1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Thánh” hiện... khắp làng

Người dân thôn Lưu Khánh, xã Phú Dương, huyện Phú Vang (Thừa Thiên - Huế) đạp xích lô, đi xe thồ, chằm nón, mưu sinh chật vật. Nhưng gần đây, hàng chục người trong ngôi làng nhỏ này bỗng thành “thầy”, thành “cô”, biết xua tà đuổi quỷ, tiên tri vận hạn…

“Cô” Dâu, “Thầy” Sáng đang hành nghề...

“Cô” Dâu, “Thầy” Sáng đang hành nghề...

 

“Du xuân làng bói”

 

Xé màn sương xuân lơ lửng, tôi đi tìm thôn Lưu Khánh cho mắt được thấy những lời đồn thổi. Tới đây, nghe bà Trần Thị S. (59 tuổi) cho biết: “Chị muốn xem thì phải hỏi tên các “thánh” chứ hỏi chung chung tôi biết đường nào mà chỉ. Nào cô Dâu, thầy Sáng, thầy Vầy, thầy Hợp, cô Út, bà Hương… chị định tới đâu?”.

 

Chỉ mới nghe điểm danh, tôi cùng đồng nghiệp đã choáng váng: “Chị cho em địa chỉ đông người tới xem nhất”. Không cần suy nghĩ thêm, bà S. vồn vã: “Thì đấy, chị qua cầu Lưu Khánh, đâm thẳng, thấy ngã tư rẽ trái là tới nơi”.

 

Lối nhỏ vào nhà xe số, xe ga ken kín hết đường ngang lối dọc, sân nhà hàng xóm cũng được tận dụng để gửi xe. Tiến thêm vài bước, cảnh người đứng kẻ ngồi la liệt trong khói hương nghi ngút từ cổng vào chiếu bói. Tại đây, dễ cũng có 40 – 50 người đang mòn mỏi đợi tới lượt.

 

“Quý bà” xăm lông mày, trang điểm tỉ mỉ vận bộ đồ trắng, ngồi xếp chéo chân, tay liên tục gạt tàn thuốc, miệng phì phà khói. Trên chiếu bói lúc này, các khay giò gà chừng 30 cặp đã sẵn sàng.

 

Anh Đào Huy D. (24 tuổi, trú huyện Hương Trà, Thừa Thiên Huế) thủ thỉ: “Mới sáng mà đây đã là khay giò thứ 2 rồi. Mỗi ngày như vậy bà xem khoảng 10 khay. Người đông như kiến cỏ, tốt nhất chị nên về đi, trưa ghé lại chưa chắc đã tới phiên”.

 

D. dắt bạn gái đi xem ngày cưới, từ 4h30, 2 người đã lần đường về nhưng đến nơi thì thềm nhà bà Dâu không ních thêm người được.

 

Mọi người ngồi quây tròn thành từng lớp. Lúc này, ông Phan G. (49 tuổi, doanh nhân ở TP Đông Hà, Quảng Trị) ngồi ngay ngắn đợi nghe “cô” phán. Bà Dâu cầm cặp giò mà ông đánh đường gần 60 chục cây số tới từ hôm qua ngủ lại giờ mới “may mắn” được xem.

 

“Giò trắng hớn như thế ni, ngón cái của giò quắp queo chỉ vào đường sinh mạng. Nam cẩn thận khỏi đổ bệnh, không tai qua nạn khỏi được. Năm nay, tiền chữa bệnh không biết chừng nào cho đủ”.

 

Rồi vừa lắc đầu bà vừa bồi thêm: “Ta ở cửa Thánh song ta khuyên ngươi nên gửi đứa con 6 tuổi ở cửa Phật. Anh nói nó không đau ốm gì nhưng ta lại thấy bệnh bẩm sinh không chữa được. Liệu đó mà dâng sao giải hạn đi”. Nghe bấy nhiêu, ông G. đứng dậy đặt 100 ngàn đồng lên dĩa đựng lễ trên am, trán mồ hôi lấm tấm, ra về.

 

Người khác vào ngồi hầu, bà ho khan rồi kêu rin rít: “Ôi chao, nói nhiều quá ta mệt rồi. Thánh ở đâu về giúp ta với”.

 

Xong bà Dâu nhắm nghiền mắt, hút 1 hơi thuốc rồi mới tẩn mẩn, nhăn mặt xem giò gà. Đặc điểm chung là cặp thì bà chê trắng, cặp thì bà chê không được vàng… mà từ cặp giò gà bà “nghiệm” đủ thứ bệnh: Đau lưng, mỏi gối, mất ngủ, con cái học hành không ra gì, gia đạo bất an, lại đúng những căn bệnh mà không ai tránh khỏi.

 

Xe người xem bói dựng đầy đường.
Xe người xem bói dựng đầy đường.

 

Làng “lắm thầy rầy ma”

 

Rời khỏi không khí ồn ào, nóng nực của nhà bà Dâu, chúng tôi tạt qua nhà ông thầy Vây. Bên trong gian phòng, cũng có rất đông người đang bao bọc lấy một người đàn ông chừng ngoài 45 tuổi. Thỉnh thoảng, thầy lại cầm cặp giò gà rồi lẩm bẩm như người đọc sớ, niệm chú không biết bằng ngôn ngữ gì.

 

Cách nhà thầy Vây, thầy Hợp không bao phút đi bộ là nhà thầy Sáng, người có “lượng khách không phải đông đúc như cô Dâu, thầy Vây nhưng toàn khách “sộp”, chị Hoàng Thị T (32 tuổi, bán vé số), mách nhỏ. Thầy đang tiếp 2 “thiếu gia” đi xem tài lộc đầu năm cho công ty.

 

“Đưa tay thầy xem nào. À, tay này giữ được tài cho công ty đây”. Xong thầy tản mạn sang các công ty tư nhân khi phỏng vấn thường ngoài năng lực còn xem “tướng, số” có giữ được của cho công ty mình không.

 

Bất chợt, thầy phán: “Nhưng mà nếu muốn cầu tiến thân thì năm nay chưa phải lúc nhé. Hiểu lời thầy nói không? Muốn giải hạn làm 3 mâm cơm đủ gà, đủ lợn, hoa quả tới đây thầy làm cho. Chuẩn bị chừng 4 triệu là vừa. Giờ cậu hay lo lắng, mắc chứng đau đầu hử? Tối nay về thắp 3 cây hương khấn 4 phương trời 10 phương Phật là hết ngay”.

 

Vị “thiếu gia” nọ gật gù: “Dạ, phải. Thầy nói phải ạ. Để con về bàn bạc với gia đình rồi tính”. Xem xong, anh không ngần ngại rút hầu bao đặt lễ 200 ngàn “gọi là” bồi dưỡng cho thầy.

 

Bà Lê Thị H (53 tuổi) trong thôn thấy chúng tôi từ nhà thầy Sáng ra thì chậc lưỡi: “Ôi dào, xóm ni còn có cả chục người bày trò xem xét chứ bụt nhà có thiêng đâu cô ơi. Nghe đâu, nó gạt là được “ơn trên” về độ nhân cứu thế nhưng làm gì có chuyện đó. Người tứ xứ tới tìm hỏi, người xóm giềng ai chẳng biết hồi trước con Dâu chằm nón, thằng Sáng công nhân đông lạnh… tin gì tin vớ tin vẩn”.

 

Bà H. nói chưa dứt lời, một đám thanh niên trạc tuổi sinh viên hồ hởi chạy đến hỏi đường nhà cô Út, bà bực mình quát: “Thừa tiền thì đi làm từ thiện. Đến đó họ bày cho mà cúng quẩy lo lắng đổ bệnh ra. Mệt với tụi bay hỏi đường hỏi xá quá, lại mất an ninh trật tự nhất là ba ngày Tết”…

 

Theo Bảo Hòa
 Pháp luật Việt Nam