1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Tết Tây Tết Ta sa đà chuyện quà!

Tưởng rằng sống ở Bỉ này sẽ nhẹ đầu chuyện quà Tết, ai ngờ phức tạp bội phần. Tôi không có khả năng tài chính mạnh để mua Iphone và Ipad tặng bố mẹ chồng Pháp như cô bạn Hồng Kông, cũng không đủ can đảm sắm quần lót tặng em trai chồng như cô bạn Singapore…

Tôi tặng gì và nhận lại gì?

Tết Tây Tết Ta sa đà chuyện quà!
Trang phục dân tộc Việt và biểu tượng chú bé tè mặc áo dài (ảnh dưới) trong Tuần lễ văn hóa Việt Nam tại Bỉ, 2012.

Một buổi Ladies Night 

Cuối năm, lịch hẹn Ladies Night (đêm hội các quý bà) của tôi cùng nhóm bạn người Singapore, Hồng Kông, Đài Loan diễn ra tại nhà hàng Nhật ở thành phố Leuven. 

Mượn tạm thương hiệu mang tính “giải phóng phụ nữ” cho sang, thực chất chúng tôi không vào bar xem nam giới thoát y và hò hét! Nghĩ thương các ông chồng tình nguyện trông con ở nhà. 

Ông chủ quán bê sake nóng ra cùng bốn chiếc chén nhỏ có hình đàn ông bán khỏa thân lung linh dưới đáy, nháy mắt tinh nghịch. Cả đám chờ đợi điều gì? “Uống cạn đáy anh ta nuy hoàn toàn?”- Claire hy vọng. 

Tôi và Hong uống đến bình rượu thứ hai, mắt mơ màng rồi mà vẫn nhìn rõ cái quần lót dưới đáy cốc. Làm sao mà say được khi tôi khơi mào chuyện quà Tết, tháng mười hai ngập trong mớ hóa đơn quà tặng. 

Nào tặng mẹ chồng, bố mẹ đỡ đầu của chồng, bố mẹ đỡ đầu của các con, con đỡ đầu của chồng... Có những món quà mình mua chẳng bao giờ thấy người nhận dùng! 

­­­­“Đừng để chuyện quà Tết làm hỏng cuộc vui”- Elvie người Hồng Kông an ủi tôi. “Năm ngoái cậu tặng bố mẹ chồng Iphone và Ipad đúng không, xin lỗi hơi tò mò, vậy quà họ cho vợ chồng cậu là gì?”. Elvie lắc đầu “Cậu sẽ hối hận vì đã hỏi. Tớ và chồng mỗi người được 1.000 Euro, hai con của chúng tớ mỗi đứa 500 Euro”. 

Claire, cô bạn Singapore bấy đến giờ mải nhìn đáy cốc, tỏ ra cáu bẳn vì chuyện quà cáp làm cô mất hứng “Tớ không mê được phong tục tặng quà và phải mở quà trước mặt mọi người ở đây. Như thế khác nào bắt người ta giả dối?”. 

Claire có kinh nghiệm đau thương về chuyện này. Đó là cái Tết Tây đầu tiên cô dự tiệc sum họp cùng gia đình chồng ở Bỉ. Cô nhận được gói quà không trông đợi- những hộp nến! Chắc gương mặt cô khi ấy hiện lên dòng chữ “sao lại thế?!”. Rồi chợt tỉnh, Claire vội chành miệng ra, reo lên, kèm vỗ tay cho chắc để chuyển thông điệp thành “sao thích thế!”. 

Buổi Ladies Night biến thành cuộc tranh luận về quà tặng ngày Tết! Rồi cũng vớt vát đôi chút vui về cuối khi Hong tò mò hỏi “Claire, nhà chồng cậu đông anh em trai. 

Tết này cậu mua gì tặng bọn trai tân ấy?” “Quần lót, hàng đắt tiền một chút. Nghe buồn cười phải không, nhưng mà thiết thực”. 

“Làm sao biết của mấy cậu ấy?” “Chúng nó đi qua mặt mình là đoán ra , khỏi phải hỏi”- Claire bình thản uống sake và lại nhòm nhòm đáy cốc. Cả lũ phá lên cười! 

Ngân sách đỏ 

Phong bao lì xì hay còn gọi ngân sách đỏ kiểu Tết Ta dĩ nhiên cũng được nhiều gia đình châu Âu áp dụng. Nhưng thường là bố mẹ tặng tiền cho con cái (cả khi đã trưởng thành) chứ không phải con cái biếu tiền bố mẹ như ở Việt Nam.

Ngược lại, con cái có bổn phận mua những món quà vật chất thiết thực tặng lại bố mẹ. Vợ chồng Elvie được tặng một món tiền khá lớn như vậy là ví dụ. 

Còn vợ chồng tôi, đương nhiên, Tết đến cũng được mẹ chồng gửi cho một lá thư, trong thư có thiệp và khoảng 200 Euro. 

Tết năm ngoái, vì chồng tôi thường xuyên làm thêm cuối tuần, mẹ chồng nghĩ tài chính khấm khá hơn chăng, tiền lì xì rút xuống còn 150 Euro. 

Bố mẹ đỡ đầu của chồng tôi đều sắp 90 tuổi, cũng thường trao lại những phong bì nhỏ xinh trước khi tiễn chúng tôi ra khỏi trại dưỡng lão. 

Lúc 50 Euro, khi thì 25 Euro mỗi người, lũ trẻ con cũng được các cụ lì xì 5- 10 Euro! Chẳng khác nào đang Mùng Một Tết ở Việt Nam! 

Tết Tây Tết Ta sa đà chuyện quà!
Tấm lòng của chúng tôi đáp lại là mua những bó hoa, nước hoa tặng mẹ chồng, mẹ đỡ đầu của chồng và mẹ đỡ đầu của các con, tiếp đó vác rượu hoặc vài chai bia đến biếu bố đỡ đầu của chồng và bố đỡ đầu của các con. 

Nhưng đối tượng ngang hàng mình trong đại gia đình khó xử nhất! Kem dưỡng da tay cho các chị em dâu khá thiết thực, nhưng chẳng lẽ năm nào cũng kem? Có năm tôi mạnh dạn đổi sang mua phiếu ăn nhà hàng đựng trong hộp quà tặng tiện lợi. 

Ai chả thích đi ăn nhà hàng, lại được tùy chọn trong mấy chục cửa hàng đủ loại Á, Âu! Nhưng cũng Claire thông báo làm tôi ngán ngẩm “Tớ từng nhận quà tặng này, gọi đến nhà hàng nào cũng kêu kín chỗ. Cứ thế vài ba lần đâm nản, có khi phiếu hết hạn chẳng kịp dùng!”. 

Ở Việt Nam hóa ra đơn giản, chỉ cần biếu bố mẹ và ông bà tiền, lì xì cho trẻ nhỏ và biếu chút ít (cũng tiền, nếu có) mừng thọ các bậc cao niên khác, khỏi đau đầu! 

Đúng là Tết đến chỉ trẻ con sung sướng. Những đứa bé lai Á- Âu còn được đón Tết hai lần trong năm, Tết Tây và Tết Ta, tương đương hai lần ngân sách đỏ. 

Bố mẹ thì lo đỏ mặt! Claire trong đợt nghỉ hè về Singapore đã vội sưu tầm tiền giấy loại một và hai đô la Sing mới cứng chuẩn bị cho Tết Nguyên Đán. 

Một chị bạn người Việt khác của tôi ở Brussels kể “Vừa mua quà cho con dịp Giáng sinh và Tết Tây, hao quá rồi nên Tết Việt mình chủ trương chỉ sắm bánh chưng bánh tét. 

Nhưng năm ngoái hẹn mấy người bạn Việt dùng cơm, họ rút phong bao đỏ lì xì con mình, mình cũng phải mừng lại con họ, năm nay chưa đến Tết chúng đã nhắc. Thôi, coi như giữ nếp Tết nhà!”. Đấy, muốn lờ lớ lơ cũng chẳng xong! 

Quà tặng thời gian 

Sau những buổi Ladies Night, tôi còn vỡ lẽ ra ở Bỉ có hẳn một ngân sách pamperrekening- tạm dịch nghĩa đen “hóa đơn tã lót”! Một đứa trẻ mới ra đời, người Bỉ thường tặng gì, giá trị bao nhiêu cho phải phép trong mối quan hệ của họ với đứa bé đó hoặc bố mẹ đứa bé đó? 

Sau một ngày mệt lả mua sắm quà cáp gia đình chồng dịp Tết, ngốn của tôi 500 Euro tổng thể, cả đêm tôi trằn trọc, nghĩ về những món quà người Bỉ tặng tôi, món quà nào khiến tôi nhớ nhất? 

Tiền ai chẳng thích, nhưng tiêu hết veo. Giờ tôi chỉ còn lại hai chiếc đồng hồ, một mẹ chồng tặng và chiếc kia bố đỡ đầu của chồng cho. 

Đồng hồ chẳng tiêu được, giá trị không lớn nhưng Tết nào cũng vậy, trước khi đến nhà anh trai chồng dự bữa cơm sum họp, vợ chồng tôi lại đeo đồng hồ như khoác lên tay món đồ trang sức quý. 

Từ ngày có điện thoại di động tôi chẳng dùng đồng hồ đeo tay nữa. Sao người già ở đây còn thích tặng? Ừ nhỉ, quà tặng thời gian cho một năm mới sắp sang, để biết rằng mình lại sắp tiêu đi một khoản kha khá ngân sách thời gian đời người! 

Theo Kiều Bích Hương

Tiền phong