“Tháng 4 sẽ gỡ xong nút giao Thanh Xuân”
(Dân trí) - Nút giao thông Thanh Xuân, đường vành đai 3 là điểm “nóng” về giải phóng mặt bằng những năm qua. Phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Biền, Trưởng ban GPMB của Hà Nội xung quanh những vấn đề tại nút giao này.
Thưa ông, cho đến thời điểm này vẫn có rất nhiều thắc mắc của người dân liên quan đến thiết kế nút giao Thanh Xuân, đường vành đai 3. Vậy thành phố giải đáp vấn đề này như thế nào?
Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ việc quyết định qui hoạch đến việc quyết định dự án. Trong trường hợp, các cơ quan được Chính phủ giao nhiệm vụ thì đó cũng là thẩm quyền.
Ở đây, Chính phủ đã giao cho Bộ Giao thông Vận tải và Hà Nội thiết kế nút giao Thanh Xuân. Việc thiết kế, điều chỉnh nút này nhỏ lại là căn cứ vào tình hình giao thông, căn cứ vào kiến nghị của dân, căn cứ vào thực trạng qui hoạch cũng như gắn kết giữa qui hoạch giao thông bộ, giao thông sắt, vấn đề hạ tầng chung thành phố.
Trưởng ban giải phóng mặt bằng TP Hà Nội Nguyễn Đức Biền.
Nút giao thông Thanh Xuân thu nhỏ lại vẫn nằm trong tổng thế nút thiết kế cân ban đầu, không phát triển ra bên ngoài… Hiện Bộ GTVT đã có dự thảo qui hoạch nút và tới đây, Bộ cùng thành phố sẽ cùng kí kết. Đó sẽ là văn bản cuối cùng để khẳng định với người dân và các đại biểu Quốc hội.
Nhưng nhiều người dân cho rằng, dù thiết kế nút nhỏ hơn, việc thu hồi đất lại lớn hơn so với dự kiến trước đây?
Có thể người dân hiểu chưa đầy đủ. Khi quyết định thu hồi đất, Hà Nội phải tính tổng thể luôn nút đường bộ này cộng với tuyến đường sắt Hà Nội - Hà Đông đang chuẩn bị khởi công, tức phải lồng trong đó ga của tuyến đường sắt.
Chúng tôi phải làm luôn, chứ không thể hôm nay xén nhà dân một tí, đến ngày mai làm ga lại xén lần nữa, khổ cho người dân.
Thu hồi đất ở đây phục vụ cho các dự án giao thông đi qua nút, nhưng dù thế nào đi nữa vẫn nằm gọn trong nút đã triển khai từ 2001.
Một vấn đề nữa khiến không ít người dân chưa đồng tình là chỉ giới đường đỏ của đường vành đai 3 đi qua Thanh Xuân, nơi 68 m, nơi 71m, nơi lại 75m?
Về điều này, Thủ tướng đã nói rõ tại văn bản số 140, ngày 4/2/2002. Thủ tướng đã giao cho Bộ trưởng GTVT cùng với Chủ tịch UBND TP Hà Nội xem xét quyết định và chịu trách nhiệm về việc mở rộng chỉ giới giải phóng mặt bằng và chỉ giới xây dựng một số đoạn thuộc dự án vành đài 3 Hà Nội đoạn Mai Dịch - Pháp Vân phù hợp với chỉ giới đường đỏ trong qui hoạch chung của TP và qui hoạch chi tiết các khu vực để xây vỉa hè, hành lang cây xanh và các công trình giao thông tĩnh.
Khi phóng tuyến cho một tuyến đường người ta chỉ nói mặt cắt điển hình thôi. Đi vào cụ thể cắm, phải xác định cái qui hoạch, cái chỉ giới đã cấp mà bây giờ xác định đó là từ thực tiễn. Cho nên cái chung là 68m như thế, nhưng cũng có chỗ 73, có chỗ 71m, do căn cứ vào thực tế đã triển khai những công trình vĩnh cửu ở đây từ trước rồi.
Về đền bù, giải phóng mặt bằng ông đã nói, thành phố cố gắng vận dụng tối đa cơ chế, chính sách để giải quyết quyền lợi cho người dân. Ông có thể nói cụ thể về điều này?
Việc đảm bảo chính sách có lợi đặc thù cho dân ở đây từ năm 2006 như thế nào, bây giờ cũng sẽ thực hiện như thế. Giá nhà tái định cư trước đây thực hiện theo quyết định 15 có tính bao cấp tương đối, hiện nay, giá cả vật liệu lên, nhưng thành phố vẫn cho áp dụng theo quyết định này.
Thứ hai, đất không đủ điều kiện đền bù theo qui định của luật, nếu ở ổn định, hợp lệ từ trước 15/10/1993 sẽ được hỗ trợ 50% với 60m2 ban đầu, 60m2 tiếp theo hưởng 30%, còn lại tính theo giá đất nông nghiệp… Nếu ở từ 15/10/1993 đến 1/7/2004 được 30% đối với 60m2 ban đầu.
Thực tế khu vực này, một số trường hợp tự chuyển đổi đất nông nghiệp cũng được xem xét. Nhiều hộ do HTX và UB xã cho thuê làm ki ốt có 12m2, nhưng do quản lí lỏng lẻo, người dân tự lấn chiếm, bây giờ lên tới hàng trăm m2 vẫn được chấp nhận xem xét để hỗ trợ.
Những trường hợp đã mua bán, đang ăn ở trên đất đó, không đủ điều kiện để bồi thường, chỉ được hỗ trợ thành phố cũng cho phép tái định cư. Trong trường hợp trước thời điểm có quyết định thu hồi đất, anh tách khẩu hoặc số nhân khẩu đông, có nhu cầu ở đích thực thì được xét mua hai căn tái định cư với diện tích theo qui định…
Ông cho rằng, thành phố đã có nhiều ưu ái, nhưng tại sao nhiều người dân vẫn không đồng ý?
Dự án trên 1.400 hộ dân liên quan tại quận Thanh Xuân đã giải quyết được trên 1.000, còn lại một số hộ cá biệt không đồng tình và có kiến nghị. "Lý" của những hộ này là đất của họ được đền bù chứ không phải thuộc diện hỗ trợ.
Việc này TP Hà Nội vẫn xác định, lợi ích của người dân phải được bảo đảm. Ở đây, không phải thành phố không chấp nhận mà vấn đề là anh phải chứng minh được nguồn gốc đất.
Lần này, thành phố có đặt ra tiến độ hoàn thành giải phóng mặt bằng tại nút giao thông này không?
Trong số 346 hộ dân ở đây, đã có 200 hộ kê khai, kê nhận, cung cấp tài liệu… đến nay quận Thanh Xuân đã phê duyệt phương án dự thảo và công khai.
Với 136 trường hợp không tự kê khai, thực hiện theo qui định của luật, quận căn cứ hồ sơ, số liệu của mình, quận đã công khai phương án cho các hộ dân…
Dự kiến tháng 4, chúng tôi sẽ hoàn thành việc giải phóng mặt bằng tại khu vực này.
Xin cám ơn ông!
Cấn Cường (thực hiện)