1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

“Thần dược” yến sào chỉ là… đồn thổi

Với trị giá từ 30-50 triệu đồng/kg, yến sào hay chính xác hơn là tổ yến, bên cạnh là một trong 8 món ăn “cao lương mỹ vị” hay “bát trân” còn được coi như “thần dược” khi chống chất phóng xạ, tăng cường trí nhớ, chống lão hóa, làm giảm bệnh cúm, thậm chí điều trị HIV...

Tuy nhiên, thực tế công dụng của yến có đúng như vậy?

Kết tinh từ… nước dãi

 

Vào những mùa sinh sản trong năm, chim yến thường xây tổ cho mình để chuẩn bị “nằm ổ” và xây khoảng 35 ngày thì xong. Khi “xây”, chim yến dùng nước dãi được tiết ra từ cặp tuyến dưới lưỡi “dệt” thành những phiến mỏng sau đó bện chúng vào nhau như hình cái bát rồi “dính” trên những vách đá cheo leo hay mỏm núi hiểm trở. Chính vì vậy mà việc khai thác tổ yến tự nhiên rất nguy hiểm. Mỗi tổ yến nặng trung bình 7-8g.
 
“Thần dược” yến sào chỉ là… đồn thổi
Món ăn được chế biến từ dãi yến


Trên thế giới, các “cường” quốc về yến là Nhật Bản, Trung Quốc, Triều Tiên, Việt Nam… Trong đó, Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia mạnh nhất không chỉ về yến sào tự nhiên mà cả yến sào do con người tự nuôi. Sau khi khai thác, người ta nhận ra rằng, không phải tổ yến nào cũng giống nhau mà tùy theo “nguyên liệu” làm tổ sẽ phân loại các tổ yến. Tổ yến màu trắng (bạch yến) do chim yến “hàng” tạo nên; Cả chim yến bố và chim yến mẹ cùng làm tổ thì gọi là yến đen do có lẫn 10% lông chim. Còn yến sào được xây từ cả dãi và rác thì gọi là “yến rêu”.

 

Ở Trung Quốc mới phát hiện ra loài yến “hông trắng” có tổ rất lớn nhưng đến 90% là  tạp chất, 10% phần trăm còn lại là yến sào. Tại các hang yến ở tỉnh Vân Nam, người ta vẫn thường thu hoạch tổ chim yến này. Cứ một tổ yến thu được 10g sợi bọt yến sào. Tuy nhiên, giá trị thực của nó chưa biết cụ thể như thế nào nên khi đưa ra thị trường người tiêu dùng rất dễ bị nhầm lẫn khi chọn mua phải yến sào này.

 

Đối với yến sào 100% nguyên chất được lấy từ nước dãi của chim yến mẹ mà không có tạp chất hay lông chim, lại được phân loại theo màu sắc, kích thước và tất nhiên từ sự phân loại đó, giá trị của từng loại cũng khác nhau. Yến loại 1 được gọi là yến “quan” nặng 8-15g có giá từ 35-40 triệu đồng/kg; yến “thiên” nặng 6-7g, giá khoảng 30-35 triệu đồng/kg; yến “bài” nặng 3-5g giá 25-30 triệu đồng/kg. Yến “vụn” và “yến địa” là rẻ nhất chỉ 8-15 triệu đồng/kg vì có nhiều tạp chất nhất.

 

Nhưng đắt nhất vì nhiều dinh dưỡng nhất là yến “huyết” và yến “hồng” có giá tới 50 triệu đồng/kg. Những màu sắc này của yến người ta cho rằng, do vị trí làm tổ mà tạo nên màu sắc của tổ yến. Theo các nhà khoa học và giới khai thác yến sào, yến “huyết” và yến “hồng” chỉ chiếm 10% tổng sản lượng tổ yến trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng hai loại yến này không cao.

 

Chỉ có giá trị dinh dưỡng

 

Trung tâm Công nghệ sinh học, ĐH Thủy sản và Viện Công nghệ Sinh học thuộc Trung tâm Khoa học tự nhiên & Công nghệ quốc gia đã công bố thành phần dinh dưỡng của yến sào. Trong đó có 18 loại acidamin, một số hàm lượng rất cao serine, tyrosine, phenylalanine, proline, acid aspartic… 

 

                                                                               

“Thần dược” yến sào chỉ là… đồn thổi



Ngoài ra, có các khoáng chất rất cần cho cơ thể. Với thành phần dinh dưỡng như vậy, Thầy thuốc Nhân dân, bác sĩ cao cấp Nguyễn Xuân Hướng, nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam và bác sĩ Hoàng Đình Lân, Trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương khẳng định: yến sào chỉ có giá trị duy nhất về dinh dưỡng, đặc biệt ở người già và trẻ em suy dinh dưỡng.

 

Vì yến sào giúp cho hệ tiêu hóa hoạt động tốt, hấp thụ hiệu quả các chất dinh dưỡng và giúp con người có những giấc ngủ ngon. Tuy nhiên, cũng phải dựa trên thể trạng của từng người để sử dụng chứ không phải người nào cũng ăn được yến. Bác sĩ Hoàng Đình Lân cho biết, đã có nhiều trường hợp ăn không đúng cách, ăn quá nhiều đã dẫn đến rối loạn tiêu hóa, phát phì đến nỗi phải đi cấp cứu.

 

Còn những công dụng như điều trị HIV, chống chất phóng xạ, làm giảm các triệu chứng dị ứng, “cải lão hoàn đồng”… theo ông và Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Xuân Hướng chỉ là… đồn thổi. Bác sĩ Hoàng Đình Lân lập luận, nếu cho rằng yến sào giảm các triệu chứng dị ứng, vậy tại sao trong thời gian qua Bệnh viện Y học cổ truyền đã phải tiếp nhận nhiều ca dị ứng chỉ vì… ăn yến sào.

 

Ngay gần đây nhất, cả một gia đình đã phải đến Bệnh viện Y học cổ truyền để điều trị dị ứng. Nguyên nhân là do nhân trong chuyến du lịch sang Thái Lan, gia đình đó đã mua “yến huyết” để “bồi bổ”.  Nhưng không hiểu vì sao chưa ăn hết số yến cả gia đình bị dị ứng đầy mình? Bởi vậy, theo bác sĩ Hoàng Đình Lân, đối với những người có nhu cầu sử dụng yến sào, nên nhờ bác sĩ tư vấn để đạt hiệu quả cao lại không xảy ra biến chứng.

 

Hiện nay, rất nhiều người sử dụng yến sào, ngay cả những người kinh tế chưa khá giả cũng cố “nặn” hầu bao để mua món “thần dược” này bồi bổ. Đáng thương nhất là những bệnh nhân ung thư đang truyền hóa chất hoặc trị xạ dù đã tốn kém do kinh phí điều trị nhưng cũng cố mua yến sào với hy vọng ngăn cản sự phát triển của ung thư và chống đỡ với hóa chất, phóng xạ. Lợi dụng “niềm tin” này cũng như trào lưu ăn yến sào đang ngày một phổ biến, kẻ xấu đã làm giả tổ yến để bán cho người tiêu dùng. Để phân biệt tổ yến giả và thật, các chuyên gia, nhà khoa học đã đưa ra các thông tin để trên cơ sở đó người tiêu dùng biết cách phân biệt.

 

Tổ yến giả thường chỉ màu trắng do “chế biến” bằng chất aga (rau câu) hoặc bằng keo agenat trộn lẫn với tinh bột mì. Còn mùi vị thì không thể như yến thật là có vị tanh, mùi ẩm mốc từ gió biển, hơi nước, rêu phong của đá… mà có mùi hăng hắc, lạ rất khó ngửi. Một cách thử nữa là lấy một ít yến sào ngâm với nước. Nếu nó nhão nhoét, nhã ra nghĩa là yến đó được làm từ tinh bột trộn lẫn với các chất kết dính. Trong khi yến thật chỉ tách từng sợi nguyên vẹn nếu ngâm trong nước.

 

Đối với yến “huyết”, yến “đỏ” muốn biết thật hay không người tiêu dùng có thể nhúng một ít yến vào nước chè xanh hoặc trà mạn. Nếu gặp yến nhuộm phẩm màu, màu đỏ hoặc huyết đó sẽ phản ứng hóa học, biến thành màu đen sẫm. Còn yến thật dù có nấu chín trong nước sôi 100oC vẫn giữ nguyên màu sắc. Nói tóm lại, người sử dụng phải rất tinh tường, nhạy cảm mới chọn được yến thật.

 

Để sử dụng yến hiệu quả, GS.TS Nguyễn Thị Lâm, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng cho biết: Với yến sào tự nhiên, sau khi sơ chế và làm sạch, có thể chưng với đường phèn hoặc sau khi hấp chín, đổ nước dùng gà và một chút thịt gà vào ăn để vừa ngon vừa bổ dưỡng. Và phải dùng vào lúc đói hoặc trước khi ăn sáng và buổi tối trước khi ngủ. Đối với người già, người bệnh nếu dùng yến đều đặn chỉ nên với liều lượng 70ml/ngày. Đối với bệnh nhân tiểu đường nếu muốn bồi bổ yến một cách đều đặn, lâu dài nhất thiết phải theo tư vấn của bác sĩ, không được tự ý sử dụng đề phòng trường hợp biến chứng xảy ra.

 

Theo Xuân Bách
Petrotimes

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm