1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Thái Bình "xóa" 11.000ha khu bảo tồn: Là rừng đặc dụng phát triển kém?

Đức Văn

(Dân trí) - Việc tỉnh Thái Bình quyết định thu hẹp diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải để xây đô thị, du lịch nghỉ dưỡng, sân golf đang gặp phải rất nhiều luồng ý kiến khác nhau.

Khu bảo tồn thiên nhiên "mất trắng" 11.000ha?

Tháng 4 vừa qua, UBND tỉnh Thái Bình đã có quyết định số 731 về việc xác định vị trí, quy mô diện tích, ranh giới khu rừng đặc dụng tại 3 xã ven biển Nam Phú, Nam Hưng và Nam Thịnh, thuộc huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình có tên gọi là Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải (khu bảo tồn Tiền Hải).

Thái Bình xóa 11.000ha khu bảo tồn: Là rừng đặc dụng phát triển kém? - 1

Một bảng thông báo của Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải.

Theo quyết định này, khu bảo tồn Tiền Hải sẽ nằm ở vị trí vùng ngoài đê biển thuộc 3 xã Nam Phú, Nam Hưng, Nam Thịnh của huyện Tiền Hải. Phía bắc, phía nam và phía đông giáp quy hoạch khu đô thị, dịch vụ, nghỉ dưỡng, sân golf Cồn Vành - Cồn Thủ. Phía tây giáp quy hoạch khu nuôi trồng hải sản công nghệ cao.

Thái Bình xóa 11.000ha khu bảo tồn: Là rừng đặc dụng phát triển kém? - 2

Phía bên trong Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải là hệ sinh thái cây ngập mặn.

Khu bảo tồn Tiền Hải có quy mô diện tích 1.320ha, bao gồm phần đất rừng ngập mặn 632ha và diện tích đất chưa có rừng là 688ha. Ranh giới của khu bảo tồn Tiền Hải được xác định bằng 38 điểm tọa độ từ P1 đến P38.

Trước đó, ngày 26/9/2014, UBND tỉnh Thái Bình có quyết định 2159 về việc phê duyệt đề án và xác lập khu bảo tồn Tiền Hải. Quyết định phê duyệt đề án và xác lập quy mô khu bảo tồn Tiền Hải là 12.500ha, gồm 1.430ha rừng, 11.050ha đất ngập nước và bãi bồi.

Thái Bình xóa 11.000ha khu bảo tồn: Là rừng đặc dụng phát triển kém? - 3

Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải nhìn từ trên cao xuống.

Quyết định 2159 cũng xác lập vị trí của khu bảo tồn nằm ở tả ngạn cửa Ba Lạt thuộc huyện Tiền Hải, ranh giới phía Tây giáp đê thuộc các xã Nam Phú, Nam Hưng và Nam Thịnh. Phía Nam khu bảo tồn là sông Hồng, phía Đông là dải cồn cát cao Cồn Vành, Cồn Thủ từ cửa Ba Lạt đến cửa Lân, tiếp giáp với biển.

Như vậy, với quyết định số 731, khu bảo tồn Tiền Hải bị thu hẹp từ 12.500ha xuống còn 1.320ha.

Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải là tên gọi của khu rừng đặc dụng (?)

Lý do để tỉnh Thái Bình ra quyết định thu hẹp diện tích khu bảo tồn Tiền Hải là để phù hợp với việc phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình, được thành lập theo Quyết định số 36/2017 của Thủ tướng Chính phủ.

Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1486 phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Thái Bình đến năm 2040, tầm nhìn đến 2050.

Thái Bình xóa 11.000ha khu bảo tồn: Là rừng đặc dụng phát triển kém? - 4

Bản đồ quy hoạch khu đô thị, du lịch, nghỉ dưỡng, sân golf Cồn Vành - Cồn Thủ.

Theo quyết định này, Khu kinh tế Thái Bình có quy mô trên 30.583ha, gồm 30 xã, một thị trấn của 2 huyện Tiền Hải và Thái Thụy; trong đó phần phía Đông giáp Biển Đông hơn 50km, phía Bắc giáp thành phố Hải Phòng qua sông Hóa, phía Nam và Tây Nam giáp với Nam Định qua sông Hồng, phía Tây giáp các xã còn lại của huyện Thái Thụy và Tiền Hải.

Thái Bình xóa 11.000ha khu bảo tồn: Là rừng đặc dụng phát triển kém? - 5

Các chủ đầm nuôi tôm sú, cua đã trồng rất nhiều cây sú trong đầm với tuổi đời hơn 20 năm.

Ông Đặng Văn Khương, Chủ tịch UBND xã Nam Phú, huyện Tiền Hải, cho biết: "Nam Phú là một trong 3 xã có diện tích đất nằm trong khu bảo tồn. Theo như Quyết định 2159 năm 2014 của UBND tỉnh Thái Bình, xác lập khu rừng đặc dụng với tên gọi Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải.

Chúng tôi cũng rất lăn tăn về việc là đây là khu bảo tồn hay là khu rừng đặc dụng. Nếu gọi là khu bảo tồn cũng đúng mà gọi là khu rừng đặc dụng cũng đúng. Vì đây là theo quyết định của tỉnh. Về hiện trạng thì hiện nay khu rừng đặc dụng này không hiệu quả, phát triển kém".

Thái Bình xóa 11.000ha khu bảo tồn: Là rừng đặc dụng phát triển kém? - 6

Quyết định 2159 năm 2014 của UBND tỉnh Thái Bình, xác lập khu rừng đặc dụng với tên gọi Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải

Ông Khương cho biết thêm, Nam Phú có khoảng 4.900ha trong khu bảo tồn Tiền Hải, trong đó khoảng hơn 400ha là rừng đặc dụng, còn lại là đầm nuôi trồng thủy sản và bãi mặt nước.

Liên quan đến sự việc trên, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học cho rằng Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải cần tiếp tục được duy trì và bảo vệ đảm bảo nguyên tắc hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, không đánh đổi môi trường với phát triển kinh tế.

Lãnh đạo Bộ TN&MT cũng đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Thái Bình cung cấp thông tin, làm rõ phản ánh về các cơ sở pháp lý, thực tiễn đối với việc điều chỉnh diện tích khu bảo tồn Tiền Hải.