1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Thanh Hóa tổ chức cấm biển ứng phó với bão số 7

Duy Tuyên

(Dân trí) - Hơn 7.000 phương tiện tàu thuyền cùng hàng chục nghìn lao động của Thanh Hóa đã và đang vào nơi tránh trú bão. Tỉnh Thanh Hóa cũng đã có công điện khẩn về việc ứng phó với cơn bão số 7.

Theo cập nhật mới nhất từ Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa, đến đầu giờ chiều ngày 13/10, tất cả 7.211 phương tiện tàu, thuyền của Thanh Hóa đều đã nắm được thông tin về cơn bão số 7, đồng thời duy trì liên lạc với đất liền. Các phương tiện đã và đang trên đường vào nơi tránh trú an toàn.

Thanh Hóa tổ chức cấm biển ứng phó với bão số 7 - 1
Hơn 7.000 phương tiện tàu thuyền cùng hàng chục nghìn lao động của Thanh Hóa đã và đang vào nơi tránh trú bão.

Theo đó, đã có 7.000 phương tiện với 25.378 lao động vào nơi tránh trú bão an toàn. Trong đó có 109 phương tiện với 522 lao động đã vào các âu, bến tránh trú của tỉnh Thanh Hóa, số phương tiện và lao động còn lại đã vào tránh trú tại các nơi tránh trú bão của thành phố Hải Phòng, các tỉnh: Hà Tĩnh, Nghệ An, Ninh Thuận, Bình Thuận và Bình Định.

Ngoài ra, còn 211 phương tiện với 1.238 lao động vẫn đang trên đường vào bờ, mỗi ngày đều duy trì liên lạc 2 lần với đất liền qua các kênh thông tin và Đài Thông tin Duyên hải.

Cũng trong ngày 13/10, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa có công điện khẩn về ứng phó với cơn bão số 7.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các địa phương, các ngành và đơn vị liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa, lũ; thông tin, cảnh báo kịp thời đến chính quyền địa phương và người dân biết để chủ động triển khai các biện pháp phòng, tránh, ứng phó có hiệu quả, tránh tư tưởng chủ quan.

Thường xuyên cập nhật thông tin, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra, không đi vào khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú.

Thanh Hóa tổ chức cấm biển ứng phó với bão số 7 - 2
Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa yêu cầu thường xuyên cập nhật thông tin, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra, không đi vào khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú.

Tổ chức kiểm đếm và giữ liên lạc thường xuyên với các tàu, thuyền đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của bão, kể cả tàu vận tải, tàu du lịch; kiểm tra, hướng dẫn việc neo đậu tàu, thuyền tại bến và các khu vực cửa sông, di chuyển, gia cố đảm bảo an toàn, giảm thiệt hại và không được để người ở lại trên các phương tiện, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy, hải sản.

Đồng thời, tổ chức hướng dẫn đảm bảo an toàn cho khách du lịch dọc ven biển, các hoạt động kinh tế trên biển, ven biển. Tổ chức cấm biển từ 19h ngày 13/10/2020 đến khi bão suy yếu và tan dần.

Kiểm tra, rà soát, chủ động sơ tán các hộ dân đang sống tại các khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực ven sông, suối, bãi sông, hạ lưu hồ đập, vùng trũng thấp, khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất để đảm bảo an toàn cho người và tài sản.

Riêng khu vực ven biển, cửa sông phải rà soát và chuẩn bị sẵn sàng sơ tán dân theo phương án đã lập khi có lệnh.

Tổ chức kiểm tra bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập; nhất là các công trình bị sự cố, đang thi công dở dang, hồ đập xung yếu, hồ đập nhỏ đã đầy nước, có nguy cơ mất an toàn cao; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng ứng phó, xử lý khi có tình huống xảy ra…

Thanh Hóa tổ chức cấm biển ứng phó với bão số 7 - 3
Tổ chức kiểm tra bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập; nhất là các công trình bị sự cố, đang thi công dở dang, hồ đập xung yếu, hồ đập nhỏ đã đầy nước...

Chủ động triển khai lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; triển khai các biện pháp không để người dân vớt củi trên sông, suối khi mưa, lũ.

Kiểm tra cụ thể phương án “4 tại chỗ”, trong đó chú trọng tích trữ lương thực, nhu yếu phẩm, phương tiện cứu nạn để phòng trường hợp mưa, lũ gây chia cắt dài ngày.

Rà soát phương án, sẵn sàng triển khai ứng phó, cứu hộ, cứu nạn và khắc phục kịp thời hậu quả thiên tai; đảm bảo thông tin liên lạc, chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.

Các thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh chủ động đến các địa bàn được phân công phụ trách để chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, thường xuyên báo cáo tình hình về Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa.