1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

“Thần đèn” Đỗ Quốc Khánh và những “màn hô biến” thần sầu

Không chỉ được mệnh danh là “thần đèn”, kỹ sư Đỗ Quốc Khánh còn được mệnh danh là “ông vua” xử lý lún nghiêng và di dời công trình. Ấn tượng hơn, ông từng được báo chí quốc tế vinh danh và ca ngợi như một hiện tượng.

Cận cảnh xoay 90 độ tại trụ sở Uỷ ban Dân số kế hoạch hóa gia đình huyện Xuân Trường (Nam Định).

Cận cảnh xoay 90 độ tại trụ sở Uỷ ban Dân số kế hoạch hóa gia đình huyện Xuân Trường (Nam Định).
 
Loạt bài này sẽ cung cấp cho độc giả những điều còn ít người biết về vị “thần đèn” (nói không ngoa là) có một không hai này.

Kỷ lục nối tiếp kỷ lục

Chúng tôi may mắn được gặp ông - thạc sĩ, kỹ sư Đỗ Quốc Khánh, người gắn liền với những công trình được di dời lớn nhất Việt Nam và chính ông cũng là người xác lập kỷ lục thế giới về độ lớn của công trình được di dời vào năm 2008: 3.000 tấn. Đó là một con số mà đến chính những hãng báo chí danh tiếng nhất thế giới cũng phải xuýt xoa và tôn vinh là “hiện tượng lạ của Việt Nam”.

Hơn 20 năm gắn bó với nghề, trải qua bao sóng gió và từng nếm trải đủ thứ thất bại, “thần đèn” đã để lại cả một “gia tài” lớn với hàng trăm công trình được di dời thành công. Mỗi công trình được di dời an toàn, là thêm một lần tên tuổi Đỗ Quốc Khánh lại lan truyền khắp... thế giới. Các công trình tiêu biểu gắn liền với tên tuổi “thần đèn” đất Bắc như: Dựng thẳng công trình nhà bị nghiêng gấp 8 lần so với tháp Pisa trên địa bàn TP.Hòa Bình; di dời tòa nhà 2 tầng Láng - Hoà Lạc 3.000 tấn đi xa 50m trong thời gian chưa đầy 40 tiếng; di dời nhà 2 tầng Đài Phát thanh huyện Xuân Trường (Nam Định) 650 tấn đồng thời thực hiện xoay 180 độ; nâng cao tiền sảnh Khách sạn Thắng Lợi lên độ cao 1,07m; nâng biệt thự 4 tầng lên cao 2,62m và… luồn thêm 1 tầng bên dưới thành 5 tầng…

Nhớ lại lần “nắn” công trình nhà 3 tầng nghiêng ở thị trấn Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình năm 2005. Sợ “thần đèn” từ chối, nên gia đình chỉ dám báo độ nghiêng là vài chục phân. Nhưng khi cùng đoàn khảo sát lên hiện trường, bằng phép thử đơn giản, ông đã tính ra góc nghiêng là 29 độ, gấp gần 8 lần độ nghiêng của tháp Pisa (Italia). “Làm trong nghề cũng đã có ngót nghét hai chục năm, nhưng đó là trường hợp đầu tiên tôi bị sốc khi thấy công trình nghiêng đến vậy” - ông Khánh nhớ lại.

Đặc biệt hơn, theo ông Khánh, tòa nhà đó lại không hề bình thường, khi phía sau ngôi nhà là cả hệ thống cáp quang của TP.Hòa Bình. Khi ngôi nhà đổ xuống sẽ kéo theo cả hệ thống cáp quang và hệ thống tín hiệu toàn thành phố cũng bị tê liệt, bởi thế nên áp lực với ông Khánh lúc đó càng nặng hơn.

Hiện trường khu nhà 3.000 tấn và là công trình được xét kỷ lục Việt Nam năm 2008.

Hiện trường khu nhà 3.000 tấn và là công trình được xét kỷ lục Việt Nam năm 2008.


“Khi được tôi nhận lời, chủ nhà mừng lắm, họ sẵn sàng trả hơn, nhưng với chúng tôi, đây là thử thách lớn nhất từ trước tới lúc đó và tôi muốn chinh phục” - ông Khánh cho biết.

Theo ông Khánh, chỉ sau ít ngày khẩn trương rà soát và thực hiện công việc, đoàn thi công đã nâng bổng phía sau ngôi nhà lên 1,5m, phía trước 0,4m, sau đó thay thế chân cột bêtông cốt thép bằng cọc nhồi bêtông cốt thép đường kính 800mm để vừa chống lún và phòng ngừa trôi trượt.

Một thành công bất ngờ khác, đó là việc di dời tòa nhà 3.000 tấn ở Khu công nghệ cao Phú Cát (Hà Tây cũ) năm 2008. Thành công từ công trình này đã nâng dần con số kỷ lục về việc di dời các công trình ở Việt Nam. Tòa nhà nặng 3.000 tấn, cao 2 tầng, rộng 25m, dài 65m đã được ông “hô biến” lùi sâu vào bên trong 50m so với vị trí cũ. Ngay trong năm đó, công trình này được công nhận là kỷ lục của Việt Nam trong việc điều khiển nhà.

“Thần đèn” từng... thất nghiệp

Năm 1984, ông về nước sau 10 năm tu nghiệp tại Đại học Kỹ thuật VUT - BRNO (Tiệp Khắc) với chuyên ngành mô phỏng hệ thống về năng lượng. Theo ông Khánh, hồi đó, đây còn là ngành học khá mới mẻ trên thế giới và hoàn toàn vắng bóng ở Việt Nam. Hăm hở về nước với ước nguyện đóng góp cho sự phát triển của đất nước, nhưng “thần đèn” đã ngã ngửa người, khi tới đâu, người ta cũng lắc đầu từ chối nhận ông chỉ vì lý do: Ngành học quá lạ! Gần chục lần đi xin việc, song ông vẫn thất nghiệp ở nhà “xơi nước”. Thậm chí, ngay cả khi đã được nhận vào làm, chỗ đứng của ông vẫn thấp thỏm từng ngày.

Được nhận vào làm việc tại Viện Khoa học kỹ thuật xây dựng sau thời gian dài chật vật, ông Khánh sớm có màn thể hiện với việc chống lún cho Nhà khách La Thành. Hăm hở ứng dụng những kiến thức học được, nhưng đó vẫn là chưa đủ để giúp ông khẳng định tên tuổi. Quá trình thi công hoàn thành, đúng theo kế hoạch, nhưng việc chống nghiêng cho Nhà khách La Thành vẫn không thể thực hiện, đồng nghĩa rằng, công việc mới thành công một nửa. Nhưng dù sao, ông cũng được đơn vị đánh giá cao về năng lực.

Chân dung hai cha con “thần đèn” Đỗ Quốc Khánh.

Chân dung hai cha con “thần đèn” Đỗ Quốc Khánh.


Một tình huống khác, mà chính người trong cuộc như ông cũng không thể lý giải nổi nguyên nhân đưa đến thái độ “lạ” của lãnh đạo đơn vị. Năm 1991, ông Khánh tham gia cùng đoàn thi công về việc chống lún cho chợ Đồng Xuân. Rút kinh nghiệm từ lần trở ngại trước, thay vì dùng sức người để nâng, ông Khánh đã tự chế tạo chiếc máy thay thế sức người, mà giá thành không thay đổi. Sau khi ý kiến và mô hình được trình lãnh đạo, ông Khánh đã bị quở trách vì... tự ý làm mà không xin phép trước và nó “vượt ra ngoài sự chỉ đạo”. Ít lâu sau đó, ông bị cho nghỉ việc tạm thời không lương mà chính ông cũng không được cho biết lý do. Không thể chịu đựng được lâu, ông quyết định nộp đơn nghỉ việc. Bởi, theo ông, đơn giản chỉ vì “nếu vẫn tiếp tục công tác, tôi sẽ không thể ứng dụng những kiến thức và công nghệ mình được học vào thực tế và theo sở thích của mình, trong khi đây hoàn toàn là những ứng dụng tiến bộ”.

Và cũng từ đây, con đường về cái nghề chưa có dấu ấn tại Việt Nam mở ra với ông, Đỗ Quốc Khánh nghiễm nhiên trở thành người mở đường cho nghiệp can thiệp tình trạng các công trình sụt, lún tại Việt Nam. Sau những thành công trong thời gian làm cai thầu cho các công trình thủy lợi, nhưng phải đến năm 1993, sự nghiệp chống lún, nghiêng của vị “thần đèn” đất Bắc mới được khẳng định, khi ông được mời làm chủ nhiệm công trình nghiên cứu “chống lún nghiêng” của Trung tâm Nền móng, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội. Năm 2003, ông chính thức thành lập Công ty Xử lý lún nghiêng Việt Nam, do ông làm giám đốc kiêm thợ thi công. Cái tên “thần đèn” về lún nghiêng cũng từ đây mà phổ biến.

Từng bị chửi là “kẻ gở mồm”

Theo ông Khánh, khi ông chân ướt chân ráo vào nghề, ở Việt Nam công nghệ xử lý lún, nghiêng vẫn còn là điều mới mẻ ngay cả với những người trong ngành xây dựng, đó mới là những khái niệm được nghe trong giảng đường, chứ chưa từng tiếp cận thực tế. Cũng là dễ hiểu, khi ông Khánh kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về một anh kỹ sư xây dựng tỏ ra chăm chú khi nghe ông kể về một vài kỹ thuật xử lý nhà nghiêng, hay khi ông đổi hướng cho những công trình... Với vốn kiến thức được đào tạo bài bản suốt gần chục năm trời, cộng với thời gian dài lăn lộn thực tế, ông Khánh đã trau dồi được khả năng khá đặc biệt, đó là nhận ra những dấu hiệu của sụt lún công trình từ khi mắt thường chưa thể nhận biết, thậm chí, ông có khả năng dự đoán được tương lai của một công trình, dựa trên điều kiện thực tế quan sát và phán đoán.

Điều để lại trong ông nhiều kỷ niệm với nghề nhất, đó là việc ông bị người dân gọi là “kẻ gở mồm” và bị xua đuổi bởi bị coi là toàn nói điều... xui xẻo. Dẫn lại một trường hợp cụ thể, theo ông Khánh, vào khoảng năm 2000, khi một khu tập thể ở Hà Nội mới khánh thành, ông đi qua quan sát, phát hiện khu nhà có những biểu hiện của sụt lún, ông đưa ra cảnh báo, thì mấy hộ dân liền mắng xối xả và kêu ông là gở mồm, lắm chuyện. Bởi, khu nhà được đầu tư mấy chục tỉ đồng, lại vừa mới xây dựng thì làm sao mà lún... Nhưng chỉ được ít lâu, khu nhà đã bộc lộ những vết nứt, lún nghiêm trọng và sau đó, chính đại diện khu nhà phải tìm đến ông để nhờ khắc phục...
 
Theo Bình Minh - Vũ Loan
Lao Động