1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Quảng Trị:

Tháng tri ân trên vùng đất lửa

(Dân trí) – Mỗi khi nhắc đến “mảnh đất thiêng” Quảng Trị, chúng ta lại trào dâng xúc động. Bởi không nơi đâu như Quảng Trị: một tỉnh có tới 72 nghĩa trang liệt sĩ với hơn 61.350 phần mộ..

Mảnh đất thiêng…

Không có nơi đâu như Quảng Trị, một tỉnh có tới 72 nghĩa trang liệt sĩ với hơn 61.350 phần mộ. Hơn 54.200 mộ liệt sĩ được quy tập tại các nghĩa trang liệt sĩ và 7.100 mộ liệt sĩ do thân nhân các liệt sĩ quản lý và chăm sóc. Trong đó, phải kể đến hai nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn và Ðường 9, nơi có hơn 20.000 liệt sĩ đang yên nghỉ. Ngoài ra, còn có 45 công trình nhà bia đánh dấu các địa danh, sự kiện, khắc tên các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trên mảnh đất này.

Thắp hương tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ

Thắp hương tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ


Từ phía Bắc của tỉnh Quảng Trị, ta có thể đến với “mảnh đất thép” Vĩnh Linh, cầu Hiền Lương – sông Bến Hải, nơi chia cắt 2 miền Nam - Bắc, Cồn Tiên – Dốc Miếu của huyện Gio Linh, ngược lên nghĩa trang Trường Sơn, về nghĩa trang Đường 9,…nơi nào cũng ghi nhận những đau thương, mất mát. Hàng vạn cán bộ, chiến sĩ đã vĩnh viễn nằm lại giữa cánh rừng Trường Sơn hùng vĩ.

Cách TP Đông Hà chừng 20 km về phía Nam, chúng ta đến với Thành cổ Quảng Trị - nấm mồ chung của hàng chục ngàn anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống trong trận chiến 81 ngày đêm khốc liệt (từ 28/6 – 16/9/1972). Nơi đây, kẻ thù đã trút xuống 328 tấn bom, hơn 12 vạn viên đạn pháo các loại. Với lượng bom đạn ấy, có thể sánh bằng 7 quả bom nguyên tử. “Cho tôi hôm nay vào Thành cổ/ Thắp một nén nhang viếng người nằm dưới cỏ”. Lời bài hát “Cỏ non Thành cổ” của nhạc sĩ Tân Huyền cứ ngân lên trong những ngày tháng 7, dịp để cả nước tri ân những người con đất Việt đã ngã xuống cho sự trường tồn của dân tộc.

Các anh nằm xuống cho đất nước Việt Nam mãi trường tồn

Các anh nằm xuống cho đất nước Việt Nam mãi trường tồn

Đến với Quảng Trị, từng thớ đất, ngọn cỏ đều thấm đẫm xương máu của các liệt sĩ. Tác giả Phạm Đình Lân từ Hà Nội về thăm lại Thành cổ, khi thắp nhang tưởng niệm các đồng đội đã ngã xuống bỗng trào dâng một nỗi niềm cảm xúc:

Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi
Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ
Trời Quảng Trị trong xanh và lộng gió
Dẫu ồn ào đừng lay động hàng cây.

Nhẹ bước chân và nói khẻ thôi
Thành Cổ rộng sao đồng đội tôi nằm chật
Mỗi tấc đất là một cuộc đời có thật
Cho tôi hôm nay đến nghẹn ngào

Hay cựu chiến binh Lê Bá Dương, một người từng chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị, khi đứng bên dòng Thạch Hãn đã cảm tác những dòng thơ xúc động lòng người:

“Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm.
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm.”

Tôi đã từng gặp và được nghe cựu chiến binh Nguyễn Văn Hợi – một chiến sĩ “Tiểu đoàn K3 – Tam Đảo anh hùng” cùng các chiến binh khác kể nhiều câu chuyện cảm động về cuộc chiến khốc liệt 81 ngày đêm ở Thành cổ, nơi ta và địch giành nhau từng tấc đất. Cả đơn vị của ông đã hy sinh gần hết chỉ còn sống sót một vài người.

Những khu mộ vô danh

Những khu mộ vô danh

Chiến tranh đã lùi xa gần 40 năm, thế nhưng nhiều người lính không còn đủ hình hài để có thể cắm lên mộ một tấm bia ghi tên tuổi, đó là những đau đớn không dễ gì xóa nổi. Các anh đã ngã xuống vì đất nước – “Tên các anh gắn liền với những chiến công bất tử!”.

Tri ân liệt sĩ

Những ngày tháng 7, khắp nơi đang hướng về Quảng Trị để thăm viếng, thắp nén nhang tri ân sự hy sinh cao cả của các anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống vì sự bình yên của dân tộc. Nhiều hoạt động thăm hỏi, tặng quà đối với các gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Bên cạnh đó, công tác chăm sóc, tôn tạo, trùng tu, làm sạch đẹp nhà bia, phần mộ nghĩa trang được Ðảng, Nhà nước, các đơn vị, tổ chức và người dân đặc biệt quan tâm, thể hiện sự tri ân đối với các anh hùng liệt sĩ.

Kính cẩn nghiêng mình viếng các liệt sĩ

Kính cẩn nghiêng mình viếng các liệt sĩ

Đứng trước anh linh của các liệt sĩ, hẳn ai cũng phải rơi nước mắt tiếc thương, các anh đã vĩnh viễn nằm lại với đất mẹ để cho đất nước được trường tồn.

Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn, nghĩa trang đường 9 - nơi yên nghỉ của hơn 20.000 liệt sĩ những ngày qua nhộn nhịp người đến viếng thăm. Ai đến đây cũng kín cẩn, nghiêng mình thắp nén tâm nhang tri ân các anh hùng, liệt sĩ. Nghĩa trang liệt sĩ đường 9 vừa qua cũng đã được tập thể cán bộ, nhân viên ngành tài chính trao tặng hơn 40 tỷ đồng để tôn tạo, nâng cấp nhà bia tưởng niệm và một số hạng mục khác nhằm phục vụ nhân dân đến thăm viếng và để cho nơi yên nghỉ của các anh được sạch sẽ, tươm tất.
 
Các chương trình thả đèn hoa đăng trên dòng Thạch Hãn, ngọn nến tri ân và nhiều hoạt động thăm, viếng các nghĩa trang trên địa bàn là những hoạt động ý nghĩa nhằm ghi nhớ công ơn của hàng ngàn liệt sĩ đã ngã xuống vì tự do dân tộc.

Đăng Đức