Thăm phiên chợ sớm nhất đất Quảng

(Dân trí) - “Anh về Bàn Thạch em trải chiếu cho anh nằm/ Tình sâu nghĩa nặng mấy con trăng rằm không phai”. Lần theo câu ca dao xứ Quảng, 4h sáng chúng tôi đón chuyến xe sớm tới Bàn Thạch, dự phiên chợ sớm nhất xứ Quảng, nơi chỉ buôn bán một mặt hàng duy nhất: chiếu.

Thăm phiên chợ sớm nhất đất Quảng - 1
 
Trăm năm chợ chiếu

 

Phiên chợ chiếu có một không hai này ra đời từ khi Bàn Thạch có nghề dệt chiếu, cách nay đã hàng trăm năm. Ngày nào cũng vậy, cứ 4h sáng, người bán kẻ mua đã tụ hội nhộn nhịp bên bờ con sông Thu chảy qua làng Bàn Thạch (xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam).

 

Bà cụ Tám Lan đang mải miết chuốt từng sợi đay (loại sợi dùng để nêm chiếu cho chặt), khuôn miệng đỏ vết trầu, móm mém kể: “5- 6 tuổi chi đó thì bà đã theo mẹ ra chợ chiếu này rồi. Ban ngày học mẹ dệt chiếu, tỉ mẩn đến đêm, được bao đôi thì sớm mai mang ra chợ bán. Thường thì ngày dệt được 1 đôi chiếu. Hôm nào say việc được 2 đôi. Sớm nào cũng bán hết. Chừ thì bà già rồi. Cái lưng không chịu được mỏi cả ngày nữa. Chỉ lại cho con cháu nó làm. Mình ra đây ngồi chuốt đay bán mỗi sớm vài giờ cho khỏi nhớ chợ, mà cũng kiếm được ngày 5- 10 ngàn”.
 
Thăm phiên chợ sớm nhất đất Quảng - 2

 

Những người bán chiếu và những nguyên liệu làm chiếc như phẩm nhuộm màu, sợi lát, sợi đay... đều rất rành đan chiếu. Một đôi chiếu thành phẩm tuỳ theo kích cỡ, chất lượng mà có giá từ 15-20 nghìn đồng/chiếc. Ngoài ra có những chiếc chiếu “đặc biệt” có giá cả trăm ngàn/chiếc.

 

Chiếu Bàn Thạch có nét đặc biệt so với chiếu vùng khác là không phải dệt chiếu trắng xong rồi mới in hoa văn màu sắc lên mà ngay từ công đoạn dệt, người thợ làng Bàn Thạch đã chọn sợi lát nhuộm phẩm không phai màu, định hình hoa văn mà dệt. Vậy nên từ hàng trăm năm nay, chiếu Bàn Thạch đã nổi tiếng một vùng.

 

Bán chiếu nuôi con học đại học
 
Thăm phiên chợ sớm nhất đất Quảng - 3

 

Chợ đông đúc cả trăm người, mà người bán kẻ mua đều như quen thân nhau hết. Tuyệt nhiên không có chuyện mặc cả-nói thách. Người mua chủ yếu là các lái buôn lớn, nhỏ, từ đây đưa chiếu đi khắp vùng Quảng Nam - Đà Nẵng. Thế nên chợ ngày nào cũng họp, chỉ có một mặt hàng mà hiếm khi có hàng ế, hàng tồn.

 

Bàn Thạch có nghề chiếu, không giàu nhưng chẳng bao giờ lo đói, cứ tảo tần lấy công làm lời mưu sinh, kiếm sống từng ngày. Đàn bà lo dệt chiếu rồi mang ra chợ bán, đàn ông đi chặt cây đay, cây lát, lo phần nguyên liệu. Chị Ngô Thị Minh, vừa luôn tay diềm viền chiếu cho khách vừa góp chuyện: “Tôi vốn người làng chiếu Cẩm Nê, tận ngoài Đà Nẵng. Thời con gái đã mang chiếu về tận đây buôn vì ở đây bán thế nào cũng hết hàng. Rồi bén duyên ông xã người Bàn Thạch này, về đây luôn.
 
Thăm phiên chợ sớm nhất đất Quảng - 4

 

Vợ chồng cực khổ, cặm cụi cả ngày nhưng cứ nghĩ tới con là vui, là cố làm. Cả 3 đứa con đều thương ba mẹ gắng học hành, thi đỗ đại học. Đứa lớn ra trường, có công ăn việc làm ổn định. Nhưng mấy đứa, rỗi rãi việc học, về đến nhà là sà vào khung dệt. Mấy đứa từ nhỏ, cũng như đám trẻ con làng này, chưa 10 tuổi đã rành rọt nghề chiếu. Mê lắm”.

 

Cũng có thời nghề chiếu bấp bênh vì sự cạnh tranh của những mặt hàng cùng loại như chiếu trúc, chiếu nhựa… Nhưng rồi qua thời gian, chẳng gì tiện bằng chiếc chiếu lát; vào mùa nóng, chẳng gì sướng bằng nằm chiếu lát. Thế nên phiên chợ chiếu của Bàn Thạch vẫn đông vui, nhộn nhịp.
 
Thăm phiên chợ sớm nhất đất Quảng - 5

 

Phiên chợ trong ánh nắng sớm mai, lấp lánh màu sắc hoa văn của chiếu, vừa nên thơ vừa đậm chất dân dã của làng quê Việt với những dáng người tảo tần, chân chất dưới mái chợ rêu phong cũ kỹ, nhìn ra xa là sông nước mênh mang. Chợ là chốn mưu sinh cũng là nét quê lưu luyến khách của xứ Quảng. Chợ họp sớm, tan mau, độ chừng hơn 7 giờ sáng đã vãn, người bán về lại nhà bên khung cửi, người mua bắt đầu một ngày rong ruổi mưu sinh. Du khách ghé thăm làng, thích thú với đôi chiếu mới sắm hay chỉ một khoảnh khắc thanh thản, yên bình trong phiên chợ đặc sắc, họp phiên sớm nhất xứ Quảng này.

 

Khánh Hiền