Thành Cổ Loa đang… biến mất
(Dân trí) - 4km chiều dài vòng thành “không cánh mà bay”. Gần 400 hộ dân với muôn ngàn kế sinh nhai đã biến Cổ Loa - thành ốc duy nhất trên thế giới với niên đại từ thế kỷ III trước Công nguyên - trở nên xơ xác...
Nguy cơ Cổ Loa biến mất không còn là điều phải nghi ngờ nếu tình hình bảo tồn, bảo tàng, tu bổ cứ “giậm chân tại chỗ” như hiện nay.
Thành Cổ Loa… vật vờ chờ tu bổ
Sau đợt tổng kiểm tra của Cục di sản - Bộ Văn hóa Thông tin (VHTT) phát hiện thấy diện tích vòng thành Cổ Loa bị thu hẹp lại một cách nghiêm trọng: từ 15,4km xuống còn 11,8km. Cùng với việc Cổ Loa bị “tàn phá” bởi gần 400 hộ dân sống quanh đó, UBND Thành phố Hà Nội đã đề nghị chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và chính quyền các cấp tiến hành kiểm tra, xử lý vi phạm đồng thời tổ chức tu bổ khu di tích Cổ Loa.
Năm 1994, Dự án bảo tồn, tôn tạo khu di tích Cổ Loa được khởi động. Tuy nhiên 3 năm sau, đến năm 1997 mới có báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án “Đầu tư, bảo tồn và khai thác di tích Cổ Loa” với diện tích 484ha. Đến năm 2002, một bản quy hoạch chi tiết khu vực Cổ Loa do UBND thành phố Hà Nội lập lại đưa phạm vi quy hoạch lên đến hơn 830ha (gần gấp đôi so với dự kiến ban đầu).
Kế hoạch lại bị dừng lại cho đến năm 2005 để chủ đầu tư sửa chữa, bổ sung dự án. Chỉ đến khi những người yêu mến khu di tích này lên tiếng thì Sở VHTT Hà Nội mới cho biết đang bổ sung, hoàn chỉnh dự án với tên gọi “Quy hoạch và phát huy giá trị khu di tích Cổ Loa”. Nhưng dự án bao gồm 13 dự án thành phần này sẽ kéo dài đến tận năm 2015 với ba giai đoạn: 2006 - 2008, 2008 - 2010, và 2010 - 2015.
Trước tình hình này, ông Nguyễn Trọng Tuấn, Chánh văn phòng ban chỉ đạo 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội chua chát buông được một câu: “Quá chậm!”. Không chỉ vậy, ngay trong công tác quản lý cũng thể hiện nhiều sự lúng túng, bất cập.
Năm 1995, huyện Đông Anh bàn giao khu di tích Cổ Loa cho Sở VHTT, Sở giao lại cho Ban Quản lý di tích và danh thắng. Tuy nhiên, do phải lập nhiều hồ sơ, tổ chức xếp hạng dự án, triển khai tu bổ tôn tạo hàng chục di tích,… nên ngay lập tức, Ban quản lý di tích và danh thắng “đẩy trách nhiệm” sang cho Ban Quản lý khu di tích Cổ Loa.
Sự đùn đẩy (có thể coi là thiếu trách nhiệm này) vô hình chung đã “đem con bỏ chợ”, và Cổ Loa cứ thế... vật vờ chờ đợi từ ngày này sang ngày khác.
Bao giờ cho đến... bao giờ?
Cổ Loa là tòa thành ốc hoàn chỉnh và cổ nhất của Việt Nam, cũng là tòa thành xoáy ốc duy nhất trên thế giới. Tuy nhiên, hiện nay, vi phạm của các hộ dân xung quanh đã khiến Cổ Loa không còn giữ được vẻ đẹp cấu trúc ban đầu.
Các khu di tích Đền An Dương Vương, Am Mị Châu... dù đã được tu bổ, nhưng vẫn trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Diện tích vòng thành ngày càng bị thu hẹp do nhiều nhà dân ngày càng được mở rộng, những nhà cao tầng được xây lên ngay trên mặt thành. Đặc biệt, phần đồi đất nằm ngay gần UBND xã Cổ Loa được coi là trung tâm của di tích cũng đang bị các hộ kinh doanh biến thành những quán cà phê, giải khát...
Hỏi tại sao lại có tình trạng chiếm dụng đất một cách trắng trợn như vậy, ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Ban quản lý Khu di tích lịch sử Cổ Loa, TP Hà Nội trả lời: “Đây là đất của cha ông để lại và đã được cấp sổ đỏ, bởi vậy, người dân có quyền xây dựng và tổ chức kinh doanh. Bên cạnh đó, từ trước tới nay, chưa có một văn bản nào nói về quy hoạch Khu di tích Cổ Loa. Theo luật đất đai, người dân vẫn có quyền xây dựng”.
Mới đây, Bộ VHTT đã có công văn gửi Chủ tịch UBND TP Hà Nội, đề nghị chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với chính quyền địa phương kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, với tiến độ bảo tồn như hiện nay, có thể Cổ Loa sẽ lỗi hẹn với lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Thương lắm, Mị Châu ơi!
Phương Minh