1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Tết Độc lập, nước mắt hoá thành đá ở chiến trường năm 1969

(Dân trí) -Tết Độc lập, khẩu phần ăn được tăng thêm 50gr gạo. Tết Độc lập chìm trong lo âu và buồn lặng bởi tin Bác Hồ ốm nặng khó lòng qua khỏi. Tết Độc lập đầu tiên trong niềm vui thống nhất non sông… là những kỷ niệm không thể nào quên trong đời người lính.


Tết Độc lập ở chiến trường thành cổ Quảng Trị

Những ngày đầu tháng 9 nắng Thu ươm vàng cả đất trời. Khắp các ngả đường, con phố cờ đỏ sao vàng bay phấp phới trong làn gió nhẹ. Những cơn mưa rào chuyển mùa thoắt đến, sầm sập rồi trời bỗng lại tạnh ráo. Trời như trong xanh hơn, nắng như vàng hơn và lòng người cũng phơi phới hơn trong niềm vui ngày Tết Độc lập.

Cũng ngày này, 69 năm trước, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. 69 năm đã trôi qua, đất nước đã đi từ trong khói lửa chiến tranh để đến ngày hòa bình, non sông thống nhất. Vượt qua những đau thương, đổ nát, lớp lớp các thế hệ Việt Nam đã chung tay xây dựng đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như Bác Hồ kính yêu từng mong đợi.

Đại tá Nguyễn Văn Thực - Nguyên Trưởng phòng bảo vệ an ninh Quân khu 4.
Đại tá Nguyễn Văn Thực - Nguyên Trưởng phòng bảo vệ an ninh Quân khu 4.

69 năm - 69 cái Tết Độc lập đã qua. Chiến tranh đã lùi xa nhưng hậu quả của nó vẫn còn dai dẳng chưa thể nào hàn gắn hết. Hơn ai hết, những người cựu chiến binh thấm thía về cái giá của Độc lập, của Tự do. Bởi vậy, những cái Tết Độc lập giữa chiến trường khốc liệt luôn là ký ức không thể phai mờ.

Trong ngôi nhà khang trang ở phường Hưng Phúc (TP Vinh, Nghệ An), lần giở những bức ảnh chụp ở chiến trường, đại tá Nguyễn Văn Thực - Nguyên Trưởng phòng bảo vệ an ninh Quân khu 4 - hồi tưởng về những cái Tết Độc lập trên chiến trường. Nhập ngũ năm 1966, tính đến ngày Giải phóng miền Nam, non sông thu về một mối, chiến sĩ trẻ Nguyễn Văn Thực đã có 9 cái Tết Độc lập ở chiến trường. Mỗi cái Tết là một dấu ấn, một ký ức khó phai mờ trong cuộc đời binh nghiệp của ông.

Ngày Tết độc lập luôn là dịp các mặt trận thi đua lập thành tích giết giặc, giành đất, giành dân. Trong khi đó, Ngụy cũng tăng cường mở rộng mức độ đánh phá để lập công mừng Quốc khánh của họ (21/9). Bởi vậy, những ngày này cuộc chiến giữa hai bên hết sức ác liệt.

Đại tá Nguyễn Văn Thực - Nguyên Trưởng phòng bảo vệ an ninh Quân khu 4.
Đại tá Thực kể về Tết Độc lập năm 1968 tại chiến trường Quảng Trị. Khi đó, khẩu phần ăn của mỗi người lính được tăng thêm 50g gạo nhân ngày lễ đặc biệt này.

Sau chiến dịch Mậu Thân 1968, chiến trường Quảng Trị càng trở nên ác liệt hơn. Đây là ranh giới giữa 2 miền, 2 chế độ, bởi vậy, mỗi ngày trôi qua là một cuộc chiến sinh tử giữa lực lượng 2 bên. Sau chiến dịch Mậu Thân, địch tập trung quân với hỏa lực mạnh, quyết đánh bật quân giải phóng về phía bắc cầu Hiền Lương. Với tổn thất không nhỏ sau chiến dịch cộng với sự vây ráp của địch khiến việc tiếp tế lương thực, thực phẩm và đạn dược phục vụ chiến trường hết sức khó khăn. Khẩu phần ăn của lính phải giảm xuống hơn một nửa, trong khi đó nhiệm vụ lại nặng nề hơn rất nhiều.

“Lúc này, khẩu phần ăn của lính chúng tôi chỉ còn 3 lạng gạo mỗi ngày thay vì 7 lạng như trước đây. Cơm chia nắm, ăn với rau rừng, củ mài, củ nâu khoai hay sắn, nói chung là bất cứ thứ gì có thể cải thiện được. Đói. Đói quay quắt. Chiến sự ngày càng ác liệt. Nếu không có lòng tin vào Đảng, vào thằng lợi của chính nghĩa có lẽ chúng tôi đã không vượt qua được thời điểm đó. Tết Độc lập, đồng chí chỉ huy trưởng mặt trận quyết định tăng thêm 50gr gạo trong khẩu phần ăn của lính. 50gr tuy rất nhỏ nhưng đã tiếp thêm động lực cho chúng tôi rất nhiều”, đại tá Nguyễn Văn Thực nhớ lại.

Tết Độc lập phấp phỏng đau thương

Tết Độc lập giữa chiến trường là cái Tết của niềm tin tất thắng vào cuộc chiến đấu chống xâm lược. Bởi vậy, nó có ý nghĩa rất lớn về mặt tinh thần. Giữa chiến trường đạn bom, giữa lằn ranh giới sống và chết thì niềm tin luôn là thứ vũ khí hữu dụng nhất. Và dịp Quốc khánh 2/9/1969 thực sự là một cuộc chiến đấu của lòng tin nơi “cối xay thịt” này.

Ngày 28/8/1969, Bộ tư lệnh mặt trận nhận được thông báo của Trung ương Đảng và Quân ủy Trung ương. Bức điện chỉ vẻn vẹn mấy dòng: Bác ốm nặng, chắc khó qua khỏi. Đồng thời giao nhiệm vụ cho cán bộ an ninh mặt trận chuẩn bị công tác tư tưởng trấn an nhân dân, binh sỹ trong trường hợp Bác Hồ qua đời.

Chiến dịch Mậu Thân kết thúc mà không giành được thắng lợi đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của cán bộ, chiến sỹ và nhân dân vùng tạm chiếm. Nếu Bác Hồ qua đời sẽ là một tổn thất cực kỳ lớn đối quân và dân ta. Không những thế, nó còn ảnh hưởng cực kỳ lớn đến tâm lý chiến đấu và niềm tin vào cuộc chiến đấu của toàn dân.

“Thông tin mật chuyển về, chỉ có anh em ở Bộ Tư lệnh mặt trận biết thôi. Không nói ra nhưng ai cũng nặng trĩu lo âu. Phần vì lo cho sức khỏe của Bác, phần vì lường trước được những khó khăn nếu điều không mong muốn đó xảy ra. Chúng tôi một mặt chuẩn bị cho anh em đón Tết Độc lập, một mặt cử cán bộ đến từng đơn vị, từng ấp chiến lược, từng vùng địch tạm chiến, vùng địch hậu để làm công tác tư tưởng cho cán bộ, chiến sỹ và nhân dân" - ông Thực kể.

"Bác đã cao tuổi, sẽ không tránh được quy luật sinh - lão - bệnh - tử nhưng chúng ta còn Đảng. Đảng sẽ tiếp nối con đường đấu tranh giải phóng dân tộc mà Bác đã vạch ra. Đảng sẽ thay mặt Bác lãnh đạo cuộc chiến đấu của nhân dân ta. Chúng tôi đón Tết Độc lập trong nỗi phấp phỏng lo âu”, đại tá Thực hồi tưởng.

Rồi điều không mong đợi nhất cũng xảy ra. Cái tin Bác Hồ từ trần bay tới mặt trận chẳng khác nào tiếng sét giữa trời quang. Đau đớn đến tột cùng! Bọn địch lợi dụng dịp này ra sức tuyên truyền xuyên tạc, thực hiện chiến dịch giành đất, giành dân. “Chúng rêu rao, Bắc Việt mất cụ Hồ là hoàn toàn mất khả năng chiến đấu. Thắng lợi nhất định sẽ về tay chúng. Nhưng chúng đã nhầm…”, đại tá Thực xiết chặt bàn tay, đôi mắt quắc lên.

Trong giờ phút đau thương ấy, giữa chiến trường thiếu thốn nhưng những bàn thờ Bác cũng được lập ra. Đứng trước bức di ảnh của Người, nước mắt hóa thành đá, thành lòng quyết tâm sớm giải phòng đất nước để Tổ quốc sớm được thống nhất, Nam - Bắc một nhà như Bác mong muốn. Những vùng địch chiếm không có điều kiện tổ chức truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Mình thì mỗi người bày tỏ niềm thương tiếc, kính trọng và biết ơn của riêng mình.

Mỗi người lính, mỗi người dân Việt Nam đã biến đau thương thành hành động cách mạng, biến đau đớn thành sức mạnh chiến đấu. Mỗi người lính tự thấy mình phải chiến đầu dũng cảm hơn nữa để xứng đáng với niềm tin tưởng của Bác Hồ. Gạt nước mắt, họ lại xung trận, biến mỗi tên địch ngã xuống, mỗi mét đất giành được, mỗi thôn làng được giải phóng là một nén hương thơm dâng lên anh linh của Người.

Thế nhưng cũng phải 3 năm sau, thành cổ Quảng Trị mới được giải phóng. Bao nhiêu máu, bao nhiêu nước mắt và bao nhiêu đau thương đã chôn vùi nơi mảnh đất này. Hành trình thiên lý còn kéo dài mãi tới năm 1975, tức là trải qua thêm 2 cái tết Độc lập nữa thì mong ước của Bác Hồ mới trở thành hiện thực. Thành phố Sài Gòn được mang tên Người - Thành phố Hồ Chí Minh, như một lời khắc cốt ghi tâm của các thế hệ sau đối với Bác Hồ - người đã giành độc lập, tự do cho dân tộc.

Chiến thắng 30/5/1975, non sông thu về một mối, đất nước hoàn toàn độc lập, thống nhất. Trong đoàn quân chiến thắng trở về, đơn vị ông Thực hành quân qua Tp Huế. “Chao ôi, lâng lâng trong niềm vui chiến thắng. Đó là cái Tết độc lập vui nhất, cái tết của thống nhất, trọn vẹn non sông. Nhân dân cố đô đón tiếp bộ đội từ chiến trường, từ chiến khu trở về trong niềm hân hoan chiến thắng" - người chiến sĩ già nhớ lại.

"Năm 1945, Vua Bảo Đại thoái vị, chấm dứt chế độ phong kiến tồn tại hàng nghìn năm trên đất nước ta. Và phải đến 30 năm sau, chúng ta mới hoàn toàn thoát khỏi xiềng xích, mới có được Độc lập, Tự do đúng nghĩa. Không thể diễn tả hết niềm vui, niềm hạnh phúc bởi đây là cái Tết Độc lập thống nhất non sông. Người dân ào ra đường chào đón đoàn quân trở về. Cờ, hoa rợp trời. Chúng tôi bước đi trong sự lâng lâng của niềm hạnh phúc quá đỗi lớn lao mà đồng đội, đồng chí và cả dân tộc đã phải hi sinh xương máu để giành lấy”, đại tá Thực nhớ lại.

Hoàng Lam