1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Gia Lai

“Thân cò” mưu sinh nơi bãi rác để “kiếm tết”

(Dân trí) - Những ngày cận tết, khi mọi người đa dừng công việc để sắm đồ tết thì ở một bãi rác xã Nghĩa Hưng (huyện Chư Pah, Gia Lai) những thân cò vẫn gom nhặt phế liệu… “kiếm tết”.  Đa phần những người mưu sinh nơi bãi rác này đều là người có thu nhập thấp, người già neo đơn…

Những ngày cuối năm, chúng tôi đến bãi rác của xã Nghĩa Hưng (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai). Giữa cái nắng chang chang, nhưng chúng tôi vẫn bắt gặp 5 đến 7 người đang tìm trong đống rác những đồ cũ, phê liệu để kiếm tiền tiêu tết. Người thì tìm quần áo, đồ cũ vứt ra đây, người thì đốt rác lấy than trồng rau hay người lượm những vật thải bằng nhựa, túi nylon, giấy carton về bán. Mỗi người có một cách mưu sinh trên bãi rác để đem lại thu nhập cho bản thân, gia đình.

2.JPG
Những "thân cò" mưu sinh ngày cận tết

Bà H’Lâm (xã Tân Sơn, thành phố Pleiku) đã vượt quãng đường hơn 6km để vào đây tìm nhặt những chiếc áo quần, đồ dụng cũ để đem về dùng hoặc bán lại. Bà H’Lâm chia sẻ: “Cứ khi nào rác đổ về đây thì tôi lại tranh thủ đi nhặt ít quần áo và các vật dụng cũ rồi đem về giặt sạch, cái nào ngon thì đem bán hoặc dùng. Nhìn vật thôi chứ đây nhiều đồ còn mới và tốt lắm…”.

1 (1).JPG
Những ngày cận tết nhưng ông Puih vẫn đang nhặt giấy mưu sinh

Ngậm ngùi khi cái tết đang cận kề, bà H’Lâm nói: “Đồng bào mình từ xưa đã không ăn tết, nhưng những năm gần đây cũng theo bà con mua ít bánh, kẹo về để cho con cháu. Những đồ tôi nhặt ở bãi rác này nếu còn tốt thì đem về cho chúng nó xài…”. Nhìn xung quanh bãi rác, mọi người đều đang cần mẫn công việc của mình.

Ở góc xa xa kia, đôi vợ chồng “thoăn thoát” cầm từng xẻng lấy than đã đốt từ bãi rác. Chồng “hì hục” xúc than đổ vào dần cho vợ sàng. Cứ như thế 10 rồi đến 15 phút cái bao cũng đầy…Những người cùng mưu sinh tại đây cho biết họ lấy than về trồng rau rồi đem ra chợ bán.

Hay ở gần khu trung tâm của bãi rác, ông Puih (Nghĩa Hòa, Chư Pah) hàng ngày đều ra đây để nhặt giấy, phế liệu kiếm sống. Ông Puih chia sẻ: “Mình lượm ít giấy về bán kiếm mấy đồng ăn cơm thôi. Ngày bình thường thì cũng được hơn 100, còn những dịp rác nhiều như tết này có khi còn hơn…”.

3.JPG
Đôi vợ chồng "hì hục" đối bãi rác để kiếm than về bón rau và bán

Ông Nhút  (làng Choét 2, ở phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) phải đi hơn 16km vào đây chỉ để nhặt bao bì bằng nylon về bán. Ông chia sẻ “mỗi kg nylon bán được ba ngàn đồng, mỗi ngày nhặt được 2-3 bao khoảng 60kg về bán và chỉ để đủ nuôi con và gia đình thôi. Nhà mình không có ruộng, vườn gì hết nên phải làm nghề này để mưu sinh kiếm cái tết cho con cái bằng chúng bạn trong làng.”.

Chỉ hơn 20 phút trao đổi với những người mưu sinh nơi đây mà phóng viên cảm thấy bị ngột ngạt bởi mùi hôi thối, ruồi muỗi. Nhưng đối với những phận người nơi đây thì nó chẳng là gì khi những “miệng ăn” đang còn chờ ở nhà. Tuy ở một bãi rác như vậy nhưng trên họ vẫn là tiếng cười đùa, niềm hạnh phúc bởi họ vẫn được mưu sinh bằng sức lực của mình.

4.JPG
Từ những thức phế thải trong bãi rác để nuôi những "thân cò" cuối năm này

Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Công Minh -  Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hưng (huyện Chư Păh) cho biết: “Bãi rác này là khu đổ rác tập trung của xã Nghĩa Hưng và huyện Chư Păh. Lượng rác được thu gom về đây theo các ngày thứ ba, thứ năm và thứ bảy trong tuần. Sau khi rác về thì mọi người lại tập trung ra đây lượm nhặt những thứ có giá trị đem bán để mưu sinh thôi”.

5.JPG
Muôn màu mưu sinh nơi bãi rác

Ông cũng cho biết thêm: “Sắp tới theo quy hoạch của tỉnh về du lịch tại khu núi lửa Chư Đăng Yă thì bãi rác này sẽ phải thôi hoạt động nhằm đảm bảo môi trường sinh thái tại đây”.

Những ngày tết khi mọi gia đình đều đầm ấm, sum vầy bên gia đình thì ở trên bãi rác Nghĩa Hưng đang còn những phận người mưu sinh… “kiếm tết”. Một tương lai hiện hữu với những người mưu sinh trong bãi rác này lại sắp đối mặt với nhiều khó khăn đó là đóng cửa bãi rác.

Phạm Hoàng