1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Thảm họa tai nạn giao thông: Nguyên nhân số 1 do rượu bia

(Dân trí) - Theo thống kê tại các bệnh viện, lạm dụng rượu bia khi tham gia giao thông là nguyên nhân số 1 gây tử vong và tai nạn thương tích. Nguyên nhân quan trọng khác liên quan đến mũ bảo hiểm (MBH).

Đó là khẳng định của ông Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế, Trưởng Tiểu ban Ứng phó sau tai nạn giao thông (TNGT) tại Hội nghị An toàn giao thông (ATGT) Việt Nam năm 2014 diễn ra vào cuối tuần trước.

Theo các đại biểu ở Tiểu ban Ứng phó sau TNGT, cần tập trung chống lạm dụng rượu bia, bởi vì thống kê tại các bệnh viện nguyên nhân số 1 gây tử vong và tai nạn thương tích do lạm dụng rượu bia.

Nguyên nhân TNGT gây tử vong và thương tích chủ yếu là do lạm dụng rượu bia (ảnh minh họa)
Nguyên nhân TNGT gây tử vong và thương tích chủ yếu là do lạm dụng rượu bia (ảnh minh họa)

Phân tích về ứng phó sau TNGT, ông Lương Ngọc Khuê cũng nêu thực trạng công tác cấp cứu trước bệnh viện cần được quan tâm đầu tư về chất lượng nguồn nhân lực, công nghệ thông tin, đào tạo trang thiết bị.

“Hiện nay có nhiều trường hợp do xử lý sai nên khi bị chấn thương cột sống thay vì cho nằm cáng cứng để có thể cứu được thì lại đặt trên cáng mềm khiến liệt tủy và tử vong” - ông Khuê thông tin.

Trong khi đó, những kiến thức cấp cứu ban đầu của người tham gia giao thông như người dân, lái xe, cảnh sát và lực lượng tham gia cấp cứu ban đầu rất quan trọng, cần nâng cao. Đồng thời các cơ quan chủ quản đường cao tốc cần thực hiện các quy định về phương tiện cấp cứu, cơ số thuốc, trang thiết bị và điểm cấp cứu để sẵn sàng thực hiện ứng cứu. Cần có hệ thống này để giảm hậu quả tai nạn khủng khiếp xảy ra.

Liên quan đến MBH, ông Lương Ngọc Khuê cho biết về thống kê ở các bệnh viện, cùng với rượu bia thì MBH là nguyên nhân thứ 2 gây tử vong. Đây là vấn đề báo động mà ngành giao thông và các cơ quan liên quan đã vào cuộc.

“Nếu đội MBH đúng quy cách làm giảm 42% nguy cơ chết và 69% nguy cơ chấn thương sọ não. Hiện nay có khoảng 90% người đi xe máy đội MBH nhưng số mũ đạt yêu cầu hấp thu xung động chỉ đạt 16% và trong số MBH được dán tem đạt chuẩn theo quy chuẩn chỉ có 39,5% chỉ đạt yêu cầu về hấp thu xung động” - ông Lương Ngọc Khuê cho hay.

Trưởng tiểu ban Ứng phó sau TNGT Lương Ngọc Khuê cũng đề nghị cơ quan công an vào cuộc xử lý tình trạng mua bán giấy chứng nhận sức khỏe giả cho các lái xe; đồng thời loại khỏi đội ngũ lái xe kinh doanh vận tải những người sử dụng chất gây nghiện.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng - Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia - đề nghị Bộ Y tế tiếp thu những đề xuất về hệ thống cấp cứu TNGT trước bệnh viện và công tác khám sức khỏe cho lái xe, phòng chống lạm dụng rượu bia để sửa đổi bổ sung các dự án đầu tư phát triển hệ thống sơ cứu TNGT trên mạng lưới y tế cơ sở và các quy định pháp luật về phòng chống rượu bia và quản lý giám sát việc khám sức khỏe lái xe; Bộ trưởng Đinh La Thăng đề nghị Bộ Y tế chủ trì xây dựng hệ thống cấp cứu trên đường cao tốc mà Thủ tướng đã chỉ đạo triển khai.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia: Sau nhiều năm, trong 2 năm liền 2012 - 2013, số người chết do TNGT giảm xuống dưới 10.000 người. Đặc biệt, năm 2014, số người chết đã giảm xuống dưới 9.000 người, giảm được 2.400 người so với năm 2011. Đây là những con số có ý nghĩa quan trọng vì tính mạng con người là quý giá nhất. Tuy nhiên, tình hình TNGT vẫn đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi phải tiếp tục suy nghĩ, trăn trở. Trong năm 2014 vẫn xảy ra một số vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách, xe container.

TNGT trên địa bàn nông thôn vẫn diễn biến phức tạp, công tác kiểm soát tải trọng phương tiện chưa đạt kết quả như mong muốn, năng lực và chất lượng hạ tầng giao thông, hiệu quả của công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm vẫn còn nhiều hạn chế. Đây là những thách thức đặt ra cho năm 2015 và những năm tiếp theo.

Châu Như Quỳnh