Đêm giao thừa nhớ mẹ!
(Dân trí) - Ngày thơ bé, tôi mong Tết đến để được mặc quần áo mới, được ăn thịt gà, bánh chưng. Giờ khôn lớn, chỉ mong được sum vầy bên người thân trong thời khắc đất trời chuyển giao sang năm mới. Nhưng có lẽ, không còn đêm giao thừa hạnh phúc hoan hỉ của cô bé con ngày nào nữa, vì mẹ đã không còn…
Trong ký ức của con bé con sống trong ngôi nhà mái ngói đỏ ven bờ sông Đáy hiền hòa, bên kia là bãi hoa màu xanh mướt theo mùa vụ, xa hơn nữa là dãy núi mây vờn khi tỏ khi mờ thì cái Tết tuổi thơ no ấm đẹp đẽ xiết bao.
Từ những buổi chiều ngày 27,28 Tết tôi đã thường xuyên đứng ở cổng ngóng anh cả đi làm xa về vì thể nào cũng được anh mua quà, khi là đôi hài đỏ, khi lại là cái áo khoác có in hình chú chuột mickey ngộ nghĩnh... Tết năm trước, năm trước nữa, tôi đều có đồ mới diện cả ngày khoe mấy đứa trẻ hàng xóm.
Dịp sát Tết, tôi và chị ba được chị hai làm thợ may “huy động” vào đội ngũ vắt sổ, đơm cúc áo vì khách đặt hàng may đông quá. Mẹ tôi thì vừa xỏ chỉ vừa cằn nhằn: “Sao cứ cận ngày Tết mới đi may thế chứ”. Vì mẹ đang sốt ruột, mẹ còn chưa kịp sàng yến gạo mới đi xát nhà chú Huy Gù đầu làng, còn chưa kịp sang nhà bà Tố hỏi mượn trước cái xoong liên xô để hôm tới luộc bánh chưng.
Những ngày này, bố lại lóc cóc đạp cái xe đạp cũ lên chợ huyện tìm mua mấy kg mỡ lá về để chị em tôi rán, lấy mỡ xào rau, rang cơm sau Tết ăn còn đi cấy lúa vụ xuân. Những ngày cận Tết, chị em tôi cùng bố mẹ dọn dẹp nhà cửa, đem hết trường kỷ, ghế gỗ... trong nhà ra bờ sông cọ rửa. Bố hì hụi trộn vôi cát xây lại bức tường rêu ở cổng mới bị đổ nghiêng, mẹ ra vườn vừa tưới tắm đám rau xu hào, xà lách vừa ngắm nghía chọn quả bưởi tròn đầy, buồng chuối già, đều quả để hôm 30 Tết bầy mâm ngũ quả.
Cái không khí bận rộn, hối hả, vừa lo toan cái Tết của người lớn vừa mong ngóng của trẻ con ấy đã khắc sâu trong tôi tới tận bây giờ.
Nhưng cái thời khắc đáng nhớ nhất, linh thiêng và hồi hộp nhất đối với tôi lại là Đêm- giao- thừa. Sau một ngày mệt nhoài vì lăng xăng làm chân sai vặt của bố mẹ và anh chị, tôi và thằng Út nằm vật ra trên cái giường ở gian nhà chính. Mắt thì nhìn màn hình tivi đen trắng mà tâm trí tôi lơ lửng trong không gian đầu bếp nơi cuối hè đang ngào ngạt mùi bánh chưng, được bố và anh cả vớt ra từ xoong bánh, đang xếp hàng trên tấm ván gỗ cho ráo nước. Trong đó có cái bánh chưng bé tí làm từ ít gạo nếp còn thừa, mẹ bảo cái bánh đó là của tôi và thằng Út.
Tiếng chị hai và chị ba vừa thái mộc nhĩ vừa cười khúc khích ngoài bể nước. Mẹ tôi tay cẩn thận đảo chảo thịt thủ lợn để gói giò mỡ, miệng thúc giục hai chị gái nhanh tay còn giúp mẹ kiểm tra chõ xôi gấc chuẩn bị để cúng giao thừa. Tôi hình dung rõ ràng ánh lửa nhảy múa bập bùng, phản chiếu lên gương mặt lấm tấm mồ hôi của mẹ dù thời tiết mùa đông lạnh se sắt...
Rồi cũng đến thời khắc kim đồng hồ điểm 12 giờ, khi mẹ chuẩn bị xong cặp bánh chưng, con gà luộc, đĩa xôi gấc đỏ tươi cùng đĩa trầu cau, chén nước... dâng lên bàn thờ thì bố đã mặc bộ quần áo tươm tất thắp hương lầm rầm khấn vái tổ tiên. Khi hai chị trong phòng thợ may của chị hai xem qua bộ quần áo mới. Tôi và thằng Út phần vì tò mò, phần vì sợ bố mẹ mắng, ngồi im trên giường đắp chăn, chỉ thò cái mặt ra ngoài nhìn bố thắp hương cầu nguyện một năm mới an khang, cả gia đình mạnh khỏe, cầu cho mẹ bớt ốm đau, cầu cho anh cả mau chóng lấy vợ sinh con, chị ba sau khi tốt nghiệp đại học thì có việc làm ngay...
Trong không gian trầm hương vấn vít, tiếng pháo nổ đì đoàng ngoài ngõ, tiếng con Ki giật mình ăn ẳng kéo dây xích chạy qua chạy lạy bên trong cánh cửa bếp, tôi thấy mẹ cười vương vài sợi tóc mai lốm đốm bạc. Mẹ nói, nhang thắp đậu tàn tạo hình cong đẹp mắt thế kia, báo hiệu một năm mới thuận lợi, vui vẻ.
Mẹ lấy một hộp mứt trong tủ, bóc ra cho tôi và thằng Út. Gần như đã trở thành thói quen, niềm vui xa xỉ của tụi trẻ con ngày đó, tôi và thằng Út được ăn mứt đêm giao thừa. Dù đó chỉ là hộp mứt bé tẻo với vài sợi dừa xanh trắng, vài hạt trứng chim, lát mứt gừng, quả quất... Mẹ bảo hai đứa ngủ sớm, sáng mùng một mặc bộ quần áo mới, mẹ dẫn lên ngôi chùa đầu làng cùng các thím trong họ. Tôi vẫn nhớ mình cười tít trong cả giấc mơ, nằm trong chăn, khi tỉnh dậy miệng vẫn ngậm miếng mứt gừng...
Đó có lẽ là những đêm giao thừa ấm cúng đẹp đẽ nhất và giờ chỉ còn nằm lại trong ký ức kể từ khi mẹ tôi qua đời vì bị ung thư dạ dầy. Và có lẽ cái Tết đầu tiên sau khi mẹ ra đi là cái Tết hiu quạnh, đơn côi nhất. Chị hai, chị ba và anh cả đều đã lập gia đình ở riêng. Chỉ còn bố, tôi và thằng Út.
Cái Tết đầu tiên, tôi đi chợ, chuẩn bị dọn dẹp nhà cửa, bầy mâm ngũ quả thay mẹ. Cái Tết đầu tiên tôi- cáng- đáng việc nhà.
Đêm giao thừa không tiếng pháo. Đĩa xôi và bánh chưng, chị hai đặt người làm mang đến từ chiều tối. Tôi đặt con gà trống luộc bị quá lửa vào đĩa, chuẩn bị mâm cỗ để bố cúng giao thừa. Trong khói nhang cay xè, mắt bố mờ đi, lưng ông hơi còng, gương mặt vương vức ngày nào giờ tiều tụy đi nhiều. Bố rì rầm cầu nguyện, rì rầm gọi tên mẹ...
Tôi và thằng Út không ăn mứt nữa, cũng không có ai chuẩn bị gói mứt nhỏ màu đỏ đó nữa. Đêm giao thừa, tôi ra hiên nhà đứng nhìn căn bếp chìm trong bóng tối. Tôi lại nhớ ánh lửa bập bùng, nhớ gương mặt gầy mà tươi tắn của mẹ năm nào.
Tôi muốn đứng một mình trong bóng tối và cảm nhận thời khắc đất trời chuyển giao sang năm mới. Vẫn nhớ lời mẹ, đêm giao thừa có chút mưa xuân cây cối mới đâm trồi tươi tốt. Đêm giao thừa năm nay có mưa xuân mẹ ạ, những hạt mưa đậu trên tay không nặng mà thấm vào da lạnh tê tái...
Đã bao cái Tết, đã bao đêm giao thừa nữa đã trôi qua. Cuộc sống của chúng con giờ đã khấm khá hơn, không còn mong ngóng chờ Tết mới được ăn thịt gà, bánh chưng nữa. Giờ con cái ở xa, có của ngon vật lạ cũng muốn mua về cho bố, nhưng giờ bố cũng không ăn nhiều được nữa. Mỗi lần về quê, về thăm lại mái nhà xưa, nơi lưu giữ nhiều kỷ niệm tuổi thơ, đôi khi lòng chợt thảng thốt khi không còn bóng dáng mẹ. Và mỗi đêm giao thừa, nỗi nhớ mẹ càng thêm cồn cào, dằn lòng mạnh mẽ nhưng nước mắt cứ rơi:
“…Đêm nay con đón giao thừa
với kỷ niệm ngày xưa
lung linh trong khói sương mờ
bóng mẹ về bên con
Mẹ ơi
năm nay con lớn khôn rồi
con ước chi còn mẹ
để mẹ con mình đón giao thừa…”, (Đêm giao thừa nhớ mẹ - nhạc sĩ Vinh Sử)
Nguyễn Hằng