1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Thách thức thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050

Phùng Minh

(Dân trí) - Việt Nam cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Đây là xu thế, vấn đề đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Việt Nam cùng thế giới chung tay ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tại diễn đàn "Trách nhiệm cộng đồng và doanh nghiệp trong việc thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050" diễn ra hôm 14/12, TS. Nguyễn Linh Ngọc - Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam cho biết, những năm gần đây trên thế giới và Việt Nam liên tục xuất hiện các hiện tượng thiên nhiên bất thường như hạn hán, lũ lụt, động đất… do biến đổi khí hậu làm hàng ngàn người chết và mất tích, thiệt hại vật chất không thể đong đếm được. Đây là một trong những vấn đề nghiêm trọng, thách thức lớn đối với toàn nhân loại.

Thách thức thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 - 1

Ông Nguyễn Linh Ngọc - Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam (Ảnh: M.T).

Nguyên nhân chính được ghi nhận do lượng phát thải khí nhà kính không có xu hướng giảm trong những năm qua. Nếu tình trạng này còn gia tăng sẽ làm nặng nề thêm những thay đổi của khí hậu toàn cầu cũng như gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đối với tự nhiên và con người.

Để giảm những hậu quả do biến đổi khí hậu gây ra, điều quan trọng phải giảm phát thải khí nhà kính. Theo ông Ngọc, hiện nay các nước như Hoa Kỳ, Nhật Bản hay Hàn Quốc… đã và đang xây dựng cơ chế để giảm phát thải khí nhà kính.

"Tại Việt Nam, giảm phát thải nhà kính đã được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030; Chiến lược quốc gia về chống biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, đồng thời đưa ra một lộ trình tổng thể nhằm hiện thực hóa các mục tiêu khí hậu đã cam kết bằng việc tạo hành lang pháp lý, thúc đẩy và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, các ngành, các địa phương cùng có trách nhiệm giảm phát thải", ông Ngọc thông tin.

Trong khi đó, TSKH. Phan Xuân Dũng - Chủ tịch Liên Hiệp Hội Việt Nam nhấn mạnh, để đạt được mục tiêu vào năm 2050 phát thải ròng bằng 0 cần nhiều yếu tố, nỗ lực chung, đặc biệt quan trọng là những đóng góp, kiến nghị của các nhà khoa học, chuyên gia về môi trường, công nghệ.

Ông Tăng Thế Cường - Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, Việt Nam cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Đây là xu thế, vấn đề đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Việt Nam cùng thế giới chung tay ứng phó với biến đổi khí hậu. 

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Halcom Việt Nam phản ánh, từ năm 2023, EU sẽ thí điểm áp dụng Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM). Hàng hóa xuất khẩu sang thị trường EU sẽ bị áp thuế carbon dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất tại nước sở tại. Từ năm 2024, Hoa Kỳ dự kiến áp dụng CBAM. Tuy nhiên Luật Bảo vệ Môi trường 2020 chưa có cơ chế cụ thể, hướng dẫn chi tiết.

Khẳng định đó là thách thức rất lớn với cam kết phát thải ròng bằng "0", ông Huân đề xuất giải pháp lập mô hình tài chính - kỹ thuật nhằm đạt được mục tiêu vào năm 2050. Đồng thời nghiên cứu cơ chế hoạt động của thị trường tín chỉ carbon trên thế giới để áp dụng sớm tại Việt Nam, có thể ngay từ 2023.

Thách thức thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 - 2

Ông Hoàng Văn Tâm phát biểu tại diễn đàn (Ảnh: M.T).

Ông Hoàng Văn Tâm - Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công thương) phản ánh, giai đoạn 2020-2025 sẽ không giao dịch các dự án lò hơi dùng nhiên liệu hóa thạch; không phê duyệt các dự án nhiệt điện than mới.

Đến năm 2030 sẽ có khoảng 60% xe ô tô bán ra là xe điện; loại bỏ nhiệt điện than ở các nước phát triển. Giai đoạn đến năm 2035, hầu hết thiết bị điện và làm lạnh bán ra thị trường có hiệu suất cao nhất; 50% xe tải trọng lớn chạy bằng điện và không bán xe chạy xăng ra thị trường.  

Giai đoạn đến năm 2040 sẽ khoảng 50% tòa nhà đạt mức phát thải bằng 0; 50% nhiên liệu vận tải hàng không mức phát thải thấp; 90% các ngành công nghiệp nặng được đầu tư công nghệ trình độ cao nhất, tiến tới đạt phát thải 0 trong ngành điện trên toàn cầu và loại bỏ toàn bộ các nhà máy điện than…