1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Thăm phiên chợ đặc biệt chỉ có đàn ông

(Dân trí) - Chợ phiên Bắc Hà (huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai) họp vào ngày chủ nhật hàng tuần, những người đến mua bán hay khách vãn chợ đều là cánh mày râu và cùng có sở thích, niềm đam mê với những tiếng hót của những chú chim rừng.

Phiên chợ đặc biệt

Chợ Bắc Hà (huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai) là một trong những chợ phiên lớn nhất của các tỉnh miền núi phía Bắc. Chợ chỉ họp mỗi tuần một lần nên từ sáng sớm, khi phố huyện vẫn đang chìm trong sương mù dày đặc, đã thấy tiếng người trò chuyện bán mua trên đường đến chợ...

Toàn bộ các loài chim cảnh được những chủ nhân quy tụ về đây tạo nên một khung cảnh thơ mộng chỉ có ở chợ phiên Bắc Hà. Góc chợ độc đáo miền Tây Bắc này là thế giới riêng của những người đam mê chim, không hề phân biệt tuổi tác, nghề nghiệp, giới tính, giàu nghèo.

Nơi duy nhất chỉ có cánh mày râu
đến họp chợ
Nơi duy nhất chỉ có cánh mày râu đến họp chợ

Có những cụ già người Mông, người Nùng xách chim tận Cao Sơn, La Pán Tẩn, Lùng Khấu Nhin xuống, có những người tận Bản Mế, Sín Chải, Sín Chéng, Lùng Phình (Si Ma Cai) sang, thậm chí nhiều chủ chim tận Sín Mần (Hà Giang). Ngay cả những “đại gia” nuôi chim cảnh ở thành phố Lào Cai, thủ đô Hà Nội và nhiều tỉnh, thành khác cũng có mặt tại chợ chim này. Họ đến đây để bàn tán, trao đổi với nhau về cách chọn chim, chăm sóc chim, học hỏi và tìm bạn tâm giao.

Không ồn ào náo nhiệt, nhưng ở đó là thiên đường chỉ dành cho những tiếng chim hót thánh thót giữa cao nguyên. Cuối góc chợ là hàng bán thổ cẩm, thực phẩm thịt, rau, củ, quả, những nồi thắng cố hay rượu Bản Phố.

Chim họa mi hót vang trên các cành
cây
Chim họa mi hót vang trên các cành cây

Toàn bộ khung cảnh chợ là những chiếc lồng, cùng những chú chim đủ các kiểu dáng, hình loại như họa mi, khướu, sáo, vẹt. Từng tốp người tập trung đông đúc xung quanh những chiếc lồng chim được treo trên những cành đào, cành mận.

Sản phẩm tại chợ chim Bắc Hà chủ yếu là họa mi, bởi nhiều người cho rằng “đặc sản” vùng cao Tây Bắc là họa mi có vóc dáng đẹp, vừa có giọng hót hay lại thiện chiến nên được nhiều người ưa thích. Cụ già người Mông tên Lử, một người lão luyện trong nghề nuôi chim cho biết: Đối với chim nuôi hót, nên chọn con có họa dài, dáng thanh thoát, sắc lông vàng mượt, giọng hót trong trẻo, không bị đứt đoạn. Chú chim nào khi hót đứng cầu thật oai vệ, đuôi xòe hoặc cụp chặt vào cầu là chim tốt. Với chim chọi, nên chọn chim hiếu chiến, có vóc dáng to khỏe, chân và mỏ to, tướng chim dữ dằn, gặp đối thủ nào cũng không sợ hãi mà dám rung cánh hót khiêu khích đối phương thì đánh được...

Người mua chọn những con chim
mình yêu thích
Người mua chọn những con chim mình yêu thích

Gần trưa, chợ chim càng thêm đông đúc, nhưng tiếng chim hót cũng không thể lấn át được tiếng náo nhiệt của chợ đông. Mỗi khi chủ nhân xách lồng chim vào chợ liền bị mọi người quây lại đông đúc, hỏi han giá cả và bình phẩm.

Quanh trung tâm huyện Bắc Hà hầu như nhà nào cũng có một vài lồng chim họa mi treo trước cửa, hót líu lo tạo nên sự độc đáo của phố núi buổi sớm mai. Ngày cuối tuần, nhiều người vẫn “Phượt” gần 100km từ thành phố Lào Cai về Bắc Hà để tung tăng xách lồng chim đi chợ.

Bám chợ mưu sinh

Chợ chim Bắc Hà vừa là sân chơi chung nhưng cũng là nơi kiếm sống của nhiều người. Anh Ma Ba Zin, người mưu sinh tại chợ chim cho biết, anh đã làm lồng chim để bán được hơn 4 năm. “Sư phụ” của anh cũng bán lồng chim bên cạnh đã làm nghề này được nửa cuộc đời rồi.

Ông Thào Văn Sử (74 tuổi) cho biết: “Ngày trước tôi làm lồng chim rất nhiều, nhưng chủ yếu cho bạn bè thôi. Giờ già rồi, không lên nương được nữa đành ở nhà làm lồng chim bán để kiếm tiền mua gạo. Trung bình mỗi tuần được 3 đến 4 cái lồng. Giá mỗi cái lồng là 120.000 đồng, tính ra cũng đủ ăn.”

Cạnh đó, em học sinh lớp 7 Hoàng Văn Sơn, nhà ở xóm chợ cũng bày bán các loại: Cám chim, cóng sứ, cóng nhựa, tay xách, áo lồng... phục vụ cho dân chơi chim. Trừ tiền vốn, mỗi tháng Sơn cũng kiếm được khoảng một triệu đồng để mua sách vở.

Người mua chọn những con chim
mình yêu thích
Nhiều người đến chợ phiên chỉ để lắng nghe giọng hót của chim muông hoặc bàn tán nhau về thú chơi chim

Một ông chủ chim cho biết: “Chim được đưa đến chợ đa phần đã được chủ huấn luyện, không ít con được truyền tay qua nhiều chủ nên chúng rất tự nhiên, không còn cảm giác sợ sệt như lúc mới đầu”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, chim được đưa đến chợ phần lớn là chim săn bắt được trên rừng, sau đó được chủ nhân huấn luyện và đưa ra chợ bán. Tùy thuộc vào độ thông minh và vẻ đẹp của từng con chim mà giá cũng có sự chênh lệch lớn. Có những chú chim được chủ nhân rao bán tiền triệu, có những chú chim giá cả chục triệu đồng, còn thường chim được đưa đến đây bán rẻ nhất cũng từ 2 trăm nghìn đồng. Đắt và được ưa chuộng nhiều nhất vẫn là chim họa mi.

Nhộn nhịp cảnh mua bán, trao đổi
chim trong phiên chợ
Nhộn nhịp cảnh mua bán, trao đổi chim trong phiên chợ

Anh Lèo Seo Lìn, một chủ chim đến từ Bảo Thắng cho biết: “Trong rừng, chim họa mi có cách sống rất hay, mỗi quả đồi chỉ có một đôi, một trống, một mái và không bao giờ chúng đi xâm phạm lãnh thổ của những con khác. Khi có con nào đó đến xâm chiếm lãnh thổ của mình, chúng sẵn sàng đánh đổi tất cả để giành lại lãnh địa. Chim họa mi cũng thách đố nhau bằng tiếng hót. Chỉ hót với nhau trong khoảng thời gian ngắn, chúng xông vào đánh nhau, con nào thua thì phải chấp nhận ra đi”. Các chủ chim thường dựa vào yếu tố này, nắm được điểm yếu của từng loài nên dễ dàng bẫy được chúng.

Sau khi trao đổi, khi hai chủ chim đã đồng ý, họ sẽ ghé sát lồng chim vào nhau, mở cửa dồn chim sang lồng, bắt tay là xong. Nếu muốn kết bạn thì rủ nhau vào hàng thắng cố, uống với nhau mấy chén rượu ngô thơm nồng cho đậm đà tình cảm. Những chú chim này nếu cảm thấy ưng ý thì giữ lại nuôi, không thì đến phiên chợ sau lại mang đi đổi cho người khác để lấy chú chim mình thích.

Sắc xuân đang về trên khắp các bản làng Tây Bắc, chợ chim cũng thêm sôi nổi hoạt động mua bán, trao đổi. Chợ phiên Bắc Hà nguyên sơ nhưng cũng không kém phần cao sang quyền quý.

Cường Cao