Thăm đường hầm kỳ diệu ẩn dưới lớp đất "cứng rắn lạ thường"
(Dân trí) - Cấu tạo đất Củ Chi cứng rắn lạ thường, hầm không sâu nhưng chống được đạn, pháo và sức nặng của xe tăng, bọc thép, nhiều khu vực sâu dưới lòng đất còn chống được cả bom cỡ nhỏ...
Khu địa đạo Củ Chi (TPHCM) là những dấu tích chiến tranh có từ thời kháng chiến chống Pháp và phát triển mạnh mẽ trong kháng chiến chống Mỹ.
Địa đạo được đào theo hình xương cá, bố trí liên hoàn với địa đạo có các hầm rộng để nghỉ ngơi sau khi chiến đấu, có thể mắc võng được trong đó. Trong địa đạo bố trí những kho dự trữ vũ khí, lương thực, thực phẩm, nước uống...
Cùng hệ thống liên hoàn với địa đạo còn có giếng nước, bếp Hoàng Cầm, hầm làm việc của các vị lãnh đạo, chỉ huy, hầm giải phẫu, nuôi dưỡng thương binh, hầm chữ A vững chắc để phụ nữ, người già, trẻ em trú ẩn... Còn có cả những hầm lớn, mái lợp thoáng mát, bên trên ngụy trang khéo léo để hội họp, chiếu phim, biểu diễn văn nghệ...
Cấu tạo đất Củ Chi cứng rắn lạ thường, hầm không sâu nhưng chống được đạn, pháo và sức nặng của xe tăng, bọc thép, nhiều khu vực sâu dưới lòng đất còn chống được cả bom cỡ nhỏ. Trong địa đạo có những nút chặn ở những điểm cần thiết để ngăn chặn địch hoặc chất hoá học do địch phun vào.
Trở về thăm địa đạo Củ Chi hôm nay, sững sờ khâm phục những đường hầm kỳ diệu năm xưa!
Địa đạo là kỳ quan độc nhất vô nhị dài 250km chạy ngoắt ngoéo trong lòng đất, đặc biệt được làm từ dụng cụ thô sơ là lưỡi cuốc và xe xúc đất. Hầm bí mật cấu tạo theo nhiều cách nhưng chủ yếu là trong lòng đất, chỉ có một miệng lên xuống vừa lọt vai người và có lỗ thông hơi để thở. Khi đóng nắp miệng hầm lại, kẻ địch đi trên mặt đất rất khó phát hiện.