1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Tháng 7 về Quảng Trị

(Dân trí) - Về đất lửa Quảng Trị tháng 7 này, nắng gió miền Trung khô bỏng vẫn không xua đi được cảm giác lạnh người xót xa trước hàng chục ngàn ngôi mộ trắng…

Quảng Trị trắng một màu… nghĩa trang

 

Lần đầu vào thăm “khúc ruột miền Trung”, tôi miên man theo những bãi phi lao, bạch đàn và những ngôi mộ trắng khi cận kề, khi thấp thoáng. Suốt chặng đường đi, chỗ nào cũng có những ngôi mộ lớn nhỏ, những nghĩa trang lớn nhỏ. Từ Đông Hà ngược theo quốc lộ 9 tới huyện Cam Lộ, rẽ phải theo đường Hồ Chí Minh… cả một vùng bao la ngập chìm trong màu trắng của 10.263 ngôi mộ của nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn.

 

Nghĩa trang rộng gần 40 ha, chia 5 khu: khu 1 nằm ở trung tâm nghĩa trang trên một ngọn đồi có độ cao 32,4 m gồm 935 ngôi mộ liệt sĩ quê Hà Nội, Bình Trị Thiên và các tỉnh phía Nam; khu 2 gồm 2.268 ngôi mộ liệt sĩ các tỉnh: Hà Tây, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Hoà Bình và các phần mộ tử sĩ; khu 3 gồm 2.131 ngôi mộ liệt sĩ các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang; khu 4 gồm 3.142 ngôi mộ liệt sĩ các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hoá; khu 5 gồm 1.187 ngôi mộ liệt sĩ các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc…

 

Nghĩa trang liệt sĩ Đường 9 cũng “ngang ngửa” với 10.087 liệt sĩ yên nghỉ trên quả đồi mênh mông, lộng gió. Nơi đây có tới  210 ngôi mộ tập thể, trong đó có ngôi mộ chứa 105 người. Chiến dịch ác liệt năm Mậu Thân đã khiến hàng ngàn chiến sĩ quyện xác ở huyện Cam Lộ. Máu thịt của các anh lẫn vào cát bụi, thấm sâu vào từng nắm đất…

 

Tháng 7 về Quảng Trị - 1
 Rất nhiều ngôi mộ của các anh chưa được ghi tên như một nỗi trăn trở của các thế hệ sau này: Phải làm gì để trả lại tên cho các anh? (Ảnh: Việt Hưng)

 

Đứng trên lưng chừng đồi, phóng tầm mắt ra 4 phía, mắt loá một màu trắng đầy ám ảnh. Không biết có ai thống kê xem Quảng Trị có bao nhiêu nghĩa trang và ngôi mộ? Bất chợt tôi nghĩ đến câu chuyện có người hỏi bạn: “Đặc sản của miền Trung là cái gì?”. Một anh bạn đùa: “Đặc sản là thứ ở nơi đó có nhiều và nhắc đến nơi đó người ta nghĩ ngay đến phải không? Vậy thì “đặc sản” của miền Trung là… nghĩa trang”. Biết đấy chỉ là câu chuyện tếu mà sao thấy lòng chua xót quá!

 

Những linh hồn thức

 

Tháng 7 về Quảng Trị - 2

Lễ cầu siêu ở Nghĩa trang đường 9.

Cán bộ nhân viên phục vụ ở nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn vẫn kể cho nhau chuyện mắt thấy tai nghe về những đồng đội đã ngã xuống. Trong giấc mơ họ gặp lại những gương mặt tươi trẻ, tràn đầy nhiệt huyết đã quen thuộc trên những ngôi mộ trắng. Hay những buổi sớm mai, tiếng chuyện trò râm ran như sợi dây vô hình nối giữa hai thế giới tâm linh và thực tại.

 

Ông Hồ Tất Ái - Trưởng Ban quản lý nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn tâm tình, chia sẻ những câu chuyện với khách đến viếng nghĩa trang. Ông kể về đồng đội của mình - những người nằm xuống đã trở thành người thân với cuộc sống của những người chăm nom nghĩa trang.

Chị Bé, chị Nguyệt - người cắt dọn nghĩa trang hơn 30 năm, gắn bó và nhớ tên từng ngôi mộ. Mỗi chị là cả một kho chuyện tâm linh về khu nghĩa trang lịch sử này…

 

Ông Nguyễn Tính - Trưởng Ban quản lý nghĩa trang liệt sĩ Đường 9 kể về những bà mẹ bần thần trước hàng ngàn ngôi mộ mà không biết thân xác khúc ruột của mình ở nơi đâu. Bà cố gắng thắp lên các ngôi mộ nén hương thơm mong sao linh hồn đứa con trai bé bỏng cảm thấy yên lòng.

 

Với hàng ngàn ngôi mộ, những ngôi mộ ở gần thì không sao, những ngôi mộ ở xa khó bề hương khói. Về điều này, ông Tính an ủi rằng những người trông nom nghĩa trang vẫn cắt cử nhau thắp đều các ngôi mộ vào những dịp lễ. Ông luôn tâm niệm, dù người đã mất nhưng cái tình cái nghĩa vẫn phải trọn vẹn, đủ đầy.

 

Thơm thảo chuyện đạo, chuyện đời

 

Hàng năm, cứ ngày lễ tết, đặc biệt dịp 27/7 thân nhân các liệt sĩ xuôi ngược tìm về đây để tưởng nhớ đến những người đã khuất. Những nén hương nghi ngút như tấm lòng thành kính gửi đến người thân đã hi sinh vì nước nhà.

 

Tháng 7 về Quảng Trị - 3

Nước mắt khóc người ngã xuống, thương người ở lại...

(Ảnh: Việt Hưng) 

 

Chiến tranh đi qua hơn 30 năm vẫn chưa lau khô giọt nước mắt của người mẹ khóc con, người vợ khóc chồng. Hình ảnh những thân cò, thân vạc gày guộc liêu xiêu trong ráng chiều, đổ bóng xuống ngôi mộ tạc sâu trong ánh mắt người coi mộ.

 

Không chỉ thân nhân các liệt sĩ tìm về mà rất nhiều bạn trẻ cũng tìm đến vùng đất lửa, hồi tưởng lại quá khứ hào hùng và dữ dội của dân tộc. Những người con ấy muốn góp chút công sức để xây dựng, tôn tạo các nghĩa trang tươm tất hơn.

 

Trong cuộc hành trình trở lại vùng đất lửa lần này, chúng tôi bắt gặp hình ảnh các cán bộ, công nhân viên Ngân hàng công thương Việt Nam lặng lẽ thắp nén hương thơm cho các liệt sĩ nghĩa trang Trường Sơn, cầu siêu cho các liệt sĩ nghĩa trang Đường 9 và tài trợ gần 2 tỉ đồng để xây dựng 3 nhà bia tưởng niệm ở huyện Phú Vang - Thừa Thiên Huế, huyện Hải Lăng - Quảng Trị và huyện Tuyên Hoá - Quảng Bình. Nghĩa cử đó làm yên lòng người ra đi, ấm lòng người ở lại...

 

Nguyễn Hằng