Thành lập Ủy ban tư pháp có chức năng chống tham nhũng

(Dân trí) - Thành lập mới 4 ủy ban (trên cơ sở tách ra từ 2 ủy ban cũ) trong đó Ủy ban tư pháp có chức năng chống tham nhũng là một trong những nội dung sửa đổi một số điều của Luật Quốc hội. Nhiều người hy vọng Ủy ban tư pháp của Quốc hội sẽ đấu tranh hiệu quả với tình trạng tham nhũng đang rất phổ biến hiện nay.

Thành lập thêm 4 ủy ban của Quốc hội

 

Theo dự án luật sửa đổi sẽ trình Quốc hội (QH) trong kỳ họp tới, việc thành lập mới Ủy ban pháp luật và Ủy ban tư pháp trên cơ sở phân định lại nhiệm vụ của Ủy ban pháp luật hiện nay là do khối lượng công việc mà Ủy ban pháp luật đang đảm nhiệm rất lớn. Hơn nữa, lĩnh vực giám sát, nhất là giám sát hoạt động tư pháp (của các cơ quan điều tra, kiểm sát, tòa án, thi hành án…) ngày càng tăng. Đặc biệt là sau khi QH thông qua Luật phòng chống tham nhũng. Chính vì vậy, QH giao thêm cho Ủy ban tư pháp nhiệm vụ giám sát, phát hiện và xử lý tham nhũng, đẩy mạnh hơn nữa cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm.

 

Bên hành lang kỳ họp UBTVQH, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Văn Yểu phân tích: “Nếu tập trung tất cả vào Ủy ban pháp luật thì sẽ không làm xuể, chính vì vậy, sẽ tách hẳn Ủy ban tư pháp để tập trung cho việc giám sát hoạt động của các cơ quan tư pháp và giám sát để phát hiện và xử lý tham nhũng”.

 

Ngoài ra, còn có 2 ủy ban mới được thành lập là Ủy ban kinh tế và Ủy ban tài chính trên cơ sở Ủy ban kinh tế và ngân sách hiện nay.

 

Ban soạn thảo giải trình: “Việc thành lập các ủy ban này không tạo thêm tổ chức rườm rà và không làm tăng thêm biên chế hành chính vì số lượng thành viên các ủy ban vẫn chỉ trong số các đại biểu QH được bầu”.

 

Quan điểm thành lập thêm Ủy ban tư pháp nói riêng và các Ủy ban pháp luật, Ủy ban tài chính, Ủy ban kinh tế và ngân sách nhận được sự đồng thuận cao của các thành viên UBTVQH.

 

Bỏ phiếu tín nhiệm: sửa hay không?

 

Cũng về nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều luật tổ chức QH, qui định về bỏ phiếu tín nhiệm với người giữ chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn sửa đổi theo hướng giảm số đại biểu đề nghị xuống còn 5-10% (qui định hiện hành, việc bỏ phiếu tín nhiệm chỉ được thực hiện khi có 20% tổng số đại biểu QH kiến nghị hoặc kiến nghị của HĐ dân tộc, Ủy ban của QH nhưng cũng cần có ý kiến bằng văn bản của ít nhất 20% tổng thành viên) nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp.

 

Chủ tịch hội đồng dân tộc QH Tráng A Pao thẳng thắn: “Chúng ta đã làm đâu mà sửa. Qui định này chúng ta đã có nhưng chưa làm, giờ lại sửa là sao?”. Chủ tịch Nguyễn Văn An đồng tình: “Chúng ta rút xuống còn 5%, vậy lúc đó cũng  không làm được thì thế nào? Có những chỗ phát phiếu sẵn mà các đồng chí còn không dám làm. Bây giờ nhiều người không dám nói sự thật, không mạnh dạn…”.

 

Về nội dung sửa đổi theo hướng tăng số đại biểu chuyên trách lên 40% (so với 25% như hiện nay), ông Tráng A Pao cho rằng, tăng đại biểu chuyên trách nhưng quan trọng hơn là cần quan tâm đến chất lượng bộ máy giúp việc. Đó phải là những chuyên gia giỏi, chuyên sâu thì đại biểu chuyên trách mới hoàn thành tốt công việc.

Nói về đại biểu chuyên trách và đại biểu kiêm nhiệm, Chủ tịch Nguyễn Văn An đặt câu hỏi: “QH ta làm việc được bao nhiêu phần trăm theo qui định của hiến pháp và pháp luật? dân giao cho chúng ta vậy chúng ta làm được bao nhiêu phần trăm? Với đại biểu kiêm nhiệm, luật qui định phải dành 30% thời gian, đại biểu làm hết mình thì cũng chỉ đạt được 30%. Như vậy là còn 70% nữa ta chưa làm tròn nhiệm vụ trước dân. Dân bầu chúng ta vậy mà ta để lại 70% công việc ở sau lưng”.

 

Cũng trong buổi chiều 3/5, UBTV cũng xem xét việc sửa đổi bổ sung chức danh Tổng thư ký QH  và quy định lại nhiệm vụ của đoàn thư ký để chuẩn bị trình QH kỳ họp tới.

 

Đức Hòa