Thang thông minh cho nhà “cheo leo” ở Sài Gòn
(Dân trí) - Sau chủ trương lập lại trật tự an toàn hè phố, nhiều bậc tam cấp trên vỉa hè Sài Gòn bị giải toả, khiến không ít nhà trở nên “cheo leo”. Một giải pháp ra vào thông minh ở những ngôi này này là “bậc tam cấp” thông minh, được đặt âm nền.
Cầu thang thông minh được thiết kế đặt ngầm dưới nền nhà, theo đó khi có nhu cầu sử dụng, người dân sẽ kéo thang ra ngoài; còn khi không có nhu cầu, thang được đẩy vào, đặt âm hoàn toàn dưới nền nhà, không lấn chiếm diện tích vỉa hè.
Giải pháp này vừa giúp cho người dân có thể giải quyết tình trạng ra vào ở những ngôi nhà có vị trí “cheo leo”, cao “ngất ngưởng” so với mặt đường giao thông, vừa không lấn chiếm diện tích vỉa hè.
Theo các nhà sản xuất và thi công thiết bị này, vật liệu lý tưởng nhất cho cầu thang thông minh là thép không rỉ. Chất liệu này nhằm đảm bảo vừa có thể chịu được lực của các loại phương tiện lên xuống cầu thang, vừa tránh rỉ sét, do thường xuyên được đặt ngầm và cũng có thể chống chịu được với thời tiết mưa nhiều tại TPHCM.
Góc độ thích hợp nhất khi thiết kế “cầu thang thông minh” này là nghiêng khoảng 30 độ so với mặt đường và nền nhà. Với góc độ này, cầu thang không quá dốc đứng, tạo cảm giác an toàn khi sử dụng. Chính vì vậy, độ dài của cầu thang sẽ phụ thuộc vào độ cao của nền nhà so với mặt đường, theo tỷ lệ góc độ nêu trên.
Ví dụ, nền nhà nếu cao hơn mặt đường khoảng 35 – 40cm, độ dài của cầu thang sẽ dao động từ khoảng 1m - 1,1m. Nếu nền nhà cao hơn nữa, độ dài của cầu thang sẽ lớn hơn, phù hợp với tỷ lệ góc độ chuẩn. Riêng chiều ngang của cầu thang khoảng 50 – 60cm, vừa đảm bảo không quá cồng kềnh, vừa đảm bảo thuận tiện cho các phương tiện di chuyển lên xuống cầu thang.
Trọng Vũ