát hiện nhiều năm nay nhưng không có điều kiện đưa lên. Vào chiều 27/4, toàn bộ các linh kiện của máy bay được đưa lên xe chở vào Đà Nẵng.

Phần quạt và lốp khá nguyên vẹn sẽ được ưu tiên giữ lại
Phần quạt và lốp khá nguyên vẹn sẽ được ưu tiên giữ lại

Dư luận đặt câu hỏi, liệu một mẫu vật máy bay thời xưa có thể cho là quý về giá trị lịch sử, trục xong phải giữ lại để nghiên cứu, sao lại bán (thanh lý) gần như toàn bộ cho doanh nghiệp đi trục vớt? Thượng tá Vinh trả lời: “Sau khi được sự chỉ đạo của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh giao chúng tôi lập hội đồng thẩm định, xét theo quan điểm của Bộ chỉ huy đưa ra, nếu vật liệu là đạn bom thì thu hồi, nếu còn nguyên mẫu vật thì giữ lại, đưa vào bảo tàng, còn phế liệu thì thanh lý. Máy bay này chỉ là phế liệu với các mảnh nhôm và một số mảnh vụn khác. Chúng tôi sẽ thanh lý gần hết mẫu vật máy bay để trả công họ đào bới lên”.

“Máy bay có thể từ Pháp thuộc, chứ không phải từ Mỹ. Sau khi xem lại các hình ảnh thì thấy đây có thể là loại máy bay Dakota (một loại máy bay vận tải thời Pháp thuộc, chuyên chở hàng cho chiến dịch Điện Biên Phủ - có cánh quạt hai bên - PV). Vì máy bay trực thăng thì không có lốp, còn máy bay phản lực thì không có chong chóng. Còn các trận đánh của Mỹ thì tôi không thấy tài liệu này có liên quan đến chiếc máy bay này”, Thượng tá Vinh cho biết.

Phần quạt và lốp khá nguyên vẹn sẽ được ưu tiên giữ lại
Chiếc máy bay vận tải Dakota thời Pháp thuộc (ảnh: internet) nghi là nguồn gốc của máy bay vừa được trục lên ở bãi biển Lăng Cô - Huế vừa qua

Cũng theo Thượng tá Vinh, người dân ở Lăng Cô đã thấy xác chiếc máy bay trên ở ngoài biển, cách bờ khoảng 1km trước năm 1975 – khoảng năm 1960-1964, sau đó, do dòng chảy thay đổi, chiếc máy bay đã bị đẩy vào bờ và bị chôn dưới cát từ 3-6 mét cho đến nay.

Trả lời phóng viên câu hỏi “liệu các phần máy bay này có giá trị về mặt lịch sử cũng như có nhiều kim loại quý hay không?”, thượng tá Vinh cho là không có giá trị lắm vì giờ xác máy bay cũng không còn gì, như tờ giấy bị mục ra hết. “Tôi cũng không thấy các nhà nghiên cứu, cán bộ liên quan đến bảo tàng, lịch sử cách mạng về đây xem xét gì”.

Trong vài ngày tới, hội đồng xem xét “số phận” chiếc máy bay trên sẽ đi vào Đà Nẵng, bàn luận các phương án đã định và giữ lại 2 phần là cánh quạt, bộ lốp của chiếc máy bay trên.

Đại Dương