1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Ông Phan Văn Mãi: Nếu Thuận An không tiếp tục được phải có phương án khác

Thư Trần

(Dân trí) - Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết TPHCM đã chủ động rà soát toàn bộ công tác đấu thầu, tài chính liên quan Tập đoàn Thuận An sau các bê bối liên quan.

Vừa qua, lãnh đạo TPHCM cùng các đơn vị đã trực tiếp làm việc với các nhà thầu để làm rõ các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai dự án. TPHCM cũng yêu cầu các chủ đầu tư rà soát các gói thầu có sự tham gia của Tập đoàn Thuận An.

Nội dung được Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nêu tại phiên họp kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2024 vào chiều ngày 3/5.  

Chủ tịch Phan Văn Mãi yêu cầu Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị giám sát chặt chẽ, rà soát tiến độ đối với các gói thầu do Tập đoàn Thuận An phụ trách hàng ngày để đảm bảo không ảnh hưởng tiến độ dự án. 

Ông Phan Văn Mãi: Nếu Thuận An không tiếp tục được phải có phương án khác - 1

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu kết luận phiên họp về Tình hình kinh tế xã hội diễn ra chiều 3/5 (Ảnh: HCMC).

"Nếu nhà thầu không thể tiếp tục, những thành viên còn lại của liên danh có tiếp tục được không, nếu không, chúng ta phải có phương án khác", ông Mãi lưu ý. 

Lãnh đạo TPHCM cho hay ngay khi sự việc liên quan Tập đoàn Thuận An xảy ra, TPHCM đã lập tức chỉ đạo rà soát lại toàn bộ công tác đấu thầu, tài chính, phần tạm ứng lẫn các vấn đề liên quan để xử lý.

"Không riêng với Tập đoàn Thuận An, nếu các nhà thầu khác có năng lực yếu cũng xử lý nghiêm", Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi nhấn mạnh. 

Ông Phan văn Mãi khẳng định TPHCM sẵn sàng hỗ trợ các nhà thầu đàm phán ký lại phụ lục hợp đồng nếu phát sinh. Tuy nhiên, nhà thầu phải chủ động, triển khai đầy đủ các nội dung thuộc trách nhiệm.

"Khi đấu thầu, nhà thầu tham gia và đã trúng thầu. Nhưng khi triển khai thi công, thiếu cát, nhà thầu lại đổ thừa hoặc đẩy trách nhiệm cho chủ đầu tư và TPHCM là không được. UBND TP và các chủ đầu tư có trách nhiệm hỗ trợ, làm việc với các địa phương để hỗ trợ nguồn vật liệu", ông Mãi nói thêm.

Kết luận phiên họp, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi yêu cầu các đơn vị tập trung toàn lực cho công tác giải ngân vốn đầu tư công. Từ đây đến cuối năm, TPHCM xác định mục tiêu phải giải ngân 70.000 tỷ đồng, tức là mỗi tháng giải ngân 10.000 tỷ đồng. 

Ông Mãi giao Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Dũng trực tiếp chỉ đạo công tác giải ngân đầu tư công. Các chủ đầu tư phải có kế hoạch giải ngân hàng tháng. TPHCM sẽ giám sát việc thực hiện dựa vào kế hoạch này. 

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cũng yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM trong tháng này rà soát lại để điều chỉnh các dự án. TPHCM sẽ cắt những dự án không có khả năng tiếp tục và thay bằng những dự án đủ điều kiện triển khai ngay. 

Ông Phan Văn Mãi: Nếu Thuận An không tiếp tục được phải có phương án khác - 2

Đoạn qua dự án xây dựng kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên có nhà thầu Thuận An tham gia (Ảnh: Hải Long).

Trong dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, Tập đoàn Thuận An đóng vai trò thành viên của liên danh, tham gia thi công 2 gói thầu XL5 và XL6, trị giá 130 tỷ đồng.

Gói thầu XL5 (đoạn từ cầu Tân Kỳ - Tân Quý đến cầu Bưng) dài hơn 3km, bao gồm thi công các hạng mục xây dựng đường giao thông và hạ tầng kỹ thuật (trừ hạng mục cây xanh, điện chiếu sáng) bờ phải.

Tại gói thầu XL6 (đoạn từ cầu Bưng đến cầu Tham Lương) dài 2,8km, Thuận An thực hiện thi công các hạng mục xây dựng đường giao thông và hạ tầng kỹ thuật (trừ hạng mục cây xanh, điện chiếu sáng) bờ phải.

Dự án xây dựng hạ tầng, cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên có tổng chiều dài tuyến gần 32km, đi qua quận 12, Bình Tân, Tân Phú, Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh, huyện Bình Chánh. Công trình có tổng mức đầu tư 8.200 tỷ đồng bằng vốn ngân sách, được khởi công cuối tháng 2/2023, dự kiến hoàn thành vào 30/4/2025.

Tại dự án thành phần 1 Vành đai 3 TPHCM, Tập đoàn Thuận An là thành viên trong liên danh thực hiện gói thầu XL5 và gói XL2 thuộc dự án xây dựng hầm chui Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Văn Linh do Ban Giao thông làm chủ đầu tư.

Tổng giá trị hợp đồng là hơn 2.303 tỷ đồng, nhà thầu Thuận An có tỷ lệ liên danh 26,5%, tương đương hơn 610 tỷ đồng.

Như Dân trí đã đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Duy Hưng (Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Thuận An) về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và Đưa hối lộ.

Bộ Công an còn khởi tố, bắt tạm giam Trần Anh Quang (Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Thuận An) về tội Đưa hối lộ; Nguyễn Khắc Mẫn (Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Thuận An) về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và Đưa hối lộ.

Ông Nguyễn Văn Thạo (Giám đốc) và Đàm Văn Cường (Phó Giám đốc Ban QLDA Đầu tư xây dựng các công trình giao thông, nông nghiệp tỉnh Bắc Giang) cùng bị khởi tố, bắt tạm giam về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và Nhận hối lộ.

Ông Hoàng Thế Du (Trưởng phòng Ban QLDA tỉnh Bắc Giang) bị khởi tố, bắt tạm giam về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm