1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. TPHCM vào mùa mưa
  4. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV

Tham nhũng sẽ "nhờn thuốc" nếu thiếu cảnh giác

(Dân trí) - “Trong đời sống đã thấy những dấu hiệu quen dần với tham nhũng. Chúng ta đã đặt nhiều hi vọng khi lập Ban chỉ đạo phòng chống các cấp nhưng đến giờ chính Chính phủ nêu ý kiến cần xem lại. Phải cảnh giác nếu không trị tham nhũng sẽ nhờn thuốc”…

Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý phát biểu tại phiên thảo luận về công tác phòng chống tham nhũng năm 2011 tại UB Thường vụ chiều 14/10.
 
Tham nhũng sẽ "nhờn thuốc" nếu thiếu cảnh giác - 1
Tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, nghiêm trọng (Ảnh minh họa)

Báo cáo của Chính phủ do Tổng thanh tra Huỳnh Phong Tranh trình bày vẫn nêu nhận định số vụ tham nhũng, đối tượng bị xử lý năm 2011 đều giảm so với năm trước. Tuy nhiên, tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, nghiêm trọng. Việc phát hiện xử lý chưa tương xứng.

Không thỏa mãn với những đánh giá này, Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Văn Hiện gay gắt: “Chính phủ nhận định phòng chống tham nhũng năm 2011 giảm trong khi vẫn thừa nhận tình trạng tham nhũng còn nghiêm trọng, phức tạp, việc xử lý chưa tương xứng với tình hình. Nhưng Chính phủ cần phải tiếp tục làm rõ tình hình tham nhũng nhiều ở cấp nào, ngành nào, địa bàn nào? Phải xác định rõ hơn trách nhiệm, tránh chỉ đánh giá chung chung, rất khó cho việc so sánh tình hình phòng chống tham nhũng năm sau so với năm trước”.

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, ông Hiện chỉ ra một loạt vấn đề. Chính phủ chưa tách bạch được tài sản tham nhũng và tài sản do sai phạm khác, chưa nêu được cụ thể bộ ngành làm tốt và chưa tốt, liệt kê những nơi để xảy ra tham nhũng nghiêm trọng vì nội bộ kém trong việc phát hiện tiêu cực.

Việc Kiểm toán phát hiện tham nhũng, xử lý ngày càng giảm. Những năm gần đây gần như không phát hiện vụ nào. Từ 2001 đến nay cũng gần như không cơ quan nào phát hiện tham nhũng trong nội bộ đơn vị mình.

Các cơ chế phòng chống như chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ trong những lĩnh vực đặc thù, nhạy cảm dễ phát sinh tham nhũng có thể ngăn chặn hiệu quả nhưng việc triển khai lại khó khăn, ít thực tế. Trong khi đó, một bộ phận người dân sẵn dàng hối lộ để được việc, một bộ phận cán bộ công chức lại nhũng nhiễu, gây khó khăn để trục lợi.

Việc xử lý tham nhũng khi đã phát hiện lại dây dưa kéo dài nhiều năm vẫn chưa giải quyết được. Có những vụ án sau nhiều năm điều tra, truy xét cuối cùng lại đình chỉ do “người vi phạm đã khắc phục hậu quả”, số vụ việc phát hiện có dấu hiệu tham nhũng được chuyển sang CQĐT làm tiếp rất hạn chế.

“Công dân trộm cắp tài sản trị giá vài trăm nghìn cũng có thể tù 3-5 năm nhưng quan chức trục lợi từ một dự án nhà đất có thể đến hàng chục tỷ đồng vẫn an toàn. Sự phát hiện, xử lý nhà nước về tham nhũng ngày càng ít. Đây là điều đáng lo ngại” – ông Hiện thở dài.

Đồng ý với những nhận định này, Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý cũng cho rằng báo cáo của Chính phủ chưa “vẽ” được một bức tranh thực sự về thực trạng công tác phòng chống tham nhũng. “Chúng ta bỏ ra rất nhiều công sức, tìm nhiều biện pháp nhưng tình hình vẫn chuyển biến rất chậm và kết quả cũng chưa rõ nét, biện pháp thực hiện hiệu quả chưa cao. Chúng ta đã đặt nhiều hi vọng khi lập Ban chỉ đạo phòng chống các cấp nhưng đến giờ chính Chính phủ nêu ý kiến cần xem lại. Trong đời sống đã thấy những dấu hiệu quen dần với tham nhũng. Phải cảnh giác nếu không trị tham nhũng sẽ nhờn thuốc” – ông Lý cảnh báo.

Phó Chủ tịch QH Uông Chung Lưu cũng không giấu lo lắng: “Tội phạm tham nhũng thường là dạng ẩn, vì vậy rất cần có các con số cụ thể cho tình hình này. Nếu không, mọi biện pháp sẽ chỉ lơ lửng trên không trung”.

Người đại diện Thanh tra Chính phủ lý giải, khi nhận định đánh giá tình hình, ngoài số liệu có thể cân đo đong đếm được, cơ quan này còn dựa vào những kết quả nghiên cứu như báo cáo thường niên về những chi phí không hoạch toán được của doanh nghiệp của VCCI, báo cáo đánh giá ý kiến cử tri của MTTQ, đánh giá của các tổ chức quốc tế…

“Ví dụ, tổ chức minh bạch thế giới năm nay vẫn “chấm” Việt Nam điểm 2,7/10, không khác 2010. Báo cáo của VCCI và MTTQ cũng vậy. Căn cứ vào đó có thể thấy tình hình tham nhũng vẫn chưa chuyển biến” – đại diện Thanh tra Chính phủ trình bày.

Một vấn đề gây tranh cãi là kiến nghị của Chính phủ xin thí điểm thay đổi quy định lãnh đạo cơ quan hành chính làm Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng. Tổng thanh tra Chính phủ trình bày phương án thí điểm quy định Bí thư Đảng ủy đảm nhiệm vị trí này.

Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng yêu cầu giải trình rõ vì làm vậy là trái quy định hiện hành. Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh cho biết, quá trình làm việc với các địa phương, 40-50% số tỉnh thành đề nghị nghiên cứu “chỉnh” quy định theo hướng này.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng “bác” quan điểm này với lý do không có căn cứ thuyết phục, chưa làm rõ được vấn đề vì sao người đứng đầu cơ quan hành chính làm Trưởng Ban chỉ đạo sẽ không hiệu quả bằng Bí thư.

P.Thảo