1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Thân phận những đứa trẻ Việt nhập cư lậu vào Anh

Đến cả cơ quan Cứu trợ trẻ em của Anh Quốc đóng tại Việt Nam cũng khá bất ngờ khi được hỏi về việc một bé gái 14 tuổi từ Hải Phòng bị đưa sang London. Theo họ, lâu nay chỉ nổi lên tình trạng buôn bán phụ nữ và trẻ em sang Campuchia, Trung Quốc, Malaysia…, còn ở Anh thì "rất ít thông tin".

Tuy nhiên, sau một thời gian phối kiểm nguồn tin, chúng tôi có cơ sở khẳng định đó là sự thật.

 

Vừa qua, bên lề Diễn đàn Thanh niên thế giới 2005 ở Scotland, vợ chồng ông bà John và Felicity Hart gặp Phạm Thị Thanh Nhung (chuyên gia Dự án phát triển cộng đồng của Thụy Sĩ tại Việt Nam). Họ kể cho Nhung nghe chuyện một số trẻ em từ Việt Nam không rõ bằng cách nào có mặt tại London. Các em đang có nguy cơ bị lạm dụng tình dục hoặc bị sử dụng trong các vụ buôn bán, vận chuyển thuốc phiện. Trong đó, đặc biệt nhất là trường hợp một em gái 14 tuổi (em không muốn nêu tên vì lý do an toàn), người Hải Phòng, bị mang sang London bởi một người đàn ông không quen biết(?). Em đang trong tình trạng không ổn định tinh thần mà theo John và Felicity cần có người tư vấn, giúp đưa em trở lại cuộc sống bình thường.

 

Tìm hiểu, Nhung được biết, cách nay 2 năm, cán bộ xã hội ở Anh tìm thấy em gái ấy đang đứng ngơ ngác tại một sân ga ở London. Em được gửi vào một gia đình người Anh và được đến trường học tại thành phố Letchworth, cách London khoảng 40 phút ô tô. Cuộc sống của em cứ tưởng yên bình, nhưng một hôm báo chí thành phố Letchworth đăng tin em bị mất tích ở mục Missing, liên tục trong 3 tháng. Sau những nỗ lực tìm kiếm, cuối cùng cảnh sát London tìm thấy em đang một mình trong một căn nhà lớn dùng làm căn cứ trồng cần sa. Một lần nữa em được giải cứu.

 

Suốt 4 ngày ở Letchworth, Nhung đã cố gắng giúp em gái ấy tìm thấy được mục đích sống tốt đẹp, xác định lòng tin vào cuộc sống. Theo Nhung, giờ đây trong căn nhà mới, em gái quê Hải Phòng đang sống với 2 vợ chồng già người Anh tốt bụng. Em tiếp tục theo học lớp 9 tại một trường cấp 2 ở Letchworth. Riêng đường dây của bọn buôn bán ma túy từng khống chế, sử dụng em gái ấy, đã bị cảnh sát London phá vỡ.

 

Có gì ẩn khuất sau câu chuyện này? Được sự giới thiệu của cơ quan Cứu trợ trẻ em của Anh Quốc (Save the children UK Vietnam), chúng tôi đã trực tiếp liên lạc qua thư điện tử với anh Phong Nha (nghiên cứu sinh tại Anh, chuẩn bị bảo vệ luận án tiến sĩ với đề tài "Ảnh hưởng của kinh tế thị trường đối với dân nhập cư đô thị" tại phân viện Royal Holloway, Đại học Tổng hợp London). Từng làm việc cho một dự án về người tỵ nạn tại London, Nha có không ít thông tin về vấn đề này. Anh đã cung cấp một số trường hợp có kịch bản "không gia đình" tương tự mà anh đã tiếp cận cụ thể tại nước Anh.

 

H.M, một bé gái mới lên 10, quê ở Hạ Lý, Hải Phòng, phải luyện những bài nói dối trắng trợn về gia cảnh bi đát. M. kể rằng bố mẹ em đã bỏ đi nước ngoài từ khi mới sinh, em sống với ông, trước khi ông mất đã nhờ người đưa M. qua Anh tìm bố mẹ. Ngoài ông ra, M. chẳng còn ai thân thích cả. Người ta chỉ đưa M. đến Anh rồi bỏ rơi ngoài chợ, may mà một cô Việt Nam "tốt bụng" tìm thấy và đưa lên Bộ Xã hội xin tỵ nạn (thực chất lạm dụng tiền trợ cấp).

 

Tại một trường tiểu học gần chỗ anh ở có đứa bé lên 10 cũng từ Hải Phòng qua đây bằng hộ chiếu giả của đứa em họ trạc tuổi nó. Thằng bé cũng xin trợ cấp theo dạng trẻ "không gia đình" dù anh biết nó có bố mẹ đi cùng hẳn hoi. Mặt nó trông lúc nào cũng buồn rười rượi, trầm tư như một ông cụ non.

 

Anh cũng từng gặp một em gái Quảng Ninh mới 16 tuổi qua Anh một mình mang theo kỳ vọng "làm nên chuyện" của bố mẹ sau khi họ đã chắt chiu tất cả gia sản cho chuyến ra đi của em. Thật tiếc, việc em có "làm nên chuyện" hay không thì anh chưa được chứng kiến, chỉ biết em cũng được đưa đến sống cùng một gia đình "đỡ đầu" người châu Phi và chỉ sau hơn một năm thì em sinh con khi chưa được luật pháp công nhận là người lớn.

 

Anh Nha còn cho biết, vừa qua, anh đã đến nhà tù Feltham, ngoại ô London thăm H. - một thiếu niên Việt - đang bị giam tại xà lim "Con Diệc" do có liên quan đến việc trồng cây tài mà (một loại ma túy). Tại đây còn có 5 thiếu niên Việt nhập cư lậu liên lụy vào những việc luật pháp cấm đang chờ ra tòa xét xử.

 

Để củng cố thêm những thông tin nêu trên, chúng tôi đã liên lạc và nhận được thông tin mới nhất của ECPAT (Tổ chức Ngăn chặn buôn bán và khai thác tình dục trẻ em tại Anh). Họ cho biết, không thể có con số thống kê chính xác về trẻ em Việt Nam nhập cư vào Anh Quốc do đa số không trình báo với Bộ Xã hội để nhận sự trợ giúp mà chúng chỉ cư ngụ bất hợp pháp xen lẫn trong cộng đồng. Thường trẻ em nước ngoài được nhập lậu vào Anh với 3 mục đích chính: phục vụ việc nhà, đưa vào ổ chứa hoặc được nhận làm con nuôi để lợi dụng tiền trợ cấp xã hội của các em. Ngoài ra, chúng cũng được sử dụng vào các "dịch vụ" ăn xin, tội phạm đường phố và buôn lậu ma túy.

 

Riêng về trẻ em Việt Nam, họ có một ít thông tin. Theo đó, một em trai bị bắt tại một cơ sở trồng ma túy khi cơ sở này bị hỏa hoạn. Một em gái 13 tuổi bị đưa vào một nhà chứa nhưng đã phá cửa sổ trốn thoát thành công. Cũng có một số em trai khác làm việc tại các nhà hàng và xưởng sản xuất nhưng chưa bị phát hiện do cảnh sát Anh không chú ý tấn công vào những khu vực này. ECPAT nhấn mạnh: "Không thể có con số chính xác là bao nhiêu. Do tính chất bất hợp pháp của các hoạt động nêu trên nên con số biết được chỉ là phần nổi của tảng băng".

 

Thư London: Những thân phận "rơm"

Hai mẹ con chị Th. người Thái Bình trốn sang Bằng Tường (Trung Quốc) rồi qua Nga, Đức, Hà Lan. Từ Hà Lan, người nhà mang xe ô tô sang đón vào Anh bằng hộ chiếu giả. Đi đường bộ có vẻ dễ lọt hơn vì việc kiểm tra hộ chiếu tại các cửa khẩu châu Âu dễ đến mức sơ hở. Sang đến nơi rồi người nhập lậu mới gọi điện thoại về Việt Nam để người nhà lo trả tiền, cách làm ăn xem ra cũng khá là chắc chắn, "đáng tin cậy". Các "mối" còn hứa hẹn sẽ giúp trọn gói cho cả đi học nghề nữa, nhưng thường là nghề làm móng, giá cả khóa học cũng chỉ từ 200-300 bảng Anh.

Một số người lại ra đi theo đường du lịch rồi ở lại bất hợp pháp bằng nhiều cách. Bà L., một quả phụ ngũ tuần sang đây bằng visa du lịch, chấp nhận làm vợ một ông già đã ngoại lục tuần mắc bệnh tâm thần từ nhỏ. Hằng ngày, ông vẫn rong ruổi chiếc xe đạp cà tàng loanh quanh mấy khu phố nghèo của Luân Đôn với vài đồ đồng nát gác trên xe, hệt hình ảnh những anh chàng vẫn đi đổi bàn là, quạt điện cũ ở Việt Nam.

Số khác đi theo đường du học nhưng không một lần đặt chân đến trường, dù là chỉ học tiếng bản xứ, mà mất hút vào nền kinh tế ngầm. Liều lĩnh hơn thì đi bằng đường hộ chiếu giả, lợi dụng người châu Âu khó nhận ra sự khác biệt trên khuôn mặt châu Á để dùng lẫn hộ chiếu của nhau.

Là xã hội tư bản lâu đời nên sự phân hóa đẳng cấp tại Anh Quốc rất rõ rệt. Mới đây, trong cộng đồng người Việt lại xuất hiện thêm một thuật ngữ mới để nói về người tha hương chui mà cuốn từ điển tiếng Việt mới nhất cũng chưa kịp cập nhật - đó là "rơm".

Nhiều công tử bột con nhà khá giả, ở Việt Nam được cơm bưng nước rót, quần áo thay ra không phải giặt, nay phải trả giá đắt khi qua đây để thành… "rơm". Bị quăng quật vạ vật, nhớ lại thời hoàng kim, họ chỉ còn biết ngồi khóc tiếc nuối. Trong khi đó, ở bên nhà, bố mẹ họ thêu dệt bao nhiêu chuyện để khoe khắp thiên hạ về đứa con thành đạt nơi đất khách.

Một cậu người vùng An Thái, Quy Nhơn, sang đây hằng ngày phải đi dọn giường ngủ cho thiên hạ với tiền công rẻ mạt. Thế nhưng ở quê cậu, chòm xóm đang đồn thổi cậu đã trở thành ông chủ lớn mở cửa hiệu riêng tại London! Thực ra, cũng có một số ít người gọi điện về nhà nói thật về cảnh sống nhưng trớ trêu thay, họ lại bị nhìn với ánh mắt thiếu thiện cảm: "Chắc lại muốn sướng một mình nên bày chuyện như vậy chứ gì!". Nỗi buồn này biết tỏ cùng ai?

 

Điều tra của Đặng Ngọc Khoa

Báo Thanh Niên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm