Tết của những người tha hương vì bệnh phong
(Dân trí) - Những người mắc bệnh phong đang điều trị tại Bệnh viện Phong Hà Nam đều sống xa gia đình, có người còn quên cả lối về. Từ khi mắc bệnh, có không ít người chưa một lần được về quê ăn Tết.
Tha hương tìm chốn dung thân
Bệnh viện Phong Hà Nam hay còn có tên thường gọi là trại phong Ba Sao (Kim Bảng, Hà Nam) được đặt ở nơi "thâm sơn cùng cốc" cách xa mọi "ánh nhìn" của xã hội từ những năm 50-60 của thế kỷ trước.
Thời điểm những năm bệnh phong (có nơi gọi là bệnh hủi) còn hoành hành, người mắc bệnh gần như chìm trong bóng tối, họ khép mình trước sự hành hạ của bệnh tật và sự xa lánh của mọi người.
Để tồn tại, những người mắc bệnh phải bỏ đi biệt tích, sống cảnh không người thân, không quê hương. Họ tìm đến những nơi điều trị bệnh phong tập trung, ở đó dù không có người thân nhưng họ tìm được sự đồng cảm. Dần dần họ cũng quên cả lối về và xem những nơi điều trị bệnh phong tập trung là nhà của mình.
Bà Trịnh Thị Gái, quê ở Nam Định cho biết, năm 16 tuổi, bà không may mắc bệnh phong. Khi biết bà mắc bệnh, hàng xóm hắt hủi, kì thị, xa lánh, thậm chí xua đuổi bà đi nơi khác, gia đình dù muốn bảo vệ những cũng lực bất tòng tâm.
"Lúc mới mắc bệnh, người ta xa lánh, không tiếp xúc, cứ thấy tôi là họ lại chạy mất. Tôi vào đây lâu lắm rồi, cũng chỉ nhớ mình ở Nam Định, đã từng về quê một lần. Nhưng giờ cũng quên cả đường đi, lối về, không biết ở quê còn người thân không nữa", bà Gái chia sẻ.
Ông Đặng Văn Tần, quê Nam Định cho biết: "Năm 19 tuổi tôi mắc bệnh phong, tôi bỏ đi biệt xứ không dám trở lại quê nhà. Phải đến gần đây, người cháu của tôi phát hiện tôi trên báo chí nên mới tìm đến hỏi thăm và đưa tôi về thăm lại gia đình".
Hầu hết những người đến trại phong Ba Sao, người may mắn thì còn có người thân, có thể về thăm nhà vài ba hôm rồi lại đi, có người từ khi dứt áo ra đi chưa một lần về lại nơi chôn nhau cắt rốn.
Có những bệnh nhân lúc vào điều trị không hề khai báo có người thân, nhưng đến lúc sắp mất, mới cho các y bác sỹ biết mình có người thân ở quê nhà.
Tết của những người mang căn bệnh quái ác
Đa phần những bệnh nhân đang ở trại phong Ba Sao tuổi đều đã cao, mỗi người một hoàn cảnh. Ai may mắn thì còn có con cháu, gia đình đến thăm nom và đón về ăn Tết. Nhưng không ít người không có người thân, nhiều người từ khi mắc bệnh chưa được trở về nhà cùng gia đình đón Tết sum vầy.
Bà Đinh Thị Xuân bệnh nhân điều trị ở đây cho biết, bà không nhớ vào viện từ năm nào. Hàng năm, cứ đến gần Tết, bà và những bệnh nhân lại mong chờ đợi khách đến thăm.
Bà Xuân khoe: "Cứ Tết đến bệnh nhân chúng tôi vui lắm, người ta đến cho mình quà Tết, có người còn bắt tay, không sợ hủi nữa. Vậy là chúng tôi hạnh phúc lắm rồi!".
Cùng ở trại phong và nên duyên vợ chồng với nhau, ông Nguyễn Văn Thọ và bà Trần Thị Ngọ đang chờ một mùa xuân mới về.
Nhà ông Thọ cách trại phong không xa, khi bố ông Thọ còn sống, thỉnh thoảng, vào ngày Tết, ông lại xin bệnh viện về nhà đón Tết với bố. Từ ngày bố ông qua đời, ông không về nhà nữa.
Hai vợ chồng ông vì bệnh tật không có con nên nương tựa nhau mà sống. Với họ bệnh viện là tổ ấm gia đình.
Không chỉ vợ chồng ông Thọ, ở trại phong Ba Sao có rất nhiều bệnh nhân nên duyên vợ chồng với nhau.
Ông Nguyễn Ngọc Hà (76 tuổi), quê Ninh Bình cho biết: "Tôi cũng nên duyên vợ chồng với một nữ bệnh nhân khác ở trại phong. Hai vợ chồng tôi đều cùng quê, bấu víu vào nhau mà sống. Giờ bà ấy mất rồi, tôi lủi thủi một mình, nhưng cũng không có ý định về quê đón Tết".
Ông Hà cho biết, trong trại phong có khoảng 6 cặp đôi nên duyên vợ chồng. Những đám cưới đều "tự túc" ngay trong trại phong. Khách mời chủ yếu là tập thể y bác sỹ cùng các bệnh nhân. Không cỗ, không bàn, không bánh kẹo, chỉ là những chén nước chè…
Nhiều cặp đôi khi điều trị khỏi bệnh đã tăng gia sản xuất ngay khu đất của bệnh viện. Con cháu của bệnh nhân phong lớn lên, nhiều người trở thành nhân viên phục vụ của bệnh viện.
Sau nhiều năm gần như "đóng cửa" với thế giới bên ngoài, nhiều năm nay, trại phong Ba Sao đã được quan tâm nhiều hơn, những đoàn từ thiện từ khắp mọi nơi kéo về trại phong Ba Sao thăm hỏi, tặng quà… khiến các bệnh nhân có cảm giác như đang ở nhà.
Các bệnh nhân kháo nhau, Tết đến là mình đang già đi, nhưng mỗi mùa xuân mới đến họ được quan tâm, được thấy tình cảm ấm áp của cộng đồng dành cho, đấy là niềm an ủi mà họ có được.