1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Cải tạo kênh rạch ô nhiễm ở TPHCM

Tết lạnh bên dòng Cửa Tiền

(Dân trí) - Ngày tết, nhà nhà sắm sửa đón tết, nhưng ở xóm chài nghèo bên dòng sông Cửa Tiền (TP Vinh, Nghệ An) vẫn lặng im như không có tết. Ngày tết đối với xóm chài này chỉ khác là sẽ không phải đi đánh cá trên sông, vì chẳng biết bán cho ai mua…

Phía sau những dãy nhà cao tầng và khu chợ Vinh sầm uất bậc nhất Nghệ An là dòng sông Cửa Tiền. Con sông bé nhỏ này đang là nơi trú ngụ của những phận người nghèo khổ. Những con đò cũ, những túp lều tranh chênh vênh bên sông là nơi cư ngụ của họ, những cư dân bị coi là “ngụ cư” bất hợp pháp.
 Xóm vạn chài bên dòng sông Cửa Tiền buồn lặng trong ngày tết đến.
 Xóm vạn chài bên dòng sông Cửa Tiền buồn lặng trong ngày tết đến.

Đã là đêm cuối năm, nhưng không khí của những người dân nơi đây buồn hơn cả những ngày thường nhật. Có lẽ họ chẳng mong ngày tết đến. Bởi những ngày tết, khi thấy người người nhà nhà đều sắm sửa để đón xuân họ lại thấy chạnh lòng buồn tủi.

Ngồi trên chiếc thuyền đã cũ nát, bà Thành (87 tuổi), quê từ xứ Thanh dạt vào Vinh kiếm sống từ đời nào. “Quê tôi Thanh Hóa, vào đây lâu rồi, lặt giấy ngày ngày nhập cho đồng nát kiếm ăn... Có mỗi mình, không con không cháu chi cả”. Vừa nhìn ra quãng sông vắng lặng, bà Thành buồn nói.
Những đứa trẻ ở xóm chài dường như chưa vao giờ biết được niềm vui tết đến.
Những đứa trẻ ở xóm chài dường như chưa vao giờ biết được niềm vui tết đến.

Trong con thuyền của bà cụ già đã đến độ tuổi gần đất xa thuyền, hằng ngày bà vẫn lầm rầm khấn vái một bức tranh Phật treo ngay ngắn trên vòm. Bà mới đi chùa gần đây, như là tìm một nơi nương tựa trong cả cuộc đời tự chống đỡ của chính mình. Giờ đây, tuổi đã quá cao, sức không còn để chống chọi, bà nương tựa vào đức Phật để chờ ngày ra đi thanh thản, đó có lẽ là ước nguyện cuối cùng. Cái khổ đeo dính cả cuộc đời, không con cháu, không họ mạc, một mình một thuyền nát, ngày qua ngày bà Thành chỉ biết thắp hương niệm Phật…

Nằm bên kia dòng sông một quãng không xa là khu chợ Vinh, khu đô thị của phường mới Vinh Tân nhộn nhịp huyên náo. Còn ở cái cống tiêu thoát nước này, mọi sự cứ yên vị đóng váng trên mặt sông lặng buồn.

Chị Nguyễn Thị Xuyến, chèo đò đưa chúng tôi vào dãy nhà tạm sát mép sông, tâm sự, chồng chị là Nguyễn Văn Nghinh, hai người đều gốc Hà Nam Ninh, vào đây từ năm 75, “xa quê lâu lắm rồi”. Gọi là dãy nhà tạm nhưng chỉ là nứa mét chèo chống, dựng chân nhà cao chống nước rồi lợp mái lên ở.
Chị Xuyến chèo thuyền thăm các nhà trong xóm vạn chài nghèo
Chị Xuyến chèo thuyền thăm các nhà trong xóm vạn chài nghèo

Công việc hằng ngày của chị là chèo thuyền đi thả lưới, đánh bắt cá, tôm trên sông để bán lấy tiền nuôi gia đình. Những ngày mưa bão, nước động, cả ngày trời không bắt được con gì, cả gia đình chị Xuyến lại ăn cơm với nước mắm cho qua ngày đoạn tháng.

Nói về việc chuẩn bị tết năm nay, chị Xuyến buồn nói: “30 tết rồi mà chẳng chuẩn bị được gì chú ạ. Năm ngoái tôm cá chẳng đánh bắt được nhiều nên không có tiền. Thôi thì tết này cũng chỉ làm mâm cúng tổ tiên vậy thôi chú ạ”.
Chị Xuyến bên đứa cháu của mình.
Chị Xuyến bên đứa cháu của mình.
 
Đứng chơi vơi bên mép nhà, nhìn chúng tôi chụp ảnh, cháu Lê Thị Huyền, 12 tuổi học lớp 6 trường Vinh Tân thấy lạ nên chạy trốn. Bố mẹ Huyền bán cá ở chợ Vinh, tầm 7,8 giờ tối mới về. Học ở trên trường, mỗi tháng Huyền và các em được nhà trường giảm cho 66 ngàn tiền ăn. Tết được nghỉ 11 ngày, Huyền và em chỉ biết ở nhà chơi rồi đến giờ cắm cơm chờ bố mẹ đi chợ về. Tết đối với những đứa trẻ này là được nghỉ học. Còn những trò chơi xa xỉ hay được cùng bố mẹ đi chơi tết có lẽ chẳng bao giờ có được.
 
Sát nách nhà bé Huyền là chị Lê Thị Khiêm - nhà vùng sông nước có cái tiện là nhảy từ nhà này sang nhà kia cũng được mà tụt xuống rồi leo lên cũng xong. Chị Khiêm (37 tuổi), bà mẹ của ba đứa con cười ngạc nhiên khi có khách lạ vào nhà. Quê gốc tỉnh Quảng Bình, chị Khiêm theo cha ra đây từ khi mẹ mất, hồi còn chưa tròn 2 tuổi. “Ở đây lâu nên không nhớ quê hương mấy đâu. Ra từ hồi còn nhỏ hơn thằng út giờ. Ba đứa con, thằng Cường đầu đã 12 tuổi, con gái thứ hai đã 8 tuổi rồi, thằng út này mới 3 tuổi”. Chồng chị Khiêm, anh Nguyễn Văn Thanh cũng gốc Quảng Bình là dân chài biển, lấy chị rồi mới ra đây ở cùng.
Chị Khiêm nhìn dòng sông lặng mà lòng buồn man mác.
Chị Khiêm nhìn dòng sông lặng mà lòng buồn man mác. 

Hằng ngày vào buổi sáng, chị bán cá tại chợ xén sát bên đình chính chợ Vinh. Cũng là lấy cá của người khác bán lại, chứ anh Thanh đi cá thì bữa được bữa không.

Ở chợ cá, ngày kém cũng được 5,7 chục, hôm nào son thì được 1,2 trăm. Thằng Cường con đầu mới học lớp 6 nhưng một buổi đi học, một buổi đi kéo cá với bố. Hai bố con đi gần, chạy từ cửa Tiền lên cầu Mưng xã Hưng Thái huyện Hưng Nguyên. Những ngày rét quá, kiếm được con cá khó khăn nên chủ yếu trông vào tiền đi chợ của chị.
Những đứa trẻ chỉ biết ngày tết khác ngày thường là được nghỉ học.
Những đứa trẻ chỉ biết ngày tết khác ngày thường là được nghỉ học.

“Năm ngôi nhà chòi của mấy hộ dựng lên là đất của phường, nghe nói sang năm là phường họ không cho ở nữa. Phải xin phép, phải đăng ký tạm trú phường mới cho dựng tạm để ở. Nhà này vợ chồng dựng lên cách đây gần 4 năm. Mọi dạo ở phía bờ bên kia, nhưng phường không cho nên dạt sang bên này. Nói gọi là nhà những mần hết có 2,3 triệu thôi. Chú xem toàn nứa mét, và gỗ nhặt nhạnh cả đó” chị Khiêm ngần ngại thanh minh.

“Không khí ngày tết buồn, buồn lắm các chú ạ. Tết thì vài cân thịt là xong. Mấy anh em con trai ở đây trèo qua nhà nhau uống rượu, mồng hai là chị đã đi chợ rồi”, chị Khiêm ngậm ngùi khi nói đến tết.
Xóm chài buồn trong đêm 29 tết.
Xóm chài buồn trong đêm 29 tết.
 
Đêm ập xuống, sông cửa Tiền đen như mực tàu, chỉ có ánh sáng những tòa nhà cao tầng xây dở chiếu sáng, hắt lên dáng chị Khiêm chở chúng tôi lên bến. Cả đàn chó mấy nhà nuôi sủa inh ỏi cả mặt sông không dứt. “Nuôi chó không phải đề phòng trộm mô các chú à, mà là cho vui. Chứ trộm nó cũng không vô xóm nhà chòi này làm chi”, giọng chị Khiêm bay theo tiếng chèo khuẫy nước.
 
Nguyễn Duy - Danh Thắng