Tết là ngày xóa tội cho nhau!

Người Nùng ở Hoàng Su Phì quan niệm, người ta có thể giận nhau cả năm, nhưng Tết đến, mọi tội lỗi, hận thù đều được hóa giải.

Đốt lửa cả 3 ngày Tết

 

Trong cái lạnh buốt của vùng cao, anh Lèng Văn Sinh, Phó Chủ tịch UBND xã Thèn Chu Phìn (Hoàng Su Phì, Hà Giang) không ngần ngại cùng bà con vào rừng kiếm những bó củi to nhất về dùng cho những ngày Tết. Nhà nào cũng thế, ba ngày cuối cùng của năm cũ họ chỉ làm duy nhất một việc kiếm củi.

 

Chợ Tết Hoàng Su Phì (Ảnh: Hoàng Nghiệp)

Chợ Tết Hoàng Su Phì (Ảnh: Hoàng Nghiệp)

 

Như luật bất thành văn, dù không ai nói với ai song bao giờ bà con cũng thực hiện rất nghiêm túc, đó là không tự ý chặt phá cây rừng mà chỉ nhặt những cành cây mục đã rơi xuống đất, nếu có chặt cũng chỉ là các loại cây dại ven đường. Không phải vì Tết năm nay quá lạnh mà năm nào cũng thế, ngày Tết củi phải thật nhiều, củi khô thì mang vào bếp, củi tươi dựng dưới chân cầu thang. Bếp không nấu nhưng lửa phải cháy liên tục, lửa hồng để xua tan giá lạnh, lửa hồng cũng là để đón khách. Khác với cánh đàn ông, chị em lại bảo nhau chuẩn bị thực phẩm gồm thịt gà, thịt lợn, rau xanh cùng một số loại nấm hái trên rừng.

 

Người Nùng ở một số xã của Hoàng Su Phì ít xuống chợ mua đồ, các gia đình thường mổ một con lợn thật to rồi chung nhau ăn. Một phần bà con ướp muối để dành, một phần treo lên gác bếp. Những ngày Tết muốn biết nhà nào “ăn to” chỉ việc nhìn lên gác bếp. Phụ nữ vừa là người chuẩn bị thực phẩm, vừa là người mời bà con thân thuộc, anh em bạn bè, làng xóm đến ăn Tết với gia đình. Có một điều thật hay, đó là nhà nào chăm đi lấy củi trong 3 ngày cuối cùng của năm thường là Tết năm ấy được rất đông người đến chung vui.

 

Nhà ông Lèng Chìn Hòa ở rất xa khu rừng nên những ngày thường, gia đình ông ai cũng có ý thức chuẩn bị củi trong những lần lên nương tận bên Nậm Dế. Củi dựng thành hàng dài dọc bờ đất dẫn ra tận chuồng trâu, vậy mà ông bảo chỉ đốt 3 ngày là hết thôi, vì bếp cả ngày và đêm đều có lửa cháy. Các thế hệ người già ở đây vẫn quan niệm như thế, lửa để xua đuổi tà ma, xua tan lạnh giá và đón điều tốt đẹp, sự ấm cúng và đón những con người có tấm lòng ngay thẳng trong những ngày đầu năm mới.

 

Xem xương cũ, đoán mệnh năm mới

 

Người Nùng cũng như người Kinh, người Thái, Tày... ngoài việc chăm chỉ lao động, sản xuất, cầu mong cho mưa thuận gió hòa và no ấm, bà con cũng đặc biệt tin vào tâm linh và thành kính trong việc thờ cúng tổ tiên, nhất là trong những ngày đầu năm mới. Vì vậy, trong suốt những ngày Tết bà con kiêng sát sinh, mọi thứ thực phẩm đã được chuẩn bị từ ngày 25 âm lịch. Duy nhất ngày mùng 2 mới được mổ một con gà để sáng sớm mùng 3 tiễn các cụ về trời. Con gà đó phải là gà của chính gia đình mình nuôi. Sau khi cúng xong, gia chủ mời thầy xem xương đùi gà để tiên đoán vận mệnh năm tới. Mỗi bản đều có một thầy cúng “cao tay” hoặc người già có uy tín đến làm lễ.

 

Sáng sớm ngày mùng 3 Tết, trời còn chưa rõ mặt người nhưng nhà anh Lèng Văn Lịch ở thôn Cáo Phìn đã rất đông khách. Con gà trống vừa được hạ từ bàn thờ xuống, thầy Lèng Chìn Sèng, đã hơn 80 tuổi nhưng con mắt, cái tay còn sáng và rất khỏe. Ông lấy con dao nhỏ nhẹ nhàng lách cắt riêng 2 chiếc đùi gà, sau đó lọc phần thịt để lấy riêng phần xương đùi. Mâm ngũ quả đang nghi ngút mùi trầm, dường như ông bà tổ tiên vẫn đang chứng cho việc ông làm. Ông phải thao tác, làm lễ thật chu đáo, cẩn thận cho anh Lịch vì năm mới thằng con trai anh sắp lấy vợ, con bò cái sắp đến kỳ “sinh nở” nên ai cũng muốn biết mọi việc sẽ diễn ra thế nào, tốt hay xấu để còn mời thầy về cúng giải.

 

Mọi người ngồi nghiêm trang theo dõi từng động tác. Ông cẩn trọng tìm những lỗ nhỏ trên 2 chiếc xương đùi rồi dùng que tăm cắm vào đó. Tìm mãi, cuối cùng cũng chỉ có 8 que tăm được chia đều trên 2 chiếc đùi gà. Vậy là mọi người ồ lên: “Vui rồi, vui quá, may rồi, may quá, thằng con trai mày lấy được vợ ngoan đấy, con bò cái cũng đẻ ra bò đực mà. Thế là năm nay nhà mày tốt quá”. Tất cả cùng nhìn xuống gầm sàn, bà vợ ông đang hớn hở ôm những bó củi to lên cho thêm vào bếp.

 

Thăm ruộng (Ảnh: Hoàng Hải)
Thăm ruộng (Ảnh: Hoàng Hải)

 

Trưởng bản Sải Văn Phong giải thích: Người Nùng quan niệm nếu một bên đùi gà có 4 lỗ nhỏ là tốt, nếu có 3 hoặc 5 lỗ là xấu, tóm lại phải là con số chẵn. Bà con chăn nuôi trâu bò cũng rất thích nó đẻ ra con đực vì khi bán được giá hơn... Ngày mùng 3 Tết không chỉ riêng nhà anh Lịch mà rất nhiều hộ có chung những niềm vui như thế nên tiếng cười lại càng to hơn, làm cho không khí ngày Tết thêm rộn ràng.

 

Người Nùng thường quan niệm, có thể bình thường người ta giận nhau một điều gì đó, rồi ấm ức cả năm, thậm chí không nhìn mặt nhau nhưng chỉ cần đến 3 ngày Tết năm đó thì tất cả tội lỗi, hận thù đều được bà con xí xóa, hóa giải. Cũng từ quan niệm tốt đẹp đó mà thời điểm này, những gia đình từng xích mích với nhau từ trước đều chủ động đến chơi nhà, cùng uống chén rượu xuân. Điều đó cũng như một lời tạ tội, xin lỗi và cầu chúc cho nhau năm mới những điều tốt đẹp nhất.

 

 Ngoài ngõ, mấy đứa trẻ đang chơi đánh yến (cầu lông gà) khiến ông Giàng Văn Hạnh ở thôn Lùng Chín Thượng nhớ ngay tới vụ việc cách đây chưa lâu, cũng từ trò chơi này mà thằng con trai ông với con trai ông Thèn Sao Kinh xảy ra cãi cọ rồi đánh nhau, vậy là ông xuống cầu thang dắt tay nó đến nhà ông Kinh để xin lỗi. Chưa biết phải nói với bố con ông ấy như thế nào nhưng ông Hạnh biết chắc gia đình họ sẽ bỏ qua tất cả, vì người Nùng ở đây đã bao đời như thế rồi.

 

Từ những suy nghĩ rộng mở mà những ngày Tết của người Nùng ở Thèn Chu Phìn nói riêng và ở Hoàng Su Phì nói chung không chỉ là sự gìn giữ những nét truyền thống của dân tộc, mà còn giúp cho con người xích lại gần nhau hơn.

 

Theo Hoàng Nghiệp
 Báo VOV