1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Thận ào ạt “chảy” qua biên giới

Ở nước ta hiện nay, luật pháp cấm việc mua, bán thận cũng như mô, tạng người. Trên thực tế nhu cầu về việc này rất lớn nên không ít trường hợp đã tìm cách lách luật, thậm chí vượt biên ra nước ngoài để bán thận.

  
Thận ào ạt “chảy” qua biên giới  - 1
Ghép thận là biện pháp hiệu quả hơn so với chạy thận nhân tạo, song không phải ai cũng có điều kiện

 

Trăm nghìn kế… mua, bán thận

 

Mới đây, Cơ quan điều tra - Công an TP Cần Thơ đã điều tra, phát hiện và đề nghị truy tố một đường dây tổ chức người khác trốn đi nước ngoài để bán thận. Theo đó, trong khoảng thời gian từ năm 2008 đến tháng 2/2011, đã có 19 nạn nhân của đường dây này ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và miền Đông Nam Bộ được tổ chức vượt biên trái phép sang Trung Quốc bán thận. Đây là một vụ án có tính chất nghiêm trọng cần được xử lý nghiêm. Mặt khác, nó cũng phần nào cho thấy nhu cầu mua bán tạng nói chung, thận nói riêng là rất cao và dù luật pháp nước ta có cấm nhưng những người có nhu cầu cũng sẵn sàng lách luật.

 

Chúng tôi đến khoa Thận nhân tạo - BV Bạch Mai, tuyến điều trị cao nhất các loại bệnh thận mạn tính với trung bình khoảng 500 bệnh nhân thường xuyên ra vào điều trị chu kỳ. Các bác sĩ ở đây cho biết, có khoảng 15% trong số các bệnh nhân nói trên có nhu cầu được ghép thận, thế nhưng khó khăn lớn nhất là không có nguồn thận để ghép. Tính đến thời điểm này tại BV Bạch Mai mới chỉ tiến hành được 4 ca ghép thận, nguồn thận này đều từ người mẹ cho con. Ở các BV khác như BV Việt Đức, BV Quân đội 103, BV Chợ Rẫy, số ca ghép thận được thực hiện thường xuyên hơn song số lượng ghép vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay, trong khi ước tính cả nước mỗi năm có từ 7.000-8.000 người có nhu cầu ghép thận.

 

Một thực tế mà ít người biết đến là trong khi nguồn tạng hiến nói chung cực kỳ hiếm hoi thì hàng ngày, hàng giờ vẫn có rất nhiều người có nhu cầu bán thận. TS.BS cao cấp Nguyễn Cao Luận, Trưởng khoa Thận nhân tạo - BV Bạch Mai chia sẻ: “Tại khoa hầu như tuần nào cũng có 3, 4 thanh niên đến đặt vấn đề xin bán thận. Luật nước ta không cho phép việc mua bán tạng người nên chúng tôi phải tìm lý lẽ giải thích cho họ hiểu…”. Theo bác sĩ Luận, người đến xin bán thận đa phần là người nghèo, có hoàn cảnh cực kỳ khó khăn về kinh tế, cũng có những trường hợp do nghiện ngập, cờ bạc dẫn đến phá sản và bế tắc.

 

“Tất nhiên vẫn có không ít trường hợp tìm cách để bán thận bằng được. Tương tự, người bị suy thận, có tiền cũng sẽ tìm mọi cách liên lạc với người có nhu cầu bán thận để đạt được mục đích, thường là qua “cò” môi giới hoặc rao bán ngấm ngầm bằng tờ rơi, trên mạng internet. Và khi bên có “cung” đã gặp bên có “cầu” thì họ sẽ thỏa thuận với nhau để qua mặt các bác sĩ, kiểu như nhận nhau là anh em, bố mẹ nuôi… tình nguyện xin “hiến” thận, BV không thể từ chối” - bác sĩ Luận cho biết.

 

Nên chăng cho “bán” công khai?

 

Qua tìm hiểu của chúng tôi, việc khan hiếm nguồn tạng, thận để ghép không chỉ xảy ra ở nước ta mà tại hầu hết các nước trên thế giới. Trước đây, những người có nhu cầu ghép thận ở Việt Nam đều phải tìm sang Trung Quốc để được phẫu thuật. Thậm chí có thời kỳ một số BV ở Quảng Đông (Trung Quốc) còn tìm sang các BV Trung ương của nước ta để… tìm khách sang ghép thận.

 

Thế nhưng những năm gần đây, nguồn thận ở Trung Quốc có vẻ cũng khan hiếm nghiêm trọng và trên thực tế, số người Việt Nam tìm sang Trung Quốc bán thận còn nhiều hơn số người sang ghép thận. Điều này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, nguy hiểm vì chúng ta không quản lý được tình trạng sức khỏe của người đã bán một quả thận cũng như kỹ thuật lấy thận có đảm bảo hay không? Mới đây đã có trường hợp sau khi đi bán thận ở Trung Quốc về phải vào BV cấp cứu và tử vong ngay sau đó vì chảy máu trong.

 

Việc siết chặt quản lý tình trạng vượt biên trái phép ra nước ngoài bán thận là đương nhiên phải làm. Mặt khác, nên chăng chúng ta có chính sách cụ thể, luật hóa về việc cho phép lấy, ghép tạng trong khả năng có thể quản lý, kiểm soát được? Tất nhiên việc cho phép mua bán thận này phải do một cơ quan được chỉ định đứng ra điều phối, tốt nhất là thành lập Ngân hàng tạng độc lập và cũng chỉ khuyến khích thực hiện với những người đăng ký bán tạng sau khi chết hoặc chết não chứ không khuyến khích với những trường hợp khỏe mạnh muốn bán tạng để lấy tiền giải quyết khó khăn về kinh tế. TS. Luận cho rằng, nếu được luật pháp hóa và có Ngân hàng tạng như vậy, số người được ghép tạng, ghép thận sẽ nhiều hơn, số người “hiến” tạng, thận cũng sẽ được quản lý, chăm sóc sức khỏe sau “hiến” tốt hơn.

 

Vấn đề quan trọng hơn cả là phải tiếp tục tuyên truyền để người dân hiểu rõ hơn về ý nghĩa nhân văn của hành động hiến tạng sau khi qua đời (do chết não). Tuyệt đối không vì vật chất mà “chui lủi” tìm cách bán đi một phần nội tạng cơ thể mình, rất nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng.

 

Hiện ở Việt Nam có nhiều BV đã thực hiện tốt kỹ thuật ghép thận. Chi phí cho một ca ghép thận trung bình khoảng 250-300 triệu đồng. Sau ghép thận người bệnh phải điều trị bằng thuốc chống thải ghép liên tục, ước tính tốn khoảng 5-7 triệu đồng mỗi tháng. Do đó chỉ có khoảng 15% người suy thận, bệnh thận mạn tính có nhu cầu và điều kiện ghép thận.

 

Theo Tiến Hưng

 An ninh Thủ đô