1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Thăm lại những chiến sĩ giữ rừng Núi Mang

(Dân trí) - Máu của những chiến sĩ kiểm lâm đã đổ xuống để giữ “máu” của rừng. Nhưng cuộc chiến thật không cân sức giữa một bên là lực lượng lâm tặc đông đảo, manh động, liều lĩnh; một bên là 6 chiến sĩ gác rừng ở trạm kiểm lâm cheo leo trên đỉnh đồi.

Thăm lại những chiến sĩ giữ rừng Núi Mang - 1

Bữa ăn trưa vội đạm bạc cũng là phút nghỉ ngơi hiếm hoi giữa rừng.

 

Chúng tôi ngược lên huyện vùng cao Đông Giang, Quảng Nam thăm lại Đồn Kiểm lâm số 10 Núi Mang, trực thuộc Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Bạch Mã, đóng tại xã Sông Kôn, huyện Đông Giang, nơi Dân trí đã từng đưa tin về vụ những chiến sĩ giữ rừng ở đây bị lâm tặc tấn công vào giữa tháng 8 vừa rồi.

 

Đồn nằm trên đỉnh đồi heo hút ở cuối cùng thôn Sơn. Ở đó, đã 2 năm nay, sáu chiến sĩ kiểm lâm vẫn cần mẫn gác rừng, giữ sự bình yên cho màu xanh của núi.

 

Người “gác đền” mẫn cán

 

Cơn mưa bất chợt ở vùng cao khiến cuộc trò chuyện bị gián đoạn bởi tiếng sét đì đùng và tiếng mưa dội trên mái tôn lộp độp. Anh Phan Văn Huấn, kiểm lâm viên Đồn Kiểm lâm số 10, chia sẻ: “Ở đây là như rứa đó. Trên đỉnh đồi nên mưa cứ tha hồ mà xối. Lâu dần thành quen. Ngày thì bất chợt nắng, bất chợt mưa, đêm thì lạnh tới thấu xương”.

 

Anh chia sẻ, một ngày của những người kiểm lâm viên tại Đồn Kiểm lâm số 10 Núi Mang bắt đầu từ khi tiếng gà rừng gáy te te còn chưa dứt phía bên kia sườn đồi. Suốt hành trình mất đến 1 ngày ròng rã ấy, mang trên mình gần 30 kg quân trang, những bước chân của các anh trải dài suốt hơn 20 cây số đường rừng.

 

“Mùa ni còn đỡ, thời điểm từ tháng 4 tới tháng 9 hàng năm anh em mới thực sự vất vả. Vì đó là mùa cao điểm về phòng cháy chữa cháy rừng, nên có khi anh em phải đi suốt mấy ngày liền, ăn, ngủ trong rừng”, anh Huấn nói.
 
Thăm lại những chiến sĩ giữ rừng Núi Mang - 2
Mỗi cuộc hành trình, hành trang là gần 30 kg trên vai người chiến sĩ kiểm lâm

 

Là một trong những địa bàn xa nhất của Vườn Quốc gia Bạch Mã, Đồn Kiểm lâm số 10 Núi Mang chính thức hoạt động từ tháng 8/2009. Sáu người ở trong một căn nhà xây tí xíu trên đỉnh đồi nhưng phải đảm nhiệm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát, tuyên truyền giáo dục bà con về công tác bảo vệ rừng trên địa bàn trải dài qua 4 xã thuộc vào loại “heo hút” nhất nhì huyện Đông Giang là Tà Lu, Sông Kôn, Ating và Tư.

 

Hơn ba mươi km, đó là bán kính phạm vi mà đồn phải đảm nhiệm, tức là một người phải “gánh” trên mình gần 10km2 diện tích rừng. Chừng đó thôi cũng đủ để mường tượng ra trách nhiệm nặng nề của những người “gác rừng” ở đây.

 

“Những con người thầm lặng” - đó là cách nói vui mà anh Huấn và các anh em trong trạm tự đặt cho mình và công việc của mình. “Thầm lặng” vì giữa bốn bề là núi, các anh tự nhiên thành xa lạ với những hối hả ồn ào của đời thường. “Thầm lặng” vì những lần đi tuần tra, những chuyến truy quét lâm tặc, không ai bảo ai, sự lặng im cứ thế theo suốt hành trình.
 
Thăm lại những chiến sĩ giữ rừng Núi Mang - 3
Những người giữ rừng núi Mang

 

Máu vẫn chảy giữa rừng…

 

Trong câu chuyện tếu của những người chiến sĩ làm nhiệm vụ giữ rừng ấy, đằng sau nụ cười, mấy ai biết được những hiểm nguy mà họ phải đối mặt. Bởi, sự hài hước của họ đã biến những khó khăn thành nụ cười, “nhẹ nhàng” như cách họ cười giữa rừng.

 

Phải đi cùng, tận mắt chứng kiến và cùng họ trải qua, mới cảm nhận được những ẩn họa rình rập khôn lường. Chỉ vào đoạn suối, nước chỉ quá thắt lưng mà cả đoàn sắp phải băng qua, anh Pơloong Góp bảo “Ngó rứa đó, chứ sơ sẩy là nó cuốn phăng anh xuống ghềnh đá đằng kia, móp sọ ngay”.
 
Thăm lại những chiến sĩ giữ rừng Núi Mang - 4
 
Chuyện vượt suối cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro

 

Phải một người bơi vòng sang trước , sau đó giữ một đầu dây, hai, ba người chia nhau giữ từng đoạn dây còn lại để từng người qua suối. Khúc suối này cũng chính là nơi anh Huấn từng bị cuốn trôi khi cố gắng kéo anh Sinh (Hạt kiểm lâm huyện Đông Giang) qua suối. Rất may lúc đó nước lớn nên các anh không bị va vào đá. Cũng chính nơi đây anh Huấn phải lao xuống dòng nước dữ để cứu anh Ngô Viết Nhơn, Phó Giám đốc Vườn quốc gia Bạch Mã trong một lần tuần tra, khảo sát mốc ranh giới của Vườn với lâm trường Sông Kôn.

 

Rừng thiêng nước độc chưa phải là mối ẩn họa ghê gớm nhất mà các anh phải đối mặt. Kẻ thù khiến các anh phải đổ máu chính là lâm tặc. Chiếc ti vi trong trạm vẫn còn nguyên một vết chém, chứng cứ hữu hình cho một lần bọn lâm tặc táo tợn vào tận trạm kiểm lâm, kề dao vào cổ anh Minh để uy hiếp.

 

Hay mới đây nhất, anh Võ Trọng Hảo bị lâm tặc dùng đá tấn công đến chấn động não, phải chuyển ra bệnh viện trung ương Huế điều trị, súng và điện thoại thì bị chúng cướp, quăng vào bụi rậm.
 
Thăm lại những chiến sĩ giữ rừng Núi Mang - 5
Anh Võ Trọng Hảo và vết thương trên đầu trong một lần bị lâm tặc tấn công

 

Máu của những chiến sĩ kiểm lâm, trạm Kiểm lâm số 10 Núi Mang đã đổ xuống để giữ “máu” của rừng. Nhưng cuộc chiến thật không cân sức giữa một bên là lực lượng lâm tặc đông đảo, manh động, liều lĩnh; một bên là 6 chiến sĩ gác rừng ở trạm kiểm lâm cheo leo trên đỉnh đồi.

 

Khi chúng tôi thực hiện bài viết này, Đồn Kiểm lâm số 10 Núi Mang đã được tăng cường thêm 4 chiến sĩ nữa, nâng tổng quân số lên 10 người. So với lực lượng lâm tặc ngày càng manh động và táo tợn, con số 10 vẫn hết sức ít ỏi, nhưng với ý chí sắt đá, tình yêu vĩnh cửu dành cho rừng, chúng tôi tin họ sẽ chiến thắng trong cuộc chiến giữ rừng đầy cam go.

 

Nguyễn Thành Công

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm