Tham nhũng “vặt” trong giáo dục bắt đầu từ... cư xử
(Dân trí) - “Dường như sai phạm và tham nhũng “vặt” trong giáo dục không nổi bật, có thể chấp nhận được. Tỷ lệ phụ huynh sẵn sàng chi những khoản ngoài quy định khá phổ biến” - đại biểu Chương trình đối thoại về phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực giáo dục nhận định.
Giáo dục dễ xảy tham nhũng vì “cung - cầu”… tự nguyện
Đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) đề cập, Việt Nam xác định giáo dục là chiến lược quan trọng của quốc gia trong 5 - 10 năm tới vì phải phát triển “đại nhảy vọt” trong giáo dục mới đủ nguồn nhân lực cho xây dựng đất nước. Đấu tranh phòng chống tham nhũng trong bối cảnh nhiều thay đổi không đơn giản.
WB dẫn chứng 6/11 dự án về đầu thầu mua sắm thiết bị trong ngành được Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) kiểm toán “có vấn đề”.
Giáo viên dễ dàng nhận tiền vì phụ huynh học sinh cũng dễ dàng chấp nhận việc đưa hối lộ (ảnh minh họa).
Khái quát mức độ tiêu cực xảy ra trong ngành, phía WB nhận định: “Dường như sai phạm và tham nhũng “vặt” trong ngành không lấy gì làm nổi bật và có thể chấp nhận được. Tỷ lệ phụ huynh sẵn sàng chi trả những khoản ngoài quy định để lo việc học hành cho con khá phổ biến. Tâm lý “chạy” trái tuyến cho con có điều kiện học tốt hơn cũng là một cơ chế nảy sinh tiêu cực”.
Đại diện của Tổ chức minh bạch quốc tế nêu vấn đề, tỷ lệ người cảm nhận có tham nhũng trong lĩnh vực giáo dục vẫn rất cao. Tính phức tạp đặc trưng của tham nhũng trong ngành vì mô hình “thỏa thuận” tự nguyện giữa 2 bên cung và cầu. Giáo viên dễ dàng nhận tiền vì phụ huynh học sinh cũng dễ dàng chấp nhận việc đưa hối lộ để con cái được đối xử đặc biệt hơn.
Đại sứ Đan Mạch Peter Hanssen tỏ ý đồng tình về vấn đề lương thưởng của cán bô giáo dục. Theo kết quả khảo sát của Thanh tra Chính phủ, hầu hết giáo viên đều nói tiền lương không đủ cho nhu cầu sinh hoạt. Trong khi tham nhũng, hối lộ xảy ra từ 2 phía, người đưa tiền có nhu cầu “mua” chế độ dịch vụ đặc biệt cho con em mình còn giáo viên cũng dễ dàng nhận vì áp lực trang trải cuộc sống.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận phân trần, đấu tranh chống tham nhũng trong ngành thực hiện có trọng tâm, trọng điểm. Khối giáo dục phổ thông sẽ nhắm tới chống tiêu cực trong việc tuyển sinh đầu cấp, học phí, học thêm còn giáo dục đại học lại cần quan tâm tới gian lận bằng cấp, chạy điểm tốt nghiệp. Khu vực thành phố sẽ nóng về về vấn đề chạy trường, trái tuyến trong khi ở những vùng núi, vùng sâu phải tập trung vào các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia.
“Tham nhũng vặt” cần giải quyết từ văn hóa
Tổng kết chương trình đối thoại về phòng chống tham nhũng năm ngoái (tập trung vào lĩnh vực y tế), đại sứ Thụy Điển đặt câu hỏi: “Tham nhũng ở Việt Nam có thực sự cải thiện khi chỉ số minh bạch cảm nhận được về tham nhũng của năm 2009 so với năm 2004 không tiến triển nhiều?.
Tiêu cực ở bậc phổ thông “nóng” vì… chạy trường (ảnh minh họa).
Ông Rolf Bergman cảnh báo, tham nhũng vẫn làn tràn, phổ biến ở tất cả các cấp chính quyền. Văn hóa phong bì vẫn rất phổ biến trong khu vực dịch vụ công. Các ngành công an, y tế, hải quan… đều có hiện tượng người dân phải trả thêm những khoản ngoài phí quy định để nhận được những dịch vụ đáng ra mình được phục vụ.
Những điểm đột phá đã làm được như xây dựng hệ thống thể chế, quy định chống tham nhũng theo đại sứ Thụy Điển mới chỉ là công việc trên giấy tờ.
Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền “bác” nhận định này vì cho rằng thể chế có minh bạch mới tác động được tới hoạt động quản lý. Khép chặt công tác quản lý là quy trình sau để ngăn chặn tham nhũng. Ông Truyền cũng khẳng định Chính phủ đã chú trọng chấn chỉnh quản lý như các các lĩnh vực triển khai vốn ODA, khai thác khoáng sản…
Đại sứ Australia trích báo cáo cho thấy tham nhũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế Việt Nam, làm thất thoát 1 - 2% tốc độ tăng GDP mỗi năm trong khi cả nước phải nỗ lực vất vả mới tạo ra được con số tăng trưởng đó.
Giải pháp chống tham nhũng được tư vấn là xây dựng chế độ bảo vệ người chống tham nhũng cũng như Luật tiếp cận thông tin.
Đại sứ Thụy Sỹ cũng nhấn mạnh chỉ số công bố của Tổ chức minh bạch quốc tế năm 2009, Việt Nam được 2,77 điểm, đứng thứ hạng không cao trong số 180 nước so sánh. Tuy nhiên, ngài đại sứ Thụy Sỹ cũng xác nhận, về góc độ lập pháp, Quốc hội Việt Nam thậm chí đã làm được nhiều hơn Quốc hội Thụy Sỹ để tăng tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trước cả nước.
Đại diện ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) thì đánh giá, tỷ lệ tham nhũng trong ngành y tế và giáo dục ở Việt Nam vẫn đang xảy ra hàng ngày, dưới hình thức này hoặc hình thức khác, gọi dưới tên là “tham nhũng vặt”. Phía ADB đánh giá, việc này phần nào là do tác động từ văn hóa cư xử, hành vi, nhận thức của người dân với những hiện tượng tiêu cực.
Phó trưởng ban chỉ đạo TƯ về PCTN Vũ Tiến Chiến xác nhận, tình hình tham nhũng hiện vẫn nghiêm trọng, phức tạp, chưa đạt được kết quả như mục tiêu đề ra. Nêu quan điểm về chỉ số xếp hạng của Tổ chức minh bạch Thế giới, ông Chiến cho rằng, sau 3 năm thực hiện Luật PCTN, Việt Nam đã cải thiện dần thứ hạng từ 123 - 121 - 120, tuy chậm nhưng rõ ràng có bước tiến triển. Chính phủ cũng đang xúc tiến xây dựng luật tiếp cận thông tin.
P. Thảo